TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Nhà thờ họ Nguyễn thôn Chi Nê, xã Trung Hòa: Di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân
Ngày đăng 12/03/2025 | 19:33  | Lượt xem: 354

Nhà thờ họ Nguyễn ở Chi Nê, xã Trung Hòa thờ các vị tổ tông họ Nguyễn, trong đó có nhiều người đỗ đạt thành danh như: Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nhuận, Nguyễn Hy Tái.... Căn cứ cách phân loại được quy định trong Luật Di sản văn hoá năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, xét những giá trị nổi trội, xét theo giá trị nổi bật, Nhà thờ họ Nguyễn thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân cấp Thành phố, tại Quyết định số 735/QĐ-UBND ngày 17/02/2025.

Toàn cảnh Nhà thờ họ Nguyễn, thôn Chi Nê, xã Trung Hòa.

Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân Nhà thờ họ Nguyễn, thôn Chi Nê, xã Trung Hòa.

Là một dòng họ lớn ở thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, dòng họ Nguyễn đã có nhiều đời sinh cơ, phát tiết tại đây nên dòng họ Nguyễn duy trì được lễ giỗ rất nghiêm cẩn. Ngôi nhà thờ của dòng họ là nơi thờ tự tổ tiên nhiều đời. Hiện không có tư liệu đích xác về thời điểm ban đầu khi ngôi nhà thờ xuất hiện. Ghi chép trong bia đá đặt tại thượng cung dòng họ cho biết, xưa kia dòng họ vốn có nhà thờ nhưng bị cháy trong chiến tranh thời Tây Sơn, về sau khôi phục lại trên nền móng cũ, đến niên hiệu Duy Tân 6 (1912), niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930). Trải qua thời gian dài, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau, ngôi nhà thờ đã xuống cấp. Trong những năm gần đây, các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn thôn Chi Nê đã góp công sức tiến hành tu sửa lại các hạng mục nhà thờ.

Nhà thờ họ Nguyễn nằm ở giữa làng, đối diện đình Chi Nê, nhìn theo hướng tây nam. Hiện tại, xung quanh Nhà thờ đều có tường xây bao kín bốn bề, chỉ còn một cổng chính hướng về Đình làng. Ngôi nhà thờ bao gồm các hạng mục công trình đó là: Cổng, Tiền tế, Thượng cung, nhà khách, sân vườn và các hạng mục phụ trợ.

Cổng nhà thờ được làm đối diện cổng đình, sát đường liên thôn. Cổng này mới được dựng những năm gần đây, mô phỏng kiến trúc Khuê văn các trong Văn Miếu Quốc Tử Giám với 2 tầng. Tầng trên được tạo tác với 2 tầng mái đao cong, mái được đỡ bằng 4 trụ bê tông giả gỗ, dưới tầng mái dưới là hoành phi chữ Hán “Phụ nguyên từ môn” tức Cổng nhà thờ họ Nguyễn (cách viết kiểu chơi chữ, ghép 2 chữ Phụ và Nguyên thành chữ Nguyễn), trên nóc tầng mái trên đắp hình tượng mặt trời. Tầng cổng dưới tạo lối đi chính giữa, hai bên cánh phong đắp tứ quý, nối sang trụ biểu với đỉnh trụ đắp nghê chầu, thân trụ đắp các đôi câu đối chữ Hán. Qua cổng, theo một lối đi nhỏ dẫn vào Nhà thờ.

Cổng trong nhà thờ được tạo bởi 2 trụ biểu với đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, dưới là các ô lồng đèn để trơn không trang trí, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán. Nối từ thân trụ biểu sang hai bên là tường bao thấp bao quanh Nhà thờ chính, phần tường bao phía trước được đắp trang trì hoa văn triện móc cách điệu. Đây là sản phẩm của lần trùng tu năm 1930 đắp câu đối, năm 2010 sơn sửa lại.

Một số hình ảnh Nhà thờ, các hạng mục trong khu vực Nhà thờ họ Nguyễn thôn Chi Nê, xã Trung Hòa.

 Ảnh tư liệu cũ nhà thờ cho thấy phần mục kiến trúc này cũng được tạo tác 2 trụ biểu với các đôi câu đối ca ngợi công đức các vị tổ tiên và ngôi nhà thờ. Nội dung các đôi câu đối trong lần trùng tu năm 2010 được giữ nguyên.

Tiền tế nhà thờ họ Nguyễn được dựng vào thời Nguyễn và tu bổ sửa chữa cũng trong giai đoạn cuối thời Nguyễn. Đây là công trình được xây bằng gạch với hệ khung chiu lực chính bằng gỗ, mái lợp ngói ri. Quá trình trùng tu năm 2010 vẫn cơ bản giữ được hình dáng kiến trúc giai đoạn tu bổ vào thời vua Duy Tân 6 (1912). Nhìn bên ngoài, nhà Tiền tế là ngôi nhà ngang 3 gian, kết cấu 2 tầng mái. Tầng mái trên với hai đầu bờ nóc đắp cách điệu rồng makara ngậm bờ nóc, cuối bờ nóc đắp đấu đinh. Khoảng cách giữa mái một và mái hai là một khoảng cổ bồng được bưng kín, chia 3 ô tương ứng với 3 gian. Ô chính giữa đắp nổi 4 chữ Hán dạng chữ triện: PHỤ NGUYÊN THẾ TỪ (tức Nhà thờ của dòng họ Nguyễn). Hai khoảng hai bên đắp đôi rồng chầu vào khoảng giữa. Đôi rồng được đắp rất qua bàn tay khéo léo của người thợ, lại được tô màu nên càng hiện lên vẻ sinh động, tô điểm cho kiến trúc của di tích. Tầng mái dưới cũng được lợp ngói di. Hai đầu bờ nóc xây giật cấp, trên mỗi cấp đắp nổi hoa văn triện móc.

Gian giữa hiên có 4 chữ đại tự đắp trên tường hiên: MÃN ĐƯỜNG TRÂM HỐT để chỉ dòng họ có nhiều người giầu sang phú quý, thành đạt công danh và làm quan.

Bên trong là hoành phi sơn son thếp vàng, tháng 10 năm Quý Dậu niên hiệu Bảo Đại 1933: DANH QUANG PHIỆT DUYỆT (nghĩa là: dòng họ danh giá vinh quang lừng lẫy. Hai bên có câu đối.

Vào bên trong, tương ứng với 3 gian là 4 bộ vì gỗ được làm theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ. Do phân 2 tầng mái nên kết cấu gỗ bên trong có phần hạ được làm là quá giang trốn cột để tạo không gian rộng hơn cho lòng nhà Tiền đường vốn khá hẹp. Lần trùng tu năm 2010 đã giữ nguyên cột hiên, sơn lại tường bên ngoài.

Thượng cung được nối từ gian giữa Tiền tế vào bên trong, tạo cho công trình có kết cấu dạng chữ Đinh. Điều đặc biệt là Thượng cung nhà thờ họ Nguyễn được làm dạng 2 tầng mái với kết cấu mái đao cong cả tầng mái trên và tầng mái dưới. Đây có lẽ là dấu vết kiến trúc của lần khởi dựng công trình ở giai đoạn đầu thời Nguyễn.

Nhìn bên ngoài, tầng mái trên được làm dạng 4 mái với nóc mái đắp cách kiệu rồng makara, các góc đao đắp cách điệu hình rồng. Tầng mái dưới với 3 mái, 2 góc đao cong tạo tác tương tự như tầng mái trên. Giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là khoảng cổ bồng được bưng kín, chia ô và để trơn không trang trí.

Nhà khách được xây về bên trái từ cổng ngoài đi vào. Đây là công trình phục vụ cho các việc hậu cần của dòng họ trong mỗi dịp tế lễ, giỗ chạp, là nơi ngồi hội họp, bàn định, nghỉ ngơi tạm thời của con cháu mỗi khi về nhà thờ. Công trình này được xây năm 2018 với kết cấu kiến trúc 2 tầng bằng bê tông theo kiến trúc dân dụng với đủ công năng của nhà ở.

Sân trong di tích được tạo 2 khoảng, khoảng từ cổng ngoài vào cao hơn khoảng sân từ cổng trong đến nhà thờ chính. Toàn bộ đều đã được lát gạch. Trên sân ngoài, phía trước cổng trong có tạo tác một bức bình phong mới làm năm 2022, ngoài ra còn có 1 cây nhãn cổ thụ, tồn tại lâu năm cùng sự hiện diện của di tích.

Trải qua thời gian, nhà thờ họ Nguyễn ở Chi Nê còn giữ được một số di vật quý, trong đó phải kể đến hệ thống bia đá, hoành phi, câu đối...Hiện vật tại nhà thờ họ Nguyễn làng Chi Nê không quá nhiều song có sự đa dạng về chủng loại, có đồ gỗ, đồ đá, đồ đồng, đồ sứ, đồ giấy…Các hiện vật nhà thờ họ Nguyễn được sắp đặt tương đối hợp lý, bài trí đều ở các hạng mục kiến trúc.

Nhà thờ họ Nguyễn còn lưu giữ được một số di vật tiêu biểu như: tấm bia đá niên hiệu Tự Đức 22 (1869) nói về việc khoa bảng trong dòng họ, lịch sử sơ lược ngôi nhà thờ; hệ thống hoành phi, câu đối, biển lệnh… Tất cả đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị nổi bật cho ngôi nhà thờ.

Nhà thờ họ Nguyễn ở Chi Nê là di tích lịch sử văn hoá có giá trị nhiều mặt. Trải qua thời gian, nơi đây vẫn là một điểm sáng giá trị bảo tồn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, truyền thống uống nước nhớ nguồn, gìn giữ gia phong, gia tộc.

Về giá trị lịch sử: Qua nhiều góc độ nghiên cứu, cho thấy ngay từ đầu công nguyên, vùng đất Chi Nê ngày nay đã được tổ tiên người Việt chọn làm địa bàn quần cư, lập nghiệp. Cùng với tiến trình lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ nhân dân Chi Nê, xã Trung Hòa đã hun đúc nên nhiều truyền thống quý báu và xây dựng được một vùng quê trù phú. Nằm trong vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, Nhà thờ họ Nguyễn là điểm hội tụ và toả sáng về giá trị lịch sử - văn hóa, nghệ thuật, lưu niệm danh nhân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Về giá trị kiến trúc - nghệ thuật: Kết quả khảo sát cho thấy kiến trúc hiện tồn của di tích có phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với kết cấu mái Tiền tế phân 2 tầng mái, phần cổ bồng đắp vẽ trang trí hoa văn sinh động. Phần thượng cung với 2 tầng mái có đao cong là kết cấu kiến trúc đẹp, mái cong bay bổng, hài hòa, đăng đối tạo sự thanh thoát cho kiến trúc. Đặc biệt, di tích còn giữ được 4 bia đá thời Nguyễn – sớm nhất là bia niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869), hệ thống Hoành phi, câu đối thời Nguyễn với cách tạo hình thư pháp đẹp… đều là những tư liệu hiện vật quý làm nên giá trị của di tích.

Về giá trị văn hoá: Làng Chi Nê hiện nay có nhiều dòng họ sinh sống, song họ Nguyễn vẫn là một trong những dòng họ lớn, có nhiều công lao trong quá tình dựng làng, lập ấp. Con cháu họ Nguyễn ở Chi Nê hiện nay đã đến đời thứ 19. Qua nhiều đời sinh sống ở Chi Nê, họ Nguyễn đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng thuần phong mỹ tục, góp công sức vào nhiều công cuộc của làng xã. Từ thời Lê, đã có người nổi danh như Nguyễn Nhuận, Nguyễn Hy Tái... Xem thế, có thể thấy vị trí đặc biệt quan trọng của dòng họ Nguyễn ở Chi Nê. Thông qua các di văn Hán Nôm còn lưu trữ tại Nhà thờ, chúng ta biết được về một dòng họ sớm xuất hiện ở Chi Nê, sinh cơ lập nghiệp, sớm có truyền thống hiếu học, uống nước nhớ nguồn, đấu tranh vì sự nghiệp giữ nước, bảo vệ đất nước... Đó cũng chính là những truyền thống tốt đẹp đã được lưu truyền của dân tộc Việt Nam. Việc thờ cúng tổ tiên, noi gương sáng của tổ tiên, dòng họ Nguyễn đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì thuần phong mỹ tục, góp phần giáo dục những truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ trẻ.

Đến nay, dòng họ đã phát triển đến đời thứ 19 có rất nhiều lễ giỗ của rất nhiều người con họ Nguyễn được ghi chép trong 3 tấm bia đá đặt tại Nhà thờ. Trải qua thời gian lâu dài, các đời trong dòng họ với nhiều vị, nhiều ngày giỗ khác nhau, dòng họ ngày nay không thể tổ chức lễ giỗ của từng vị, do vậy, lễ trọng của dòng họ định lễ vào ngày 24 tháng 10 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ. Đây là dịp để con cháu trong dòng họ tưởng nhớ công lao, ơn đức của tổ tiên, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của anh em, con cháu trong dòng họ.

Dòng họ Nguyễn thôn Chi Nê xây dựng Quỹ khuyến học và duy trì hoạt động trao thưởng cho các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập và học sinh đỗ vào các trường Đại học.

Hiện nay, dòng họ Nguyễn Chi Nê có hơn 400 hộ với khoảng 900 đinh, 1800 nhân khẩu. Vào ngày giỗ Tổ, dòng họ có đội tế, đội dâng hương riêng rất trang nghiêm. Từ năm 2008, dòng họ thành lập Quỹ khuyến học, tổ chức trao thưởng vào ngày mồng 4 tháng Chạp. Đây đồng thời cũng là ngày chạp họ, tổ chức chúc thọ các cụ cao niên. Hoạt động này được dòng họ Nguyễn duy trì đều đặn hàng năm. Ngoài ngày giỗ tổ chính, vào dịp tết nguyên đán, cả họ sửa một mâm lễ trang trọng dâng tại nhà thờ, con cháu khắp nơi cũng về thắp hương tại nhà thờ vào dịp này.

Nhà thờ họ Nguyễn ở Chi Nê, xã Trung Hòa thờ các vị tổ tông họ Nguyễn, trong đó có nhiều người đỗ đạt thành danh như: Nguyễn Nhuận, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hy Tái.... Căn cứ cách phân loại được quy định trong Luật Di sản văn hoá năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, xét những giá trị nổi trội, xét theo giá trị nổi bật, Nhà thờ họ Nguyễn thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân cấp Thành phố, tại Quyết định số 735/QĐ-UBND ngày 17/02/2025.

Đây là niềm vinh dự và tự hào của xã Trung Hòa nói chung và dòng họ Nguyễn thôn Chi Nê nói riêng. Các thế hệ con cháu trong dòng họ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để lại, cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng giữ gìn, bảo vệ di tích Nhà thờ họ Nguyễn, góp phần lan tỏa truyền thống hiếu học của làng Khoa bảng Chi Nê đến các thế hệ mai sau; cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương Trung Hòa xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ để hòa nhịp cùng với Thủ đô Hà Nội bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

          Kim Thoa