DI TÍCH LỊCH SỬ
Đình Tốt Động được xây dựng từ xa xưa được xây dựng vào thế kỷ XV, là nơi dân làng Tốt Động thờ các vị Lê Ngân và Đỗ Bí sau khi các ông mất. Qua thời gian đình đã qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa. Kiến trúc hiện nay của đình mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật của lần tu bổ sửa chữa vào năm thứ 5 triều vua Bảo Đại nhà Nguyễn (1930). Đình tọa lạc ở một khu đất có vị thế đẹp, cao ráo và thoáng đãng ở đầu làng Tốt Động, trông theo hướng Bắc - Đông Bắc.
Đình hiện có quy mô kiến trúc với nhiều hạng mục như nghi môn, tả hữu mạc, đại bái và hậu cung cùng một số công trình khác tạo thành kiểu kết cấu nội đinh ngoại quốc. Đại đình Tốt Động đặt trên một nền cao hơn mặt sân 0,6m. Phía trước đình là một khoảng sân rộng. Ở về hai bên sân là hai dãy nhà tả hữu mạc, mỗi dãy nhà 9 gian. Các bộ vì tả hữu mạc được làm theo thức vì chồng rường, kẻ bẩy đặt trên quá giang gối lên tiền cột, hậu tường tạo sự thông thoáng, tiện lợi cho sinh hoạt cộng đồng. Phía trước sân là nghi môn được làm bề thế theo kiểu thức cột trụ hoa biểu cùng các cổng pháo, tường hoa dàn ngang phía trước soi bóng xuống mặt hồ nước lung linh.
Một số hình ảnh Đình Tốt Động.
Đại đình Tốt Động là một nếp nhà 3 gian 2 chái lớn, có 4 góc mái đao cong bay bổng. Kết cấu bộ vì theo thức thượng giá chiêng rường nách, hạ cốn mê, bẩy hiên trên 4 hàng chân cột. Được đại tu vào triều Nguyễn nên đề tài các mảng điêu khắc trong đình vẫn tuân thủ theo các đề tài truyền thống, dân gian như: tứ linh, tứ quý, cá hóa rồng, thú hái hoa, hoa sen, hoa cúc, hoa lá hóa rồng cùng hươu, cá... Các bức chạm với phong cách chạm nổi, phù điêu với các nét chạm dứt khoát, chắc khỏe, nhưng mềm mại. Các đầu rồng góc đao mái, các lân, kìm bờ nóc mang đậm tính dân gian, gần gũi với mọi người dân Tốt Động. Trong đình, hệ thống sạp truyền thống đã được thay bằng hệ thống bệ kè đá xanh, lát gạch, cao 0,5m là nơi tọa lạc cho dân làng trong các sinh hoạt cộng đồng.
Hậu cung đình Tốt Động là tòa nhà dọc liền kề với gian giữa đại đình. Hậu cung có 4 gian 1 dĩ theo lối tiền đao hậu đốc, được ngăn làm đôi theo chức năng của trung cung, hậu cung. Bộ khung nhà trung cung được trang trí các bức chạm theo các đề tài tứ linh, tứ quý, còn trong hậu cung chủ yếu được bào trơn đóng bén.
Với bề dày hàng trăm năm lịch sử tồn tại ở ngay nơi bãi chiến trường xưa, đình Tốt Động là nơi anh linh của các vị Lê Ngân, Đỗ Bí hiển hiện, trường tồn. Tấm lòng thành kính của dân làng Tốt Động với các vị Thần làng mình được thể hiện qua hệ thống các di vật trong di tích phong phú và tinh xảo với nhiều loại chất liệu khác nhau. Các di vật này có niên đại trải dài từ thời Lê - thế kỷ XVII cho tới nay. Đó là các khối tượng tròn, các cỗ kiệu, các đồ bát bửu, nghi trượng... được sơn thếp rực rỡ, hoặc các đồ giấy như sắc phong, thần phả, hoặc các bát hương gốm sứ, đồ đồng...
Hội làng Tốt Động được tổ chức vào dịp đầu xuân mới hàng năm vào ngày 6 và 7 tháng Giêng. Ngoài các nghi lễ tế, rước kiệu, còn có các trò diễn xướng dân gian mang tinh thần thượng võ như múa gậy, đấu vật... nổi tiếng cả vùng.
Đình Tốt Động với các di vật, các tư liệu dã sử, địa danh và lễ hội làng Tốt Động... là nguồn di sản văn hóa quý giá cung cấp nguồn sử liệu cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc ta ở thế kỷ XV, giúp cho việc nghiên cứu sự phát triển cộng đồng làng xã. Đồng thời đình Tốt Động với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, sẵn sàng bảo vệ quê hương và lao động sáng tạo xây dựng quê hương ngày một tốt đẹp giàu mạnh hơn.
Thu Hiền