DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH ĐÌNH DUYÊN ỨNG THÔN DUYÊN ỨNG, XÃ LAM ĐIỀN
Ngày đăng 14/09/2023 | 09:34  | Lượt xem: 1198

Đình Duyên Ứng, thôn Duyên Ứng, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ có thời gian tồn tại lâu dài, nơi đây là một trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị, tâm linh của dân thôn. Đình Duyên Ứng là một quần thể di tích mang đậm phong cách truyền thống tôn nghiêm thờ Đức Đông Hải Đại Vương một danh tướng đời Hùng Duệ Vương có công lớn trong việc dẹp giặc Thục.

 

Đình Duyên Ứng (Ảnh St)

Căn cứ theo cuốn Ngọc phả và các tư liệu Hán nôm hiện đang lưu giữ tại di tích thì đình Duyên Ứng thờ đức Đông Hải Đại vương thời kì Hùng Vương thứ 18. Hùng Duệ vương gia phong cho ngài làm Đông Hải tế thế đại vương và cho người đem sắc chỉ về trao cho xã ó Vực, thôn Phù Vận. Lại cấp cho 100 quan tiền để xây dựng đền thờ ở các nơi như ó Vực, Phù Vận, Duyên Ứng...nhiều nơi trong cả nước cộng cả thảy là 72 điểm thờ tự quan Đông Hải. Trải các triều đại về sau ngài đều linh ứng âm phù dương trợ nên được các triều đại phong thêm mỹ tự và hưởng hương hỏa muôn đời vô cùng, mãi mãi tồn tại cùng nhật nguyệt, không hề mai một. Gia phong thêm cho ngài là Đông Hải hộ quốc uy linh quốc thắng đại vương, đều phê chuẩn cho Phù Vận, ó Vực phụng thờ.

Đình Duyên Ứng được xây dựng với quy mô bề thế sát trục đường giao thông đường bộ. Có lẽ đây cũng phù hợp với câu ca dao “qua đình ghé nón trông đình”. Đình nhìn theo hướng Tây Tây bắc. Ngôi đình hiện tại gồm các hạng mục như: ao đình, nghi môn, đại bái và hậu cung. Mặt bằng chính của công trình có kết cấu chữ nhị. Tổng thể kiến trúc đình Duyên Ứng là một tổng thể phong cảnh hữu tình, trong đó ngôi đình thấp thoáng bên tán cây muỗm cổ thụ và soi mình xuống dòng nước. Hạng mục đầu tiên là nghi môn được án ngữ phía ngoài sát đường giao thông và không cùng hướng với đại đình. Đây là một vật thể dùng để ngăn cách giữa thế giới tâm linh và thế giới trần tục. Bên mặt các tường có đắp nổi hình tượng ông voi và ông ngựa chiến. Đại bái là tòa nhà dàn ngang với 3 gian 2 chái, 4 mái xòe rủ về 4 phía. Mặt tiền đại bái có hệ thống của bức bàn chạy suốt 3 gian. Tòa đại bái bề thế, tại gian giữa đặt một nhang án chạm công phu tỷ mỷ, thân các cột cái có treo các đôi câu đối và phần xà thượng có treo hoành phi. Toà Hậu cung được xây phía sau đình tạo thành hình chữ nhị. Đây là nơi thâm nghiêm nhất, nơi ngự của đức thánh, có sự hiện diện của rất nhiều di vật có giá trị như long ngai, bài vị, các di vật thờ.

Nhìn chung, về mặt bằng kiến trúc của ngôi đình được bố cục chặt chẽ liên hoàn đầy đủ các hạng mục công trình. Qua các lần tu sửa đình có kết cấu vững chắc. Ngoài ra, đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý với chất liệu khác nhau có niên đại trải dài qua nhiều thế kỉ. Hiện nay đình Duyên Ứng còn lưu giữ được những hiện vật như: 03 bộ long ngai bài vị phong cách Nguyễn, 01 bức hoành phi , 01 kiệu bát cống, 01 giá văn, 02 mâm bồng, 02 hạc, 01 bộ bát bửu, 02 kiếm gỗ, 01 hòm sắc, 09 bia đá, 07 cuốn sách có nội dung chữ Hán như thần phả, văn tế....  Đặc biệt là 29 đạo sắc phong trải dài từ triều Lê đến triều Nguyễn.

Hàng năm làng tiến hành lễ hội truyền thống từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 3 âm lịch. Trong thời gian 3 ngày diễn ra lễ hội, làng còn tổ chức các trò vui chơi như đánh đu, chọi gà, vật, hát ca trù, hát chèo,.. được tổ chức trước sân đình. Các trò chơi đều có giải thưởng do làng chuẩn bị. Lễ hội đình Duyên Ứng và những ngày lễ tết trong năm đã được truyền lại qua các thế hệ từ xa xưa cho đến ngày nay đều được dân làng tôn trọng và thực hiện. Bên cạnh đó được chính quyền xã, các ban ngành đoàn thể hướng dẫn các hoạt động hội lễ đều mang tính truyền thống, đầy nét văn hoá và vẫn giữ cái quốc hồn, quốc túy từ xa xưa.

Từ khi xây dựng đến nay ngôi đình đã trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử nên ngôi đình hiện nay không còn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính ban đầu. Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND và các ban ngành của xã Lam Điền, sự đồng lòng của nhân dân thôn Duyên Ứng, di tích đã từng bước được quan tâm và tôn tạo.

Đình Duyên Ứng có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa đó, chính quyền và nhân dân địa phương đã có phương án sử dụng ngôi đình là trung tâm sinh hoạt chính trị văn hoá tín ngưỡng của toàn dân. Những ngày thường, có hội họp của các đoàn thể. Những ngày lễ hội làng được tổ chức theo phong tục cổ truyền của quê hương. Hình thức hội diễn luôn luôn được đổi mới đáp ứng được tính dân tộc, khoa học và đại chúng, thông qua đó tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho mỗi công dân, càng hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)