TIN TỨC - SỰ KIỆN
Trước thông tin về sức mạnh của siêu bão Yagi, liên tục từ ngày 3/9 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các biện pháp để chủ động, sẵn sàng ứng phó với với siêu bão Yagi – Cơn bão số 3.
Ngày 3/9/2024, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã ban hành công văn số 62/BCH ngày 3/9/2024 về việc chủ động ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Ngày 5/9, Huyện ủy ban hành Công văn số 1184-CV/HU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn huyện; UBND huyện ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024.
Ngày 6/9, Huyện ủy ban hành Công văn hỏa tốc số 1185-CV/HU về chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn huyện; UBND huyện ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 năm 2024.
Cán bộ, nhân dân huyện Chương Mỹ với các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với với siêu bão Yagi.
Theo các văn bản chỉ đạo đã ban hành, huyện đã tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3. Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là. Qua đó, đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
Huyện đã chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Các xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi lũ sông Bùi đã sẵn sàn cho phương án thực hiện biện pháp di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, đối phó với “lũ rừng ngang” có thể xảy ra; Chủ động phương án sẵn sàng hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an để làm tốt công tác phòng, chống bão, lũ.
Tất cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc, cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần ở mức cao nhất. Hoãn các cuộc họp, hội nghị, sự kiện không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, Huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của huyện trực tiếp xuống cơ sở cùng với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó với diễn biến của tình hình thời tiết.
Ban Chỉ huy Quân sự; Công an huyện đã khẩn trương rà soát, cập nhật hương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai, sự cố theo quy định. Triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện; tăng cường triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, công trình trọng điểm, các khu dân cư có nguy cơ mất an toàn do thiên tai, sự cố; hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông khi xảy ra thiên tai, sự cố.
Phòng Quản lý đô thị huyện đã triển khai hướng dẫn các xã, thị trấn các biện pháp gia cố công trình giao thông, cầu, nhà ở công trình... Đặc biệt là các xã, thị trấn thường xuyên có nguy cơ ngập, lụt, thiên tai như: Thị trấn Chúc Sơn, thị trấn Xuân Mai, các xã: Tiên Phương, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hồng Phong, Đồng Lạc, Trần Phú... sẵn sàng triển khai phương án, chuẩn bị phương tiện đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho Nhân dân vùng bị ngập lụt, thiên tai.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn huyện; Đã thực hiện cho học sinh tất cả các cấp học nghỉ học để tránh bão.
Xí nghiệp ĐTPT thủy lợi Chương Mỹ đã kiểm tra thử tải đảm bảo 100% 22 trạm bơm tiêu và tưới tiêu kết hợp với tổng số 91 máy tiêu và nhân lực của đơn vị sẵn sàng tham gia chống úng. Hiện Xí nghiệp vẫn tiếp tục tiết giảm nước của 3 hồ chứa lớn và các trục tiêu trên hệ thống, phối hợp với các xã tiếp tục giảm nước đối với các diện tích nuôi trồng thủy sản để giảm áp lực tiêu.
Công ty Điện lực Chương Mỹ đã chủ động kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn vận hành hệ thống lưới điện; kịp thời khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ chống ngập úng và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Trung tâm Văn hóa - Thông Tin và Thể thao huyện đã thường xuyên thông tin tuyên truyền về diễn biến của bão và các biện pháp phòng tránh trên các phương tiện thông tin như Website, facebook, zalo, ihanoi, truyền thanh... để người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với các đơn vị viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai.
Phòng Kinh tế huyện đã kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án xử lý sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi.
Các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện cũng đã nghiêm túc thực hiện văn bản chỉ đạo của Thành phố, của huyện về việc ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó các xã, thị trấn chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hữu Văn, Hồng Phong, Trần Phú, Mỹ Lương, Tốt Động) đã chủ động phương án sơ tán Nhân dân. Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản. Chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ, để đảm bảo đời sống nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra. Đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ nguồn điện để phục vụ tiêu úng, chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của người dân. Phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với giông lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ…Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, chủ động triển khai các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Là xã sẽ ngập nặng nhất nếu mưa lũ tái diễn, ngay khi có thông tin về siêu bão Yagi, 100% cán bộ xã Nam Phương Tiến đã ứng trực 24/24h. Chính quyền xã đã thông báo, để người dân chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng cho 15 ngày. Xã đã chuẩn bị sẵn 5000 bao tải, hàng ngàn m3 đất đá, đề phòng đê điều sạt lở, sẵn sàng đắp vá. Rà soát toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp (rau màu, vật nuôi). Sẵn sàng di dời trạm y tế lên điểm cao, bố trí mỗi thôn 1 nhân viên y tế, để khám chữa bệnh cho người dân. Trường hợp ngập lụt trở lại, thầy cô ở các trường cũng đã chuẩn bị sẵn phương án dạy trực tuyến, không để việc học của các em bị gián đoạn - Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng thông tin
Người dân Chương Mỹ sẵn sàng ứng phó siêu bão
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, để ứng phó với siêu bão Yagi sắp đổ bộ vào miền Bắc, người dân huyện Chương Mỹ đã chuẩn bị nhiều loại thuyền trong nhà, đồng thời cắt tỉa, chặt bớt những cành cây có nguy cơ gãy, đổ cao, gia cố lại chuồng trại chăn nuôi......Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng khi bão về.
Tại các vùng được coi là trũng nhất của huyện như các xã : Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thuỷ Xuân Tiên…, nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn thuyền để di chuyển nếu lũ đổ về lần nữa.
Thuyền của các hộ khá đa dạng về chủng loại: Thuyền nan tre, thuyền nhựa, thuyền tôn… Hầu hết các thuyền giống nhau về kích cỡ, đủ cho 2 người trưởng thành ngồi lên. Hầu như nhà nào cũng có một cái, gia đình nào có điều kiện thì “thủ” sẵn tận 4, 5 cái trong nhà.
Chẳng hạn như gia đình anh Nguyễn Huy Phương sống ở xã Tân Tiến đang sở hữu tới 7 chiếc thuyền đủ các loại trong nhà. Trong “bộ sưu tập” thuyền của gia đình anh Phương là một chiếc thuyền tôn chạy bằng động cơ. “Tiền mua vật liệu và thuê thợ đóng thuyền là vài triệu đồng, tiền mua động cơ cũng tốn vài triệu đồng nữa. Tổng giá trị là gần chục triệu đồng. Làm dư thuyền ra để khi nào có người cần dùng thì mình cho mượn”, anh Phương nói.
Tại xã Nam Phương Tiến, gia đình ông Nguyễn Dương Tuấn và bà Nguyễn Thị Oanh đang cất dần đồ đạc lên khu vực gác xép “tự chế” bằng gỗ và tôn. “Quanh khu này, nhà nào cũng phải làm một cái gác xép như thế để cất đồ đạc. Vì mỗi khi lũ về, nước dâng cao đến 1,6 m là ít”, bà Oanh nói. Hai ông bà cũng luôn có sẵn một chiếc thuyền nhựa để dùng khi cần thiết.
Gia đình bà Nguyễn Thị Loan và ông Đinh Văn Phúc ở xã Nam Phương Tiến chỉ có một chiếc thuyền nan tre. Thỉnh thoảng, hai ông bà phải quét vôi vào lòng thuyền để tránh ẩm mốc. Hai ông bà không để thuyền trong nhà, mà để ngay ngoài ngõ để ai cũng có thể dùng được khi khẩn cấp.
Ông Phùng Văn Thêm ở thôn Nhân Lý xã Nam Phương Tiến vừa tái đàn thả cả, nuôi vịt sau ảnh hưởng của cơn bão số 2 nay lại tất bật ứng phó với cơn bão số 3. Để bảo vệ tài sản mới đầu tư, ông đã cùng người thân tích cực quây lưới cao hơn 2 m quanh khu vực chăn nuôi để tránh thất thoát.
Ở xã Tiên Phương, tình hình ngập lụt lâu nay không nghiêm trọng như các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến hay Thuỷ Xuân Tiên. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ động cắt, tỉa, chặt các cành cây xanh có nguy cơ gãy, đổ cao xung quanh nhà. Bên cạnh ngôi nhà của ông Vương Danh Sai và bà Nguyễn Thị Thu là một cây sấu lớn cao hơn 30 mét. Những lúc mưa bão, những cành cây to bị gió thổi nghiêng ngả làm hai ông bà rất bất an. Vì vậy, chiều 5/9, ông Sai và bà Thu phải cắt tỉa, chặt bớt những cành to để phòng ngừa biến cố. “Mấy cái cành cây nặng vài trăm cân mà rơi xuống từ độ cao mấy chục mét thì nguy hiểm lắm, sập nhà chết người như chơi”, bà Thu nói.
Tại Trường tiểu học Nam Phương Tiến A, sau khi vừa tổ chức xong lễ khai giảng, các cán bộ, giáo viên đã tất bật chuẩn bị ứng phó với siêu bão số 3 sắp đổ bộ vào miền Bắc. Theo bà Kiều Thị Minh Hoa, Hiệu trưởng nhà trường: Xã Nam Phương Tiến được coi là vùng trũng nhất của "rốn lũ" Chương Mỹ. Vì vậy, trong những đợt lụt đã qua, khuôn viên trường luôn nằm trong mực nước sâu gần 2 mét tính từ mặt đường vào. Hoạt động dạy và học gặp rất nhiều khó khăn vì phương tiện di chuyển duy nhất của giáo viên và học sinh là thuyền. Không chỉ vậy, nhiều trang thiết bị học tập cũng bị hỏng do ngâm nước lâu ngày. Trong đợt lụt vừa qua, trường đã bị hỏng 1 bộ loa đài phục vụ cho hoạt động ngoài trời, 1 tivi, 4 bộ máy vi tính và một số trang thiết bị học tập khác. Vì vậy, trước cơn bão số 3 sắp tới, các cán bộ, giáo viên của nhà trường đã có nhiều biện pháp ứng phó như cất các trang thiết bị học tập lên tầng cao; cắt tỉa những cành cây già, yếu, có nguy cơ gãy đổ cao, gây nguy hiểm cho học sinh; chuẩn bị áo phao cho học sinh...
Lan Oanh
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn