XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Huyện Chương Mỹ có 12 sản phẩm được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023; Chương Mỹ sẽ tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” vào tháng 7/2024
Ngày đăng 12/04/2024 | 16:04  | Lượt xem: 72

Sáng 12/4, Sở NN&PTNT Hà Nội công bố Quyết định, trao Bằng công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống và cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2023.

 

Sáng 12/4, Sở NN&PTNT Hà Nội công bố Quyết định, trao Bằng công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống và cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48 % tổng sản phẩm OCOP toàn Thành phố).

Thực hiện Quyết định số 4863/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 của UBND Thành phố về việc ủy quyền cho Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội trong việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở. Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1884/QĐ-SNN ngày 20/10/2023 thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu "Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống" Hà Nội 2023 - 2024. 

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình UBND Thành phố phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai. Đến nay, 15 làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu, gồm 4 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội", 11 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội", (tăng 9 làng so với năm 2022).

Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ "Làng nghề" lên "Làng nghề truyền thống".

Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban Quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như gắn kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề như: Làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên,…

Về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thực hiện Kế hoạch số 53/KH-HĐOCOP ngày 28/4/2023 của Hội đồng OCOP Thành phố về việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023, dự kiến đánh giá khoảng 400 sản phẩm. Trên cơ sở kế hoạch của Hội đồng OCOP Thành phố, ngay từ đầu năm Sở đã đôn đốc các huyện đăng ký và xây dựng kết hoạch triển khai. Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đã phối hợp với các địa phương để đánh giá, phân hạng.

Kết quả, Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch Thành phố giao (400 sản phẩm). Trong đó có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao, của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 HTX, 114 hộ kinh doanh); sản phẩm được đánh giá đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế, biến chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 11,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%... Tổng số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%.

Lũy kế đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển chương trình OCOP.

Tại hội nghị, cùng với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ có 12 sản phẩm được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023.

Huyện Chương Mỹ có 03 chủ thể được Thành phố trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2023.

Các sản phẩm OCOP của huyện được Thành phố cấp giấy chứng nhận đạt hạng 4 sao thuộc 3 chủ thể đó là: sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; 05 sản phẩm của Công ty cổ phần nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam (xã Trung Hòa) gồm: Trà rau má đậu xanh, Trà thìa canh Linh Chi, Trà tía tô Gold, Trà Đinh lăng lạc tiên, Trà Cà gai leo Atiso; Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long có 06 sản phẩm gồm: Trà hoàn ngọc túi lọc, Trà túi lọc cà gai leo, Trà túi lọc Cà gai leo tía tô, Trà túi lọc Cà gai leo Đinh lăng, Trà túi lọc Cà gai leo chè xanh.

 

Theo Kế hoạch số 210-KH/HU, ngày 09/4/2024 của Ban thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ về việc tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024, Hội thi sẽ được tổ chức vào tháng 7/2024 với sự tham gia của Cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc 07 xã, 02 thị trấn thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai ” trên địa bàn huyện.

Đây cũng chính là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949-15/10/2024); 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2024); 25 năm Ngày Dân vận của cả nước (15/10/1999- 15/10/2024).

Nội dung của hội thi là tuyên truyền những chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực công tác dân vận, trong đó có dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận của chính quyền; nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, các chủ trương lớn triển khai tại địa phương, đơn vị... Tuyên truyền về việc nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người; vận động giải phóng mặt bằng, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội. Tuyên truyền về ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính cấp bách của công tác GPMB các khu tái định cư, phục vụ GPMB thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La — Xuân Mai” trên địa bàn huyện, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô và huyện. Tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn huyện đồng tình, ủng hộ và thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi, bàn giao đất, tái định cư, phục vụ thực hiện Dự án. Tuyên truyền chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

Dự Dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La — Xuân Mai” trên địa bàn huyện đang được tích cực triển khai.

Đối tượng dự thi là: Cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội thuộc 07 xã, 02 thị trấn thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai ” trên địa bàn huyện gồm: Tiên Phương, Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình, Xuân Mai và Chúc Sơn.

Mỗi xã, thị trấn thành lập 01 đội thi, mỗi đội thi từ 05-07 thành viên chính thức và các thành viên hỗ trợ. Thành phần bắt buộc tham gia đội thi là cán bộ chủ chốt đại diện ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị. Thành phần mở rộng là Đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và Nhân dân trên địa bàn.

Hội thi sẽ được tổ chức tại 2 cụm. Thời gian tổ chức dự kiến trong tháng 7/2024. Ban tổ chức sẽ trao các giải Nhất, Nhì, Ba tại mội cụm thi.

Theo thể lệ Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 huyện Chương Mỹ, mỗi đội sẽ thực hiện 03 phần thi gồm: Chào hỏi, thi Kiến thức công tác dân vận và thi Kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận.

Khối dân vận Đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức Hội thi Dân vận khéo.

Trong phần thi Kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận, các đội sẽ thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa về công tác dân vận của Đảng; giới thiệu các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có tính bền vững, được địa phương, đơn vị ghi nhận và có sức lan tỏa, góp phần tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương. Đặc biệt các đội sẽ xây dựng tiểu phẩm giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi triển khai thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai ” trên địa bàn huyện Chương Mỹ; tuyên truyền về trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Dự án; về sự đồng thuận của Nhân dân; ý nghĩa, vai trò quan trọng của Dự án khi hoàn thành đối với sự phát triển của huyện, của địa phương.

Qua hội thi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện về vị trí, vai trò công tác dân vận; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác Dân vận của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; thiết thực chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của Thủ đô, nhất là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Tạo diễn đàn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kiến thức, năng lực xử lý các tình huống trong thực hiện công tác dân vận, khuyến khích tinh thần nhiệt tình và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận về tư duy, phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ. Đồng thời cổ vũ, động viên, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn huyện./.

 

 

Kim Thoa - Hoàng Tình

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)