LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Lễ hội khai xuân truyền thống làng Chúc Sơn
Ngày đăng 15/02/2024 | 18:11  | Lượt xem: 139

Ngày 14/2/2024 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng), cán bộ và nhân dân làng Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn long trọng tổ chức Lễ hội khai xuân truyền thống tại Đình Thị - Nơi thờ cụ Bùi Nghiêm Phổ - một võ quan cao cấp của triều Tiền Lê, người có công mở chợ, khai sinh việc buôn bán ở vùng Chương Mỹ từ thế kỉ thứ X.

Cụ Bùi Nghiêm Phổ, hiệu là Cương Nghị, sinh thời cụ được phong tước Quận Công nên nhân dân thường gọi cụ là Bùi Quận Công. Lúc nhỏ, cụ Bùi Nghiêm Phổ tư chất vốn thông minh, sức khoẻ hơn người, hay giúp đỡ người nghèo khó. Mặc dù là con nhà quan, có uy quyền nhưng thuở nhỏ Bùi Nghiêm Phổ sống rất chan hoà, bình đẳng với bạn bè. Lớn lên, với trí thông minh và sức khoẻ hơn người, cụ Bùi Nghiêm Phổ thích tập võ, đấu vật, múa kiếm và ham đọc sách. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ đã được các triều đại phong kiến về sau phong cho 06 đạo sắc phong cùng nhiều mỹ từ.

Theo gia phả họ Bùi ở Chúc Sơn, cụ đã đem 3 mẫu đất thực ấp (đất được nhà vua ban tặng các quan chức đương thời), vốn là đất người được hưởng thực ấp và được toàn quyền sử dụng làm của riêng ra mở chợ cho dân họp để buôn bán, trao đổi, sinh sống. Chợ Chúc có từ đó. Trải qua hàng chục thế kỷ, với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng chợ vẫn ở vị trí này và ngày càng sầm uất. Chính vì vậy mà sau khi Tướng quân mất, dân làng đã lập ngôi đình trên đất chợ phụng thờ để tưởng nhớ đến công lao của ông. Ông cũng là cụ tổ của 5 chi họ Bùi ở Chương Mỹ. Vì quan niệm tướng quân Bùi Nghiêm Phổ là người đã đem thực ấp của mình lập chợ nên dân làng đã lập hưng công nơi thờ tự tại đây và coi đây là đình làng chứ không phải là của riêng họ Bùi.

Xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hàng năm cứ đến ngày mồng 05 tháng giêng là dân làng lại mở Hội chợ và tế Lễ khai xuân. Hội chợ có nhiều trò vui, trong đó có đấu vật là trò vui truyền thống. Lễ hội truyền thống xuân Giáp Thìn 2024 năm nay cũng được nhân dân tổ chức trọng thể nhằm tưởng nhớ công ơn của cụ Bùi Nghiêm Phổ cũng như phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống làng.

Đấu vật là trò vui truyền thống của Lễ hội khai xuân làng Chúc Sơn được đông đảo nhân dân tham gia và cổ vũ.

Lễ hội Đình Thị và những ngày lễ tết trong năm đã được truyền lại qua các thế hệ từ xa xưa cho đến ngày nay, đều được dân làng tôn trọng và thực hiện. Được chính quyền đoàn thể hướng các hoạt động trên mang tính truyền thống, văn hoá giữ bản sắc làng xã của dân tộc.

Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đình Thị đã có những đóng góp đáng kể trong các cuộc chiến hào hùng đó. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, đình làng là nơi họp kín của các lực lượng cách mạng địa phương bàn bạc và lãnh đạo nhân dân đứng dạy cướp chính quyền. Cuối năm 1945, có đơn vị bộ đội thông tin (Vệ Quốc đoàn VTĐ), do anh Hoè là Đại đội trưởng thuộc trung đoàn 66 Kí Con, đóng quân và làm việc tại đình Chợ cho đến cuối năm 1947 mới rút về căn cứ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, nhân dân xóm Chợ, Chúc Sơn đã hăng hái tham gia kháng chiến, trong đó có 12 người tham gia Vệ quốc đoàn và 46 người tham gia dân quân du kích. Khi ấy, đình Thị là nơi cán bộ cách mạng lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Sau khi hoà bình lập lại năm 1954, đình Thị lại cho Chi sở kho thóc Chương Mỹ mượn chứa lương thực, cấp phát cho các đơn vị bộ đội và các cơ quan trong huyện. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngôi đình là nơi tiễn đưa nhiều người con của địa phương lên đường nhập ngũ, góp phần đem lại hoà bình thống nhất đất nước.

Đình Thị ngày nay đã trải qua nhiều lần được tu bổ, không còn giữ được toàn phần kiến trúc của ngày khởi dựng. Tuy nhiên, Đình Thị hiện nay vẫn có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng thị trấn ngày một phát triển. Với ý nghĩa đó, chính quyền và nhân dân địa phương, dòng họ đã có phương án sử dụng ngôi đình là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hoá tín ngưỡng của toàn dân. Thông qua đó tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho mỗi công dân để họ càng hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Lan Oanh

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)