TIN TỨC - SỰ KIỆN
Để ngăn chặn thành công bệnh dịch tả lợn Châu Phi, suốt trong thời gian qua huyện Chương Mỹ đã quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Để ngăn chặn thành công bệnh dịch tả lợn Châu Phi, suốt trong thời gian qua huyện Chương Mỹ đã quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Ảnh: Huyện Chương Mỹ thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xâm nhiễm vào 20 quốc gia trên toàn thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Tại Việt Nam, dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm vào 4 tỉnh thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa. Nhờ sự quyết liệt của hệ thống chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ cùng nỗ lực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và huyện Chương Mỹ nói riêng chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn.
Huyện Chương Mỹ có địa bàn rộng gồm 32 xã, thị trấn và là một trong 3 đơn vị có đàn gia súc gia cầm lớn nhất Thành phố. Trong đó tổng đàn lợn 167.000 con của 7.500 cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ cung cấp cho thị trường với lưu lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm là rất cao. Để ngăn chặn thành công bệnh dịch tả lợn Châu Phi, suốt trong thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn; Thực hiện các đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; Đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các xã, thị trấn...
Qua cuộc trò chuyện với phóng viên mới đây, đồng chí Trần Thị Thu Hằng - Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ khẳng định: Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của huyện Chương Mỹ đã được đảm bảo an toàn và chưa phát hiện sự xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Đến nay bệnh không có thuốc điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi rút gây ra bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ ốm, chết cao, lên đến 100%. Bệnh truyền qua ve mềm, là côn trùng có phổ biến trong tự nhiên, qua môi trường chăn nuôi. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa phát hiện lây nhiễm sang các loài khác và con người. Người dân không nên hoang mang mà tẩy chay thịt lợn.
Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi có triệu chứng và các thể bệnh khác nhau do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn Châu Phi cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, Trạm chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chính cho các cơ sở và hộ chăn nuôi, đó là:
1. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng của đàn lợn, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
2. Bố trí hố trử trùng tại cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi. Chất sát trùng phải bổ sung hoặc thay hàng ngày.
3. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột tại các lối vào khu vực chăn nuôi, khu vực cống rãnh, nơi thoát nước thải. Định kỳ phun thuốc sát trùng quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần.
4. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn, đặc biệt vắc xin 4 bệnh đỏ (vắc xin Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Đóng dấu lợn).
5. Khi sử dụng thức ăn tận dụng phải nấu chín kỹ mới cho lợn ăn.
6. Lợn giống mua về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
7. Hạn chế người thăm quan, ra vào chuồng nuôi, đặc biệt là thương lái. Tiêu độc khử trùng kỹ các phương tiện, dụng cụ, con người ra, vào trại. Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác trong khu chăn nuôi.
8. Cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm động vật phải nhập động vật và sản phẩm động vật rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
9. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn lợn. Khi phát hiện lợn có hiện tượng ốm, chết bất thường cần khai báo ngay với chính quyền địa phương, Ban Chăn nuôi thú y xã để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Không vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường.
Lan Oanh
(Trung tâm Văn hóa - TT&TT Chương Mỹ)
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn