TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Khai mạc Lễ hội truyền thống làng Hòa Xá, xã Đồng Phú
Ngày đăng 15/01/2024 | 14:48  | Lượt xem: 328

Hòa trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng CSVN ( 03/2/1930 – 03/2/2024) và đón chào xuân Giáp Thìn 2024, ngày 15/1/2024 ( tức ngày 05/12 năm Quý Mão) cán bộ và nhân dân thôn Hòa Xá, xã Đồng Phú long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống nhằm tri ân tưởng nhớ đến các chư vị Đức thượng đẳng đã có công xây dựng bảo vệ đất nước.

 

Dân làng Hòa Xá vui ca hát, nô nức tham dự Lễ hội truyền thống.

Về dự chung vui cùng cán bộ và nhân dân làng Hòa Xá, đồng chí Nguyễn Anh Viên, Uỷ viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cùng các đồng chí lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã kính cẩn dâng hương đến các chư vị Đức thượng đẳng của làng và trao tặng lẵng hoa tươi thắm của Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ huyện đến chúc mừng Lễ hội. Cùng dự và tặng hoa chúc mừng Lễ hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ, các ban ngành đoàn thể xã; Đại diện một số cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương.

Các đại biểu huyện, xã dâng hương các chư vị Đức thượng đẳng của làng, tặng hoa chúc mừng Lễ hội.

Làng Hòa Xá, xã Đồng Phú có một ngôi Đình, ngôi Đền và ba ngôi Quán tọa lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng mát và ở vị trí trung tâm của làng. Tại đây dân làng Hòa Xá đang thờ tam vị Đức thượng đẳng là Thủy Tinh Công Chúa; Quang Thắng Đại Vương và Minh Dũng Đại Vương. Đây là những vị thần có công rất lớn trong thời kỳ đánh giặc Nguyên Mông; biểu tượng của anh hùng văn hóa thời kỳ dựng nước và giữ nước; âm phù, che chở cho dân làng có cuộc sống bình yên, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; xây dựng làng xã phát triển cho đến ngày nay. Đồng thời, đây cũng là chuẩn mực về đạo đức, tâm hồn người dân đất Việt từ xưa đến nay.

Ngôi Đình Hòa Xá là công trình còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống di vật đa dạng về chủng loại, phong phú về chất liệu, kết cấu bao gồm các hạng mục: Đại bái, hành lang hai bên và hậu cung liên hoàn. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có từ lâu đời, tuy đã qua nhiều lần sửa chữa, hiện diện còn mang lối kiến trúc thời Nguyễn, nhưng phảng phất đâu đây vẫn còn nét kiến trúc nghệ thuật hội tụ đầy đủ những giá trị lịch sử văn hóa khoa học nghệ thuật của một thiết chế tín ngưỡng làng xã cổ truyền, nơi bảo lưu nhiều di vật thờ quý hiếm, giá trị.

Ngôi Đền Thiện Hòa Xá được đánh giá rất cao về kiến trúc nghệ thuật, phía trước có hồ sen hình bán nguyệt và nhiều loại cây lưu niên hàng trăm năm tuổi chứng tỏ từ xưa các bậc tiền nhân tạo nên một không gian thiêng là nơi giao hòa giữa trời đất và con người. Đền thiện Hòa Xá bao gồm các hạng mục: Nghi môn, tiền tế, trung tế, hai dãy nhà tả hữu mạc và hậu cung. Đền được xây dựng kiểu chữ tam và đây là công trình mang kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội nhìn nhận và đánh giá cao cả về kiến trúc lẫn tư liệu, di vật còn được bảo lưu nguyên vẹn.

Quán Đức Thánh Cả, Quán Đức Thánh Hai và Quán Mẫu là quá Lộ thiên những lằm ở vị trí đắc địa của thôn, nền quán cao ráo lằm dọc bên bờ sông Bùi uấn khúc quanh co. Song song với quá trình dựng làng, người dân đã kiến tạo nên ngôi Đình, ngôi Đền làng để thờ phụng các vị thành hoàng làng và làm nơi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương. Từ ngày khởi dựng đến nay, sự hiện diện của ngôi Đình, ngôi Đền và Quán đã mang nhiều giá trị về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa.

Hội làng Hòa Xá có từ xa xưa để lại với ý nghĩa nâng cao giá trị truyền thống uống nước nhớ nguồn, là nguồn tích tụ nét đẹp văn hóa chân, thiện, mỹ được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Dấu ấn của lễ hội làng trở nên tiêu biểu mang tính cộng đồng sâu sắc đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết với nghi thức tôn nghiêm thuần việt. Lễ hội truyền thống Làng Hòa Xá năm nay được tổ chức trong 3 ngày (15, 16, 17/1/2024 tức ngày 5, 6 và 7/12 năm Quý Mão). Lễ hội được tổ chức có 2 phần gồm: Lễ tế thần và rước kiệu./.

 

Lan Oanh