PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN

Chương Mỹ triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2023; Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật; xã Đông Sơn, Phú Nam An tập huấn kỹ thuật chăn nuôi An toàn sinh học cho nông dân
Ngày đăng 23/04/2023 | 01:00  | Lượt xem: 222

Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 19/4, UBND huyện triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2023.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng xung kích, xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai và báo cáo về Ban chỉ huy huyện để được phê duyệt; Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống thiên tại theo phương châm “4 tại chỗ”. Mỗi xã, thị trấn cử cán bộ làm nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống thiên tai năm 2023, kèm số điện thoại (yêu cầu số điện thoại đảm bảo liên lạc thông suốt 24/24h). Các xã có Điếm canh đê, hồ đập (Quảng Bị, Trung Hòa, Thanh Bình, Đông Sơn, Tốt Động), Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ ngoài việc cử cán bộ làm nhiệm vụ thường trực phòng chống thiên tai cần cử cán bộ làm nhiệm vụ canh đê, hồ đập (mỗi điểm canh đê, hồ đập không quá 06 người: 01 điểm trưởng; 01 điểm phó; 04 điểm viên). Danh sách cán bộ, kèm số điện thoại gửi về Phòng Kinh tế huyện; Kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão, thiên tai, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê kè; tình trạng vi phạm xây dựng trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy trên địa bàn huyện.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của UBND thành phố để nắm chắc diễn biến tình hình, đề phòng tình huống xấu và chuẩn bị phương án ứng phó thích hợp, hiệu quả; đồng thời theo dõi và thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai cho nhân dân trong khu vực biết để kịp thời ứng phó.

Các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện chế độ báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; Đối với tình hình khẩn cấp có thiên tai xảy ra phải báo cáo ngay bằng điện thoại về Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, số điện thoại: 03.3838.9292 và sau đó báo cáo chính thức bằng văn bản về tình hình thiệt hại, biện pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị giải quyết về địa chỉ hộp thư công vụ: pctt_chuongmy@hanoi.gov.vn. Cơ quan, đơn vị nào không báo cáo kịp thời để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân thì đồng chí Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Cũng trong ngày 19/4, UBND huyện Chương Mỹ ban hành công văn tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu Phòng kinh tế huyện tăng cường công tác kiểm tra hoạt động giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện; Tổng hợp, đánh giá, phân loại các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn; Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch, có biện pháp đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, môi trường vào điểm giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền, cơ quan thú y; Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban ngành huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, bổ sung Quy hoạch các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vào mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn của thành phố.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê các cơ sở giết mổ động vật, báo cáo UBND huyện; Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các phòng, ban ngành huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành mình chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người tham gia giết mổ và kinh doanh động vật trên địa bàn quản lý đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Xây dựng Kế hoạch, có biện pháp đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, môi trường vào điểm giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền, cơ quan thú y; Tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện quản lý việc giết mổ động vật tập trung, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.

Ngày 21/4, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với xã Đông Sơn và Phú Nam An tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi An toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hộ nông dân sản xuất tập trung của địa phương.

Đông đảo nông dân tham dự lớp tập huấn.

Tham gia tập huấn, các đại biểu đã được nghe cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phổ biến, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật Chăn nuôi lợn an toàn sinh học - bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và Cúm gia cầm.

Theo đó, biện pháp, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đây được coi là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hiện nay. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, phòng bệnh; đảm bảo các điều kiện về cách ly chuồng nuôi, vật nuôi. Con giống nhập phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch; nguồn thức ăn, nước uống phải đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, bà con nông dân nên bổ sung các chế phẩm sinh học bao gồm chế phẩm probiotic và enzym để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho vật nuôi; việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học phải đảm bảo quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc nhà sản xuất. Khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải....

Thông qua tập huấn đã giúp các hộ nông dân sản xuất, chăn nuôi của 2 xã tiếp cận và áp dụng nuôi các con giống mới có năng suất, chất lượng cao, tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình và địa phương, góp phần giữ vững ổn định phát triển ngành chăn nuôi, xây dựng nền nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện./.

 

Lan Oanh