TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chương Mỹ tiếp tục quan tâm, giám sát tình hình dịch bệnh ở người và triển khai các biện pháp phòng chống
Publish date 02/05/2024 | 15:54  | Lượt xem: 55

Huyện Chương Mỹ chúng ta đã ghi nhận ca mắc Sởi đầu tiên tại xã Tiên Phương. Để chủ động phòng chống bệnh Sởi, UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi trên địa bàn toàn huyện.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Số ca mắc tăng dần trong những tuần gần đây, cụ thể tuần từ ngày 19-26/4 ghi nhận 15 ca mắc, tăng 14 ca so với tuần trước đó. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (72%). 

Bên cạnh đó, bệnh sởi cũng bùng phát, đặc biệt ở thời điểm giao mùa. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận. Theo CDC Hà Nội, ca mắc sởi là bé gái 10 tuổi, trú tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vaccine. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.

 Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao bởi 3 lý do: Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi; năm trước, có những lúc thiếu vaccine sởi cục bộ; dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.

Hình ảnh trẻ bị phát ban toàn thân do mắc Sởi.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Hà Nội cho biết: hiện nay thành phố đã bảo đảm có đủ vaccine ho gà để tiêm phòng cho trẻ. Người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều. Ho gà là bệnh không có miễn dịch trọn đời, nên cần duy trì tiêm mũi nhắc lại với các mốc thời gian được Bộ Y tế khuyến cáo. Để lấp đầy khoảng trống miễn dịch của trẻ, cần nhất vẫn phải đủ vaccine đối với các bệnh có vaccine dự phòng để triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; đồng thời tập trung đẩy mạnh điều tra tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ nhằm tập trung tiêm bù, tiêm vét để trẻ được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh.

Như vậy, huyện Chương Mỹ chúng ta đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên tại xã Tiên Phương. Để chủ động phòng chống bệnh Sởi, UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu: Phòng Y tế huyện, Trung tâm Y tế, bệnh viện Đa khoa huyện theo dõi, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn huyện; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại. Tham mưu UBND huyện các văn bản  chỉ đạo  triển  khai  công  tác  phòng, chống dịch trên địa bàn huyện kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát. Trạm Y tế các xã, thị trấn tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin Sởi; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực trong công  tác  khám, thu  dung,  cấp  cứu, điều trị bệnh nhân; tăng cường triển khai các hoạt động phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ. Triển khai tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Sởi và các biện pháp phòng, chống dịch cho giáo viên, người trông giữ trẻ và cha mẹ học sinh. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường giám sát bệnh Sởi trên địa bàn, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.  

 Với các dịch bệnh khác, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ trong tuần 18, tính đến ngày 01/5, huyện ghi nhận thêm 02 trường hợp mắc Sốt xuất huyết gồm 01 ca tại xã Hoàng Diệu, 01 ca tại Tốt Động. Cộng dồn từ đầu năm đến nay huyện ghi nhận 38 ca mắc Sốt xuất huyết ở 13/32 xã, thị trấn. Tăng 24 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh Tay chân miệng, trong tuần 18 ghi nhận 01 trường hợp, cộng dồn từ đầu năm đến nay có 49 trường hợp. Các dịch bệnh như: Thủy đậu, Sởi, Rubella, Uốn ván, Não mô cầu, Viêm não Nhật Bản không ghi nhận ca mắc trong tuần 18.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Mạnh Hùng kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết và thả cả diệt bọ gậy ở xã Phung Châu.

Dự báo trong thời gian tới do thời tiết nóng mật độ muỗi tăng nhanh có thể sẽ ghi nhận các ca bệnh mắc Sốt xuất huyết; bệnh Thủy đậu, Tay chân miệng dự báo cũng sẽ xuất hiện ca bệnh rải rác tại cộng đồng và các trường Mầm non, Tiểu học. Do vậy UBND huyện yêu cầu trong thời gian, ngành y tế, phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy - chỉ số BI tại các xã nguy cơ cao và các điểm đã thả cá diệt bọ gậy như: Văn Võ, Hoàng Diệu, Tốt Động, Phụng Châu. Rà soát đối tượng tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em tại 32 xã thị trấn; Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các Trường học trên địa bàn giám sát phát hiện sớm các ca bệnh Thủy đậu, Tay chân miệng ... để xử lý kịp thời. Phối hợp với ngành Thú Y để theo dõi sát tình hình dịch trên động vật đặc biệt là cúm gia cầm và bệnh dại, triển khai các hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.                                                             

 

                                                          Minh Thân 

 

 

 

 

Average (0 Votes)