DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đôi nét về đình Phương Bản
Ngày đăng 05/07/2023 | 10:51  | Lượt xem: 2930

Làng Phương Bản, xã Phụng Châu có một ngôi đình cổ, được gọi theo tên làng là đình Phương Bản. Ngôi đình tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Đáy. Ngôi đình to đẹp, gồm hai tòa đại bái và hậu cung kết nối với nhau tạo nên mặt nền hình chữ Đinh.

Đại bái còn gọi là đại đình, là một ngôi nhà 5 gian 2 dĩ, 4 mái xòe ra 4 phía như một bông hoa nở. Ở mái nhà, trên bờ nóc và bờ guột được trang trí những hình tượng sống động, biểu hiện ước vọng hạnh phúc của con người. Khác với nhiều ngôi đình khác, ở hai đầu kìm đình Phương Bản đắp hình đuôi cá. Có thể thấy hoa văn họa tiết trang trí ở đình Phương Bản theo xu hướng thông thoáng, khoáng đạt mà không cầu kỳ, tỉ mỉ, chi tiết.

Khách hành hương thường chú ý đến chất liệu đá ở đình Phương Bản. Đôi rồng đá ở bậc thềm hai bên gian giữa; Ba bậc thềm đá và ngưỡng của bức bàn bằng đá. Tuy có muộn hơn so với kiểu kiến trúc ngôi đình thế kỷ XVII, nhưng số hiện vật đá này đã làm tôn thêm vẻ đẹp hoành tráng, linh thiêng nơi cửa đình.

Hậu cung đình Phương Bản là một tòa nhà chạy dọc, nối kết với mái sau gian giữa tòa đại bái. Tòa hậu cung tường gạch, bộ vì đơn giản không trang trí trên gỗ, theo phong cách bào trơn đóng bén, chỉ cốt ở bền chắc mà không cần hoa mỹ. Đây là nơi đặt ban thờ thánh. Ban thờ ở cao, trên một sàn gỗ, ba bề bưng kín, phía trước có cửa - cánh cửa thường đóng kín.

Đình Phương Bản, xã Phụng Châu (Ảnh: St)

Vị thần được thờ ở Đình Phương Bản là Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương. Phùng Hưng ở thế kỷ thứ VIII, người đất Cam Lâm (nay thuộc Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái, người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức, dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ. Phùng Hưng là người có sức khỏe khác thường, đã từng một mình đánh chết hổ, lại có lòng căm thù quân xâm lược nhà Đường, có chí lớn đánh giặc cứu nước. Ông đã cùng em là Phùng Hải dựng cờ khởi nghĩa và đã đuổi được quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta, giữ được chủ quyền trong 7 năm. Khi ông mất, nhân dân suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi. Phương Bản là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Phùng Hưng nên khi ông mất, dân làng lập bài vị thờ ông và vợ ông, tôn vinh làm thành hoàng làng - người có khả năng bảo trợ đời sống tinh thần cho dân Phương Bản.

Đình Phương Bản còn lưu giữ 23 đạo sắc phong của các triều đại ban tặng cho Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Ngoài ra còn còn lưu giữ nhiều di vật quý mà tiêu biểu là 3 bộ kiệu thời Lê cùng nhiều hoành phi, câu đối khác có giá trị. Ngày 17 tháng 01 năm 1990, đình Phương Bản đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ở đình Phương Bản còn thờ 2 vị thần nữa, đó là Uy Sơn và Ngọ Dịch, hai vị tướng người làng Phương Bản đã có công phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Sau khi hai ông mất, dân làng nhớ công ơn nên đã lập bài vị thờ ở đình để cùng với vợ chồng Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương trợ giúp đời sống tinh thần cho dân Phương Bản.

Hiện tượng đa thần được thờ ở một ngôi đình không phải là hiếm. Đây là biểu hiện sự tôn vinh của dân làng đối với các bậc tiền bối có công với dân với nước. Đình Phương Bản là một tiêu biểu nghệ thuật kiến trúc đình làng truyền thống Việt Nam, là nơi sinh hoạt văn hóa chung của làng Phương Bản, qua đó gắn kết dân làng, đoàn kết cùng nhau xây dựng làng Phương Bản ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)