DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Di tích Chùa Hóa, xã Quảng Bị
Ngày đăng 28/07/2023 | 15:41  | Lượt xem: 844

Di tích chùa Hóa thuộc thôn 1 xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội có tên chữ là Phổ Hóa tự. “Phổ Hóa” có nghĩa là giáo hóa rộng khắp tới chúng sinh. “Phổ hóa tự” cũng như cái tên của nó, là nơi thờ Phật, nơi truyền thụ những đức kinh của Phật nhằm cảm hóa con người, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

Chùa Hóa nằm trong làng quê yên tĩnh, cảnh chùa thật bình yên khiến cho khi người ta bước chân vào đều cảm thấy thanh thản bình an. Với không gian khá rộng, bước qua cổng tam quan, qua khoảng sân rộng là đến gian chùa chính, đằng sau Tam bảo là gian nhà Mẫu và nhà Tổ được xây vuông góc với nhau; bên phải lối đi vào là nhà khách. Từng hạng mục kiến trúc riêng lẻ, lại dường như hòa chung với nhau trong một không gian rộng lớn, với màu ngói đỏ đã ngả màu rêu của thời gian, với lối kiến trúc đơn giản mà hài hòa... đã tạo nên một ngôi chùa Hóa linh thiêng, cổ kính.

Tam quan chùa Hóa

Tam quan Chùa Hóa được nhà chùa và nhân dân tu sửa lại khá đồ sộ với ba lối đi và hai tầng tám mái. Tầng trên được làm theo kiểu hai tầng tám mái đao cong thắt cổ diêm. Đỉnh bờ nóc là hai con kìm chầu mặt nguyệt, phần cổ diêm để 4 chữ Hán “Hưng Hóa tự môn" (được ghép từ tên chữ của hai ngôi chùa trong làng là ngôi chùa Phổ Hóa – tức chùa Hóa và chùa Hưng Khánh; lấy chữ đầu và chữ cuối tạo thành tên Hưng Hóa); chính giữa là ba ô cửa nhỏ thông nhau, bên trong treo một quả chuông đồng; hai bên thấp hơn, xây theo lối tương tự nhau, với hai tầng thắt cổ diêm. Tam quan được làm với ba lối cửa, hai bên cửa nhỏ thấp hơn cửa giữa. Phương cách tạo tác tương tự nhau nhưng ở phần trên là hệ thống lan can cùng bậc dật cấp dẫn lên lầu chuông bên trên. Ngoài cùng hai cửa nhỏ là hai cánh gà và hai trụ biểu thân đắp nổi câu những đôi câu đối chữ Hán, đế thắt cổ bồng, bên trên cùng là chim phượng đấu đuôi với nhau cùng tường bao quanh di tích.

Cảnh quan chùa Hóa.

Đi qua tam quan, qua khoảng sân nhỏ là đến Tiền đường ngoại, được xây dựng khá đơn giản, với những vật liệu và chất liệu bền vững theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam. Tiền đường ngoại với năm gian, được xây với ba cửa tương ứng với ba gian giữa. Hệ thống cột được xây khá chắc chắn bằng gạch. Trên cột, có đắp nổi những câu đối Nôm thể hiện lời dạy bảo của Phật về cuộc sống.

Phần Tiền đường kết cấu với tường bao xung quanh được gắn những tấm bia đá cổ của chùa và một số di tích khác của làng. Có thể thấy rằng hệ thống bia đá là những di vật có giá trị, đây chính là một phần tài liệu, một giá trị văn hóa mà cha ông chúng ta đã để lại. Qua tìm hiểu, hệ thống bia đá trong chùa Hóa có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn, trong đó tấm bia cổ nhất “Phổ hóa linh tự” niên đại Cảnh Hưng 34 (1773), Bia gồm hai mặt có khắc chữ Hán, mặt trước ghi “Phổ Hóa linh tự”, mặt sau ghi “Hậu phật bi ký”.

Nối liền với Tiền đường ngoại là Tiền đường nội. Cả Tiền đường ngoại và Tiền đường nội đều chung một bức tường, xung quanh có đặt những tấm bia đá của Đình và bia ghi dòng họ Đặng. Các bộ vì bên trong cũng được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang", bào trơn đóng bén gối lên đầu bờ tường như ở tiền đường ngoại. Hệ thống cột ở đây được làm bằng những vật liệu rắn chắc, gạch và vôi vữa, có tính kết dính và bền vững cao. Hệ thống cột với kích thước đồng đều có phần nhỏ hơn so với các hạng mục khác nhưng cũng theo lối hình vuông, trên những cột trụ có viết những câu đối chữ Nôm để ca ngợi về Phật và hướng con người tới Phật, tới cái thiện, cái tốt. Tiền đường ngoại và tiền đường nội nối liền với nhau tạo một khoảng rộng lớn để đón tiếp khách thập phương về lễ phật, được phân định với nhau là hệ thống cột.

Từ tiền đường nội qua ba cửa vòm để trống là vào thượng điện. Thượng điện gồm ba gian, kết cấu kiến trúc thời Nguyễn, mái lợp ngói ri cổ. Thượng điện chính là nơi thiêng liêng nhất của ngôi chùa. Tại đây, bài trí tượng thờ các vị phật cùng chư vị bồ tát. Mỗi ngôi chùa có những lối thờ khác nhau nhưng lại đều thống nhất về hệ thống tượng thờ chính. Và ở đây, ngôi chùa Hóa này nằm trong lối thờ của Phật giáo Đại thừa.

Nhà Tổ, nhà Mẫu

Nhà Tổ, nhà Mẫu là hai hạng mục nằm ở phía sau tòa Thượng điện, nằm vuông góc với nhau, cũng được xây dựng khá đơn giản với chất liệu bền vững – gạch, vôi, vữa, mái lợp ngói ri, các bộ vì được làm thống nhất theo lối “kèo kẻ quá giang” gối lên hai bờ tường.

Nhà khách được xây dựng với hình thức không khác biệt với cùng lối dựng các bộ vì “kèo kẻ quá giang” như những hạng mục khác. Đây là nơi đón khách thập phương về hành lễ, dâng hương vào những dịp tuần tiết của chùa.

Hiện vật tại chùa Hóa tuy không nhiều song khá đa dạng về chủng loại, có đồ đồng, đồ gỗ, đồ đá, đồ sứ... Trong số các di vật tại đây có hệ thống tượng thổ được lưu giữ khá cẩn thận với niên đại từ thế kỷ XVIII - XIX, cùng với những hiện vật khác từ thời Nguyễn như: Chuông đồng, Sập thờ, bia đá... Là một ngôi chùa cổ, chùa Hóa đã lưu giữ rất nhiều di vật có giá trị như ba pho tam thế trên Thượng điện, pho A-di-đà ban thờ bên trái trên Thượng điện, mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Hệ thống bia đá đang được lưu giữ tại đây, những tấm bia đá có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn, ghi lại những dấu ấn của chùa Hóa. Bên cạnh đó còn phải kể đến quả chuông thời Nguyễn, sập thờ Nguyễn, mang phong cách và tài năng của những nghệ nhân xưa.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vào những năm 1963 đến năm 1967, ngôi chùa Hóa đã trở thành Trường đào tạo cán bộ chính trị cao cấp. Tiếp đó vào năm 1967 đến năm 1969 nơi đây lại trở thành địa điểm sơ tán của đơn vị đặc biệt thuộc Bộ Công an.

Ngôi chùa Hóa tồn tại từ lâu, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhiều ngôi miếu, đền đã chỉ còn là phế tích mà ngôi chùa Hóa vẫn tồn tại, đứng vững trên đất Thôn I, xã Quảng Bị, trở thành một chứng nhân cho những thời kỳ lịch sử đã qua. Tương truyền từ thời Chúa Trịnh (Trịnh Bồng) nó đã có quy mô như bây giờ, và hiện tại nó vẫn lưu giữ được những nét cổ ban đầu. Có niên đại từ lâu đời, ngôi chùa Hóa tồn tại đến ngày nay cũng đã qua không ít những lần trùng tu, sửa chữa. Sự hiện diện của khối kiến trúc hiện nay có niên đại thời Nguyễn. Theo các tư liệu và văn bia ở đây thì chùa Hóa đã được trùng tu, tôn tạo 3 lần. Lần thứ nhất vào thời Nguyễn. Lần thứ hai vào những năm 80 của thế kỷ XX. Lần thứ ba vào năm 2006. Hiện nay, chùa Hóa cũng đã bị xuống cấp, cần được đầu tư tôn tạo.

Chùa Hóa cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở Bắc Bộ, thờ Phật theo phái Đại thừa. Ngôi chùa như một thế giới Phật giáo thu nhỏ với triết lý khuyên con người làm điều thiện, trừng cái ác, luôn hướng đến với cái chân, thiện, mỹ. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và khoa học, năm 2012, Chùa Hóa đã được xếp hạng  di tích cấp tỉnh, thành phố.

 

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)