DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH ĐÌNH GIÁP NGỌ
Ngày đăng 04/12/2023 | 17:22  | Lượt xem: 793

Đình Giáp Ngọ trước đây thuộc thôn Giáp Ngọ, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay là Tổ dân phố Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đình Giáp Ngọ được xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2002. Nhân dân địa phương thường gọi theo tên thôn là đình Giáp Ngọ, ngoài ra đình không có tên gọi nào khác.

Đình Giáp Ngọ thờ vị thành hoàng bản thổ là Tiên Dung công chúa. Theo cuốn thần phả còn lưu giữ tại di tích, các truyền thuyết lưu truyền trong dân gian thì sự tích về thần như sau: Đời vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), nhà Vua có hai người con gái, người chị là Tiên Dung, người em là Ngọc Hoa công chúa. Tiên Dung mười tám tuổi có nhan sắc tuyệt trần nhưng lại không có ý định lấy chồng. Nàng chỉ thích ngao du, thăm những danh lam thắng cảnh của đất nước.

Thời bấy giờ có gia đình ông Chử Vi Vân và bà Bùi Thị Gia. Hai người sinh được một trai đặt tên là Chử Đồng Tử. Người vợ chẳng may mất sớm, hai cha con nuôi nhau. Một ngày nọ, hoả hoạn thiêu cháy toàn bộ gia tài, hai cha con chỉ còn độc một cái khố vải. Vì thế, chỉ khi ai đi đâu mới được dùng khố. Một ngày kia Chử Vi Vân ốm nặng, ông dặn con: Khi nào cha chết, con cứ chôn cha mình trần. Nhưng khi cha mất, không đang tâm để cha như thế, Chử Đồng Tử lấy khố quấn cho cha trước khi chôn, còn mình đành ở trần, chịu rét và đói.

Một hôm, công chúa Tiên Dung đi thuyền đến đỗ ở bến sông nọ. Nàng tắm làm trôi cát, để lộ ra thân hình một người đàn ông. Sau phút sợ hãi, Chử Đồng Tử kể lại với nàng về cuộc đời khổ cực của mình. Hai người thành vợ chồng. Có người mang chuyện về tâu với Hùng vương, nhà vua nổi cơn thịnh nộ. Trước cảnh đó, Tiên Dung không dám về cung. Cùng với chồng nàng mở một hiệu buôn bán trong vùng, vùng đó ngày càng thịnh vượng, dân cư tập trung đông đúc. Nhiều nhà buôn người nước ngoài đến mua đều xem nàng như người đứng đầu trong vùng. Nhân dân nhờ đó mà được sống ấm no, hạnh phúc nên đã suy tôn Chử Đồng Tử và Tiên Dung là những người Đại quý nhân. Về sau, Chử Đồng Tử nhận lời học đạo và về bàn với Tiên Dung bỏ nghề buôn bán để cùng nhau học đạo, cùng nhau ngao du thiên hạ, chữa bệnh cứu giúp nhân dân.

Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng, văn võ bá quan lẫn tiên đồng ngọc nữ đều sẵn sàng để hầu hạ. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.

Nghe tin, Hùng Vương cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà vua đóng quân ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung và Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn. Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là Hà Thị.

Đến đời vua Trần Anh Tông, đất nước bị quân Nguyên sang xâm lược. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã đến miếu thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử cầu nguyện xin âm phù giúp nước. Thắng giặc, vua Trần đã phong cho vợ chồng Tiên Dung - Chử Đồng Tử là Thượng đẳng tối linh thần và sắc cho thôn Cổ Châu trùng tu miếu thờ thêm khang trang, tráng lệ để cho nhân dân muôn đời thờ cúng tưởng nhớ. Các triều đại phong kiến sau này đều gia phong mỹ tự cho Tiên Dung là Đoan chính linh ứng thượng đẳng phúc thần.

Di tích Đình Giáp Ngọ

Đình Giáp Ngọ được tọa lạc trên một thế đất cao đẹp ở làng Giáp Ngọ, trông về hướng Tây Nam. Từ đường vào một bãi đất rộng bằng phẳng, lên 7 bậc thềm ta tới nghi môn đình Giáp Ngọ. Nghi môn được xây dựng theo kiểu nghi môn trụ biểu. Lối đi chính là hai trụ biểu đồ sộ có tiết diện vuông. Trên đỉnh cột đắp tứ phượng chầu cách điệu hoa dành, tiếp đó là mặt sập hổ phù, bốn góc có bốn đầu rồng vươn ra bốn hướng uy nghi. Bên dưới là ô lồng đèn vuông được trang trí tứ linh. Thân trụ có các đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi cảnh quan ngôi đình và công đức của thành hoàng làng. Ở về hai phía lối đi chính là hai cổng pháo nhỏ làm kiểu bốn mái phía trên, dưới xây cuốn vòm làm lối đi phụ. Nối liền giữa hai trụ biểu lớn với cổng pháo và hai trụ biểu nhỏ là các bức tường lửng.

Từ cổng vào qua một sân lát gạch rộng ta tới toà Đại bái của đình. Nhìn bên ngoài, toà Đại bái được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri. Chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc là hai con makara (rồng lá) bằng vôi vữa. Vào bên trong, Đại bái được chia làm năm gian. Gian giữa toà Đại bái có treo một bức hoành phi gỗ nền gấm, trên đề bốn chữ Hán “Ô châu vu thiên". Toà Hậu cung gồm ba gian nhà dọc được nối liền với gian giữa toà Đại bái kéo dài ra phía sau tạo chuôi về (chữ đinh). Trên lối đi chính vào cung cấm có treo một cửa võng gỗ chạm. Chính giữa cửa võng là chạm tích lưỡng long chầu nguyệt. Trong cung, từ gian thứ ba vào có làm một khám thờ lớn. Mặt trước khám mở bốn cánh cửa bức bàn, ba phía còn lại được bưng kín bằng ván gỗ mỏng. Trong khám đặt cỗ long ngai bài vị thờ Thành hoàng cùng các đồ thờ tự khác như: hòm sắc phong, bát hương, đài nước, mâm bồng, chiêng đồng, gươm thờ…

Qua các lần tu sửa thì đình vẫn giữ nguyên được dáng vẻ và phong cách kiến trúc của một di tích kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam. Hơn nữa đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý với nhiều chất liệu: gỗ, giấy, đồng, đá, vải, sành, sứ mà qua nghiên cứu những di vật này ta có thể hiểu thêm được lịch sử làng xã và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của người dân Giáp Ngọ. Đặc biệt là quyển thần phả bằng chữ Hán và nhiều bản sao, bản dịch cùng 9 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến trước đây phong cho thành hoàng làng Giáp Ngọ.

Trong kháng chiến chống Pháp cùng với sự đóng góp lớn lao của cán bộ và nhân dân thôn Giáp Ngọ thì đình Giáp Ngọ cũng là nơi cất giấu tài liệu, nuôi giấu cán bộ, là xưởng quân khí đúc súng đạn năm 1948. Phát huy truyền thống yêu nước trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, làng Giáp Ngọ đã có 72 thanh niên lên đường ra tiền tuyến, trong số đó có 14 người để lại một phần xương máu ở chiến trường, 10 người con khác đã không bao giờ trở về nữa nhưng cán bộ và nhân dân thôn Giáp Ngọ hôm nay không ai quên công ơn của những người anh hùng ấy, họ mãi mãi sống với quê hương, với làng xóm như truyền thống tôn thờ các vị anh hùng của dân tộc.

Lễ hội truyền thống làng Giáp Ngọ được mở vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội được bắt đầu từ ngày 11 đến 15 tháng Giêng, trong đó chính hội là ngày 13 và 14. Lễ hội làng Giáp Ngọ là lễ hội của cư dân nông nghiệp với mục đích cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, khuyến khích các ngành nghề mở mang, phát triển. Lễ hội làng là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật cộng đồng, có tác dụng đoàn kết dân tộc, làm cho mọi người nhớ về cội nguồn, biết ơn tổ tiên và cũng là dịp để cho người dân thi tài khéo léo và vui chơi giải trí sau những ngày làm ăn vất vả, khó nhọc.

 

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)