PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN

Huyện Chương Mỹ tập huấn kiến thức phòng, chống thiên tai; Tập trung thu hoạch lúa Xuân; Phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ngày đăng 01/06/2023 | 17:06  | Lượt xem: 263

Ngày 1/6, UBND huyện tổ chức lớp tập huấn kiến thức cho đội ngũ xung kích phòng, chống thiên tai (PCTT) các xã, thị trấn năm 2023 tại Trung tâm chính trị huyện.

Tham dự có trên 600 đại biểu đại diện lãnh đạo UBND, Trưởng các ngành Công an, Quân sự, các đoàn thể chính trị xã hội, công chức văn phòng, thống kê, công chức văn hóa xã hội cấp xã, Trưởng các thôn, Tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện.

Toàn cảnh buổi tập huấn.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Huyện ủy viên, Phó giám đốc Trung tâm chính trị huyện đã khai mạc lớp tập huấn. Đồng chí Nguyễn Vinh Nguyên, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục thuỷ lợi – Phòng chống thiên tai Thành phố đã về dự và trực tiếp truyền giảng nội dung tập huấn. Bằng những hình ảnh trực quan sinh động trình chiếu tại buổi tập huấn, đồng chí đã giúp các đại biểu thêm hiểu biết một số chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện hành. Trong đó, đồng chí đã đi sâu phân tích tầm quan trọng của công tác PCTT, trách nhiệm của UBND cấp xã, quyền và nghĩa vụ của hộ cá nhân và gia đình trong công tác PCTT; Lan tỏa ý nghĩa về chủ điểm của ngày truyền thống PCTT - ngày 22/5 cũng như tuần lễ Quốc gia PCTT năm 2023 đó là: “Từ ứng phó đến hành động sớm” – Trước thực tế biến đổi khí hậu hiện nay đã gây ra nhiều bão, lũ, hạn hán....Con người phải tìm cách thích ứng với môi trường, khí hậu, giảm thiểu các hoạt động gây tổn hại đến môi trường. Trong công tác PCTT, chúng ta cần thực hiện phòng ngừa là chính, ứng khó kịp thời và khắc phục khẩn trương với mọi cấp độ rủi ro do thiên tai gây ra với phương châm 4 tại chỗ.

Cũng tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được giảng viên trao đổi, giải đáp những băn khoăn về thực hiện các chính sách liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời được nghe cán bộ Phòng Kinh tế huyện phổ biến những nội dung cơ bản trong Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND Thành phố Hà Nội  về ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 1060/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Toàn huyện thu hoạch được gần 6000 ha lúa Xuân.

Mặc dù thời tiết mấy ngày nay nắng nóng, oi bức nhưng cũng là điều kiện tốt để nông dân thu hoạch lúa xuân thuận lợi. Tính đến hết ngày 31/5, toàn huyện đã thu hoạch được 5.950ha cây trồng vụ Xuân, đạt 68,8% tổng diện tích. Đã có 16/32 xã, thị trấn gặt cơ bản xong 100% diện tích lúa như: Hồng Phong, Đồng Phú, Thanh Bình, thị trấn Xuân Mai.....

Nông dân huyện tập trung thu hoạch lúa Xuân.

Vụ Mùa năm nay, huyện ta phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 8.187 ha. Trong đó: Lúa gần 7.000 ha, cây màu gần 1.300 ha. Để đảm bảo thời vụ tốt nhất cho cây trồng, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ Xuân, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2023, gieo mạ trà cực sớm và sớm. Thu hoạch nhanh gọn lúa Xuân, làm đất cấy ngay lúa Mùa; Chỉ đạo chặt chẽ giữa khâu làm đất và gieo mạ để khi cấy mạ có 3 - 3,5 lá, tuyệt đối không để mạ chờ ruộng. Trong đó trà cực sớm và sớm thực hiện gieo mạ từ ngày 01/6 đến 10/6/2023, cấy từ ngày 12/6/2023 đến 20/6/2023; Các đơn vị cũng có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 - 10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện nắng nóng, ngập úng xảy ra gây chết mạ, chết lúa; Tiếp tục áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, cấy mạ non, cấy 1 - 2 dảnh/khóm, mật độ 25 - 30 khóm/m2, điều tiết nước hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; Mở rộng diện tích gieo sạ và cấy lúa bằng máy.

Toàn huyện phấn đấu gieo cấy trà cực sớm và sớm, trà chính vụ xong trước 30/6 (đạt 70% diện tích trở lên), cấy xong 100% diện tích trước ngày 05/7/2023. Cây rau màu: tập trung gieo trồng trong tháng 6, đầu tháng 7/2023.

Biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm tốt công tác phối hợp hướng dẫn các cá nhân, tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện một số biện pháp phòng chống nắng nóng, đó là:

* Về chuồng, trại nuôi: Nếu là chuồng kín cần lắp đặt đầy đủ quạt điện, quạt hút và dàn làm mát, hệ thống quạt nên đặt ngang tầm lưng của gia súc (chuẩn bị máy phát điện để phòng những lúc mất điện).

Nếu là chuồng hở nên có rèm che chống nắng xung quanh chuồng nuôi. Lắp đặt quạt điện trong chuồng và hệ thống phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt độ.

Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi đối với đàn trâu, bò, dê: Chăn thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn (buổi sáng 6 giờ thả, 8 giờ về; buổi chiều 17 giờ thả, 18 giờ về). Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 - 6 m2/con, dê 1,8 – 2,0 m2/con. Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung vitamin C để giải nhiệt; cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn. Nên tắm trải cho trâu bò 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cơ thể.

Đối với đàn lợn: Giảm mật độ nuôi nhốt: với lợn nái 3 - 6 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Đặc biệt với nước uống cần cho lợn uống đủ nước sạch: lợn con là 0,5 lít/con/ngày, lợn thịt từ 10 - 15 lít/con/ngày, lợn nái chửa, nuôi con từ 18 - 40 lít/con/ngày; bổ sung Bcomplex, vitamin C, chất điện giải... để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Tắm cho lợn 1 - 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát.

Đối với đàn gia cầm: Cho gà ăn sớm, ăn xong treo máng ăn lên cho thoáng chuồng nuôi. Giảm độ dày đệm lót chuồng và giãn mật độ nuôi. Đối với gà con: úm 50 - 60 con/m2; Đối với gà trọng lượng 0,5 - 1 kg/con: nhốt 8 - 12 con/m2; Đối với gà trọng lượng 2 - 3 kg/con: nhốt 3 - 5 con/m2.

Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Cung cấp nước sạch, mát; cho uống tự do. Bổ sung thêm vitamin C, chất điện giải.

* Công tác vệ sinh thú y: Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thu gom phân vào hố chứa phân. Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi; Tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo qui định của thú y; Hàng ngày quan sát và theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn vật nuôi phát hiện vật nuôi bị ốm thì cách ly và điều trị kịp thời. Khi đàn vật nuôi chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để xử lý, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

* Các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm bao gồm:

Về chuồng trại: Chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô, đặc tính, lứa tuổi của đàn gia súc, gia cầm. Chuồng trại cần được kiểm tra và chằng chống để tăng độ vững chắc; Thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước uống, nước rửa; hệ thống thoát nước chung của cả khu vực; hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt cần phải tôn cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ lụt, làm sàn kê cao, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa; Khu chứa chất thải cần bố trí xa chuồng nuôi, khu sinh hoạt, nguồn nước, cuối hướng gió và ở vị trí thấp để hạn chế ô nhiễm môi trường khi có mưa to hặc ngập úng.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm để chống lại các tác động bất lợi hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất; Chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi cụ thể: đối với trâu bò cần dự trữ thức ăn xanh, cỏ khô, thân cây ngô, thân cây lạc, đậu tương. Nên tiến hành thu gom rơm thành đống, che kín để tránh mưa ướt hoặc ủ rơm với ure để nâng cao giá trị dinh dưỡng và tăng tỷ lệ tiêu hóa. Đối với lợn, gia cầm: cần dự trữ thức ăn tinh (ngô, sắn,…) và thức ăn giàu đạm (bột cá, đỗ tương, khô dầu lạc, khô dầu đậu tương,…). Thức ăn dự trữ cần bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, kém chất lượng; Đảm bảo luôn có đủ nước uống sạch cho gia súc, gia cầm. Đối với các vùng chưa có nước máy, cần khử trùng nước trước khi cho gia súc, gia cầm uống. Khử trùng nguồn nước bằng cloramin B hoặc cloramin T (liều lượng từ 3- 5 g/m3 nước); Người chăn nuôi cần chủ động thường xuyên kiểm tra máy phát điện dự phòng, xăng dầu.... để chủ động trong trường hợp mất điện.

Để phòng bệnh, người chăn nuôi cần bố trí hố sát trùng ở cửa ra vào khu vực chuồng trại; Thường xuyên quét dọn chuồng trại sạch sẽ, cọ rửa máng ăn, máng uống…; Định kỳ phun hóa chất sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi; Hạn chế người ra vào chuồng trại (đặc biệt người lạ); Thức ăn, nước uống phải đảm bảo đầy đủ, hợp vệ sinh; Gia súc, gia cầm mua về phải rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; mới nhập về phải nuôi cách ly. Ngoài ra bà con cần phải tiêm phòng vaccin đầy đủ theo đúng quy định của cơ quan thú y; Thường xuyên theo dõi dám sát đàn vật nuôi, quan sát và theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn vật nuôi phát hiện khi đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường như ủ rũ, bỏ ăn, tiêu chảy, phải tách ngay ra khỏi đàn, xử lý và điều trị kịp thời. Đồng thời báo cho thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để xử lý, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

 

Lan Oanh, Đặng Sáng