PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN

Huyện Chương Mỹ đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Ngày đăng 28/04/2023 | 17:05  | Lượt xem: 178

Để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2023 nhằm đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ Mùa, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; UBND huyện Chương Mỹ đã chủ động ban hành kế hoạch, phương án về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.

Theo kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, huyện Chương Mỹ đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn Luật; Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2023 trên địa bàn huyện; Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai xong trước ngày 15/5/2023; Nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra các loại hình thiên tai theo Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2023; Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống ngập lụt, sạt lở, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh; Triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn năm 2023 trên địa bàn huyện, trong đó cần lập kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị theo quy định đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ xong trước ngày 31/5/2023; Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2023 trên địa bàn huyện, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai ở các khu vực xung yếu, đông dân cư. Tổ chức huấn luyện, diễn tập cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn huyện xong trước ngày 31/5/2023; Triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện theo chương trình mục tiêu quốc gia theo từng ngành, từng lĩnh vực; Huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn huyện.

Năm 2018, cả hệ thống chính trị huyện Chương Mỹ đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, đảm bảo đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng của bão, lũ bằng nhiều hoạt động thiết thực: Tặng nhu yếu phẩm thiết yếu, vệ sinh môi trường…..

Trong phân công thực hiện nhiệm vụ, UBND huyện giao Phòng Kinh tế huyện là cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, có kế hoạch đảm bảo dự trữ và chuẩn bị nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm và kinh phí cần thiết để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống, hỗ trợ cứu tế cho nhân dân; Tham mưu các giải pháp và xây dựng các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai. Chủ trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn huyện đã được UBND thành phố phê duyệt; Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2023; kết hợp với các ngành chức năng, các địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình phòng, chống thiên tai, báo cáo đề xuất biện pháp xử lý đối với từng công trình cụ thể, đảm bảo công tác thường trực kỹ thuật hộ đê. Tổ chức tập huấn công tác phòng, chống thiên tai cho lực lượng xung kích, các đơn vị và các xã, thị trấn; Kết hợp với Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thuỷ lợi Chương Mỹ, các xã, thị trấn đảm bảo việc tiêu thoát nước. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn xử lý kịp thời các sự cố về đê điều, hồ, đập. Chuẩn bị mọi mặt khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất khi có mưa, lũ lớn xảy ra; Thường trực kiểm tra, đôn đốc các ngành, các xã, thị trấn hoàn thành công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai xong trong tháng 5/2023.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương theo quy định. Những nơi có vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi phải chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời. Huy động lực lượng lao động, vật tư, cơ sở vật chất ở địa phương phục vụ phòng, chống lụt bão, hạn hán, động đất, cháy rừng đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

Năm 2023 được dự báo là một năm thời tiết nguy hiểm, khó lường. Hiện tượng La Nina còn duy trì đến hết mùa Xuân với xác suất khoảng 50-60%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%, những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng. Hiện tượng El Nino có khả năng quay trở lại vào các tháng cuối năm 2023. Trên sông Bùi tại Yên Duyệt đỉnh lũ cao nhất năm ở mức 6.50 - 7.00m, ở mức BĐ2-BĐ3 (BĐ2: 6.50m, BĐ3 7.00m) vào khoảng cuối tháng 7, tháng 8 hoặc tháng 9. Trong năm khả năng xảy ra từ 1- 2 đợt hạn hán vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và tháng 12, tại những thời điểm này thời tiết chủ yếu ít mưa và vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 khả năng có nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp, mực nước các sông trong khu vực xuống thấp. Diễn biến phức tạp của thời tiết và biến đổi khí hậu, nguy cơ lũ rừng ngang, mưa lớn, bão, sạt lở đất có thể diễn ra bất thường.  

Để chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra, UBND huyện đã xây dựng kịch bản các phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi do trên địa địa bàn nhằm đảm bảo mục tiêu: Phát huy năng lực các công trình hiện có, đồng thời huy động tổng nguồn lực để chủ động tiêu thoát úng cho 8.000ha lúa mùa và trên 1.200ha hoa màu, làm tốt công tác phòng, chống bão, úng để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra; Khi có mưa lũ xảy ra phải sơ tán triệt để trong vùng ngập nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, thiệt hại thấp nhất về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Kịp thời ổn định sản xuất và đời sống, khắc phục hậu quả sau khi nước rút; Bảo vệ an toàn hệ thống đê, hồ đập (Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu); Khi có bão, lốc, mưa đá xảy ra phải chủ động đối phó và kịp thời khắc phục hậu quả; Bảo vệ dân, bảo vệ tài sản khi có lũ rừng ngang, lũ dồn, lũ ống và lũ quét xảy ra.

UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình chủ động xây dựng phương án và tổ chức thực hiện phòng, chống là chính, có sự hỗ trợ của Nhà nước cấp trên với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện có hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và lực lượng tại chỗ.

Đối với công tác chống úng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các Ban Chỉ huy cụm chống úng phải có phương án cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện.

Các ngành chuyên môn như: Xí nghiệp Đầu tư Phát triển thuỷ lợi huyện, Phòng Kinh tế, Công ty Điện lực Chương Mỹ phải xây dựng phương án, phân công cán bộ, công nhân vận hành rõ ràng, cụ thể từng cụm chống úng để sẵn sàng thi hành nhiệm vụ khi cần thiết đảm bảo tiêu úng kịp thời và đảm bảo yêu cầu các tình huống đã nêu ở trên.

Công ty Điện lực Chương Mỹ phân công cán bộ, công nhân thao tác thường trực kịp thời xử lý sự cố đảm bảo duy trì có đủ điện 24/24 giờ để chạy máy khi cần thiết tiêu úng.

Các ngành: Kinh tế, Khuyến nông giúp các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị giống lúa đề phòng trường hợp số diện tích phải cấy lại hoặc bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Khi chống úng phải tuân thủ các quy định của huyện, chạy máy bơm chống úng phải đổ nước ra sông, các kênh tiêu chính. Huy động các máy bơm dầu, điện, dã chiến để chống úng nhưng phải tính toán hiệu quả kinh tế.

Để bảo vệ các tuyến đê chính và các hồ lớn khi có mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy các đoạn đê, hồ, đập có mặt tại địa điểm thường trực để làm nhiệm vụ. Toàn bộ vật tư, phương tiện, nhân lực của các xã, các đơn vị được huy động theo quyết định phân bổ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sau 5 giờ phải được tập kết đầy đủ về các vị trí phân công theo quyết định.

Ban Chỉ huy các đoạn đê, hồ, đập triển khai xử lý đầu giờ. Hoành triệt các cống dưới đê, hàn gắn các cửa khẩu qua đê, xử lý kỹ thuật đối với các hạng mục  xung yếu theo đề nghị của tiểu ban kỹ thuật. Thường trực tuần tra canh gác 24/24 giờ kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố kỹ thuật, quyết tâm bảo vệ vững chắc an toàn đê, hồ, đập trong mùa mưa lũ.

UBND huyện yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai để mọi người đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác phòng, chống thiên tai nhằm đối phó với thiên tai theo các phương án đã xây dựng.

Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện thường xuyên kiểm tra về công tác phòng, chống thiên tai, tiến hành duyệt các phương án cụ thể của các địa phương, đơn vị. Từng xã, thị trấn, từng ngành và các tổ chức phòng, chống thiên tai huyện phải xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể, nhất là phương án chống thiên tai, phương án sơ tán dân, phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, phương án phục hồi sản xuất, phương án chống lũ rừng ngang, lũ ống, lũ quét.

Trong thời điểm mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện hoạt động thường xuyên và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triệu tập, huy động các lực lượng khi có lệnh. Trụ sở Thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đặt tại Phòng Kinh tế huyện, điện thoại 03.3838.9292.

Khi có mưa, lũ và thiên tai xảy ra, tất cả các cơ quan từ huyện đến các xã, thị trấn phải tuân thủ thực hiện nhất quán theo lệnh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; thường trực 24/24 giờ tại trụ sở UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị… đồng thời có báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện vào lúc 16 giờ hàng ngày. Công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 rất quan trọng, khó khăn và phức tạp đòi hỏi có sự cố gắng của các ngành, các cấp trong huyện, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện ủy, UBND huyện và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.

Các xã, thị trấn, các cơ quan nằm trong vùng bị ngập, úng cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai. Mỗi người đều phải chủ động tự chịu trách nhiệm và có trách nhiệm đối với cộng đồng. Vận động các gia đình trong vùng bị ngập úng tự giác làm sàn gác, kê kích tài sản, chuẩn bị thuyền thúng, bè mảng, lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động ứng cứu và đảm bảo đời sống. Các gia đình, tập thể có thuốc trừ sâu, các hóa chất xăng, dầu, mỡ… cần chú ý quản lý chặt chẽ, không để thất thoát làm ô nhiễm môi trường. Các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, các ngành, cơ quan và đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện coi công tác này là công tác trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong mùa mưa bão úng.

Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.

UBND huyện Quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ gồm 27 ông, bà. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Hoa làm Trưởng Ban chỉ huy. Đồng chí Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy. Cùng đó, UBND huyện đã mời 12 ông, bà là lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, văn phòng HĐND, UBND huyện, các phòng, ban ngành đoàn thể của huyện làm thành viên Ban chỉ huy.

Ban Chỉ huy huyện có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi toàn huyện Chương Mỹ. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có con dấu, tài khoản và được cấp kinh phí để hoạt động.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ được quy định tại Khoản 4 Điều 28 Nghị định 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ đó là: Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật phòng, chống thiên tai; Chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương; Chỉ huy và tổ chức ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi cấp huyện; Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; Giúp Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp báo cáo công tác thống kê đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả và phục hồi tái thiết sau thiên tai; Tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Tổ chức phổ biến, tuyên truyền các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; Thực hiện các nội dung về Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định.

UBND huyện giao Phòng Kinh tế huyện làm nhiệm vụ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; có trách nhiệm phối hợp với các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tham mưu, tổng hợp giúp Ban Chỉ huy huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện.

Trụ sở cơ quan Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy huyện đặt tại Phòng Kinh tế huyện. Địa chỉ: Số 102, khu Bắc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội; Số điện thoại: 03.3838.9292

Lan Oanh