TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chiến sỹ Điện Biên - Phan Đình Khương những hồi ức không bao giờ quên
Ngày đăng 07/05/2024 | 19:49  | Lượt xem: 100

Sinh năm 1935, ông Phan Đình Khương dù ở tuổi gần 90 nhưng ai gặp gỡ người chiến sỹ pháo binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đều nhận thấy ông là người nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện.

Dù tuổi đã cao nhưng nhắc đến những năm tháng tham gia quân đội và chiến dịch Điện Biên Phủ ông Khương vẫn nhớ nguyên vẹn kể lại câu chuyện một cách say sưa đầy xúc động: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An, năm 1953 khi ấy tôi 18 tuổi, đang là thầy giáo ở xã nhà. Nhưng tình cảm dành cho người lính “Bộ đội cụ Hồ” luôn trong tâm trí, thôi thúc tôi quyết tâm được dứng trong quân ngũ. Do vậy, ngay khi địa phương phát động tuyển quân, tôi đăng ký tham gia đi bộ đội mặc dù cân nặng chiều cao đều không đủ”.

Ông Khương trò chuyện cùng cán bộ lao động thương binh xã hội xã Tiên Phương.

 

“Tháng 3/1953, tôi được tuyển chọn vào Đại đoàn pháo binh 351 sau gần 1 năm huấn luyện, tôi được biên chế vào đơn vị E8-F351 Pháo binh, đại đội 3, trung đoàn 334.

Sau gần 1 tháng hành quân lên Điện Biên, đơn vị đã đến đúng vị trí tập kết theo mệnh lệnh cấp trên. Lúc đó, chiến dịch sắp mở màn, xác định vai trò tầm quan trọng của pháo binh, toàn khẩu đội và các đơn vị tham gia chiến dịch nhanh chóng thể hiện quyết tâm tiêu diệt địch. Sau khi được các cán bộ chỉ huy làm công tác tư tưởng, ai cũng hừng hực khí thế sẵn sàng bước vào trận quyết chiến với quân thù xâm lược”.

Ông Khương nhớ lại, khu vực đấy um tùm cây cối rậm rạp, cán bộ, chiến sĩ vừa phát quang cỏ dại, vừa lần tìm lối lên. Mặc dù, mới khỏang 5 giờ chiều nhưng trời như đã tối. Khó khăn nhất là địa hình đồi núi dốc, đường cơ động cho pháo khó khăn. Những khẩu hiệu “thà chết cũng không rời pháo”, “còn người, còn pháo” đã trở thành quyết tâm của bộ đội lúc bấy giờ. Bom đạn liên tục dội xuống, những ai sống sót trở về là một kỳ tích”.

Ngày 13-3-1954, pháo binh ta đã đồng loạt khai hỏa, bắn dồn dập vào cứ điểm Him Lam, làm hiệu lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh non trẻ của Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là hỏa lực mặt đất chủ yếu chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng, triệt đường tiếp tế của địch và chi viện có hiệu quả cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo mạch nguồn lời kể của ông Khương như trùng xuống khi nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm xuống nơi mảnh đất Điện Biên. Chiến trường ác liệt, mưa bom bão đạn, mới trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau những câu chuyện, kỷ niệm nơi quê nhà thì ngoảnh lại, đồng đội đã hy sinh.

“Hôm đấy, sau khi pháo binh của ta tấn công dồn dập, âm vang cả khu rừng Điện Biên Phủ khống chế được sân bay Mường Thanh, khẩu đội tôi tiếp tục di chuyển pháo vào vị trí theo chỉ huy. Trên đường di chuyển pháo, khẩu đội tôi có 10 người thì 8 người hy sinh. Trong số 8 chiến sỹ hy sinh có đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Tài Tân người cùng quê với tôi. Hai chúng tôi thân nhau lắm, hẹn nhau khi nào chiến thắng sẽ về nhà nhau chơi”.... ông Khương nghẹn ngào kể lại khi nhớ về đồng đội của mình.

Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ, nhận mệnh lệnh từ cấp trên, từ năm 1961 đến năm 1963 ông Phan Đình Khương được cử đi học ở trường Sỹ quan Lục quân. Đến năm 1965 ông vào thành đội Huế là đại đội trưởng của Tiểu đoàn 2 thuộc quân khu 3 tham gia chiến dịch thừa thiên Huế tết mậu Thân năm 1968 suốt 16 ngày đêm. Sau khi bị thương, ông được đơn vị chuyển về điều trị ở Đoàn 582 đóng ở Thanh Liêm, Hà Nam. Sau một thời gian điều trị, ông được phân công về làm đoàn trưởng đoàn nuôi dưỡng thương binh 582. Tại đây chàng trai Phan Đình Khương người Nghệ An đã bén duyên và kết hôn cùng cô quân nhân Tống Thị Quế ở thôn Tiên Lữ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Tháng 12/1972, ông bà xuất ngũ và về sinh sống tại thôn Tiên Lữ xã Tiên Phương. Ông bà sinh có 04 người con; 03 con trai và 01 con gái. Ông và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Ông Khương cùng vợ - bà Tống Thị Quế ông lại kỷ niệm của gia đình.

 

Trong suốt những năm tháng công tác trong quân đội Nhân dân Việt Nam ông Phan Đình Khương vinh dự được tặng thưởng các danh hiệu như: Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp các ngành trao tặng.

Gia đình ông Khương vô cùng phấn khởi chia sẻ: trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình ông vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chương Mỹ và xã Tiên Phương đến thăm hỏi, chúc sức khỏe và tặng quà của huyện, của xã đến gia đình. Đặc biệt, cá nhân ông Phan Đình Khương vinh dự được dự buổi gặp mặt, tri ân đại biểu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Chương Mỹ thăm tặng quà chiến sỹ Điện Biên - Phan Đình Khương.

 

Chúng tôi may mắn được gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên Phan Đình Khương – nhân chứng lịch sử, được nghe ông kể chuyện, càng được bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm trở thành người có ích, xứng đáng với máu xương cha, ông ta đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc. Chúc ông và gia đình mạnh khỏe, sống vui, sống khỏe mãi mãi là biểu tượng, là niềm tự hào về tinh thần yêu nước và đấu tranh kiên cường chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược của quân đội và nhân dân Việt Nam Anh Hùng.

 

Thu Hiền

Trung bình (0 Bình chọn)