TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Huyện Chương Mỹ tập trung phòng, chống thiên tai
Ngày đăng 25/07/2024 | 16:50  | Lượt xem: 184

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, liên tục từ ngày 22/7 đến ngày 25/7, huyện Chương Mỹ đã chịu nhiều thiệt hại của mưa lũ gây ra. Để khắc phục, huyện đã và đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Ảnh hưởng của cơn bão số 2, lượng mưa từ 07h00' ngày 22/7/2024 đến 7h00' ngày 25/7/2024 trên địa bàn huyện Chương Mỹ là 324,4mm. Do ảnh hưởng của cơn bão, đặc biệt là nước lũ rừng ngang đổ về, mực nước tại Sông Bùi đến 11h ngày 25/7 là 7,28m, vượt mức báo động III 0,28 m; Mực nước ở các hồ tuy đã giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng tràn, cụ thể hồ Đồng sương ở mức 18,37 m, hồ Văn Sơn ở mức 19,68 m, hồ Miễu ở mức 39,57 m.

Ảnh hưởng của bão và lũ, toàn huyện bị ngập hơn 7.700m đường đê thuộc địa bàn 13 xã bị ảnh hưởng trực tiếp của nước sông Bùi dâng cao; Gần 60.000 m đường giao thông nông thôn; 43 thôn, xóm với 953 hộ dân và gần 3000 nhân khẩu; Gần 2.000 ha lúa; Gần 250 ha cây ăn quả; trên 1.700 ha thủy sản; trên 55.000 m2 chuồng trại; Bđổ, sạt lở 1.044 m tường bao bị đổ; 20 m đê, 286 m kênh mương; hơn 200.000 con gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng.

Nước sông Bùi dâng cao đã gây ngập lụt nhiều thôn, xóm, nhà dân, chuồng trại… gây thiệt hại nặng nề

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão số 2 và lũ rừng ngang gây ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã ban hành Công điện số 01/CĐ- UBND ngày 22/7/2024 v việc chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ; Đã tổ chức trực 24/24h để theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và các sự cố xảy ra để có biện pháp khắc phục kịp thời; Tổ chức kiểm tra các điểm ngập úng cục bộ, chỉ đạo tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy; Đã ban hành Văn bản số 15/BCH ngày 24/7/2024 chỉ đạo chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ; UBND huyện đã ban hành văn bản số 1533/UBND-PYT ngày 25/7/2024 chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ; Ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 25/7/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ”, toàn huyện đã huy động lực lượng trên 4.000 người cùng với 158 phương tiện các loại, gần 5.700m³ đất, cát; gần 54.000 bao tải thực hiện công tác phòng, chống lụt bão úng. Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 20 trạm với 91 máy bơm để tiêu úng. Một số trạm bơm chạy hết công suất các máy bơm hiện có như: Yên Duyệt, Tử Nê, Trung Hoàng, An Sơn, Hạ Dục, Phụng Châu, Đầm Mới... Cùng với việc tập trung bơm tiêu thoát nước, các Cụm thủy lợi của Xí nghiệp tiếp tục duy trì trực 100% quân số, trực 24/24h, phối hợp với các Hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý các sự cố đê điều có thể xảy ra.

Do ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình chảy ra nhanh và mạnh, nước sông Bùi đang dâng cao, các xã thuộc tuyến đê Bùi của huyện bị ảnh hưởng nặng.

Tại xã Thủy Xuân Tiên: Đoạn đê Hữu Bùi chảy qua đoạn thôn Trí Thủy, Gò Cáo bị ngập khoảng 500m (ngập sâu khoảng 40-60cm). Để khắc phục,  UBND xã đã huy động 200 người tham gia chống tràn đê cụ thể: Đơn vị J106 là 50 người, Tiểu đoàn D25 là 30 người; Lực xung kích, người dân là 120 người. Vật tư sử dụng: đất, cát 1.500m³; bao tải 3.000 cái; phương tiện: 5 xe ô tô loại 1,5 tấn, 10 xe cải tiến; cọc tre: 2 khối; rơm rạ 300kg.

Tại xã Hoàng Văn Thụ: Đoạn đê Bùi II chảy qua đoạn thôn Yên Trình bị ngập 250m (ngập sâu khoảng 40-60cm), UBND xã đã huy động 100 người tham gia chống tràn đê và Ban Chỉ huy quân sự huyện hỗ trợ lực lượng 100 người. Vật tư sử dụng: đất, cát 2.000m³, bao tải 4.000 cái, Phương tiện: 5 xe cơ giới.

Xã Nam Phương Tiến: Tràn đê Bùi 2 với chiều dài 300m, nơi sâu nhất 50cm, UBND xã đang chỉ đạo lực lượng đắp đê chống tràn cụ thể như sau: Lực lượng huy động trong dân: 400 người; lực lượng phòng chống thiên tai của xã: 40 người; lực lượng bộ đội được cấp trên hỗ trợ: 100 người; các vật tư đã chuẩn bị bao gồm: 10.000 bao tải, 800m³ đất, cát 50m³, cuốc xẻng 100 cái.

Xã Tân Tiến: Tuyến đê Bùi đoạn qua nhà thờ xóm Vạn Tiên, thôn Tiến Tiên tràn với chiều dài khoảng 40cm, UBND xã đã huy động lực lượng và phương tiện, vật tư gồm 15m3 cát đen, 200 bao tải để đắp đê chống tràn.

Xã Tốt Động: Đoạn đê Tả Bùi chảy qua đoạn thôn Mới giáp xã Trung Hòa bị ngập 50m (ngập sâu khoảng 20cm); đê Hữu Bùi tràn 20m theo rãnh thoát nước đoạn giáp với thôn Mỹ Thượng của xã Hữu Văn. UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ tham gia PCTT gồm: 200 lượt người, 5.000 chiếc bao tải, 200 chiếc xẻng, 300 m3 đất, cát và 5 chiếc ô tô.

Xã Phú Nghĩa: Đoạn đê Thổ Ngoã giáp Tiên Phương, Quốc Oai bị ngập 400m,ngập sâu khoảng 40-60cm. Đã khắc phục được 300m, hiện còn 100m đang tiếp tục thực hiện. Do ngập các tuyến đường lên đê Thổ Ngoã nên rất khó khăn cho các phương tiện di chuyển lên hiện trường khu vực bị ngập tràn. UBND xã đã huy động 60 người tham gia cùng nhiều vật tư, phương tiện để chống tràn đê.

Lực lượng phòng chống thiên tai của huyện luôn ứng trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất kể ngày, đêm.

Tiếp tục ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của cơn bão số 2 và lũ rừng ngang, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy, các ban ngành đoàn thể huyện, yêu cầu các xã, thị trấn toàn huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh các loại hình thiên tai như mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có thể xảy ra trong những ngày tới.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; chủ động bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, triển khai Phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là công tác chuẩn bị và triển khai trên thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lực lượng và thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi. Rà soát các công trình đang thi công trong phạm vi bảo vệ đê điều; đồng thời triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình, đê điều khi xảy ra mưa, lũ; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân và tổ chức khắc phục nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; đặc biệt chú ý đến các điểm đã xảy ra úng ngập do lũ rừng ngang.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều và người dân khu vực ven sông biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thủy lợi Chương Mỹ kiểm tra tình hình ngập úng và kịp thời có biện pháp khắc phục đảm bảo sản xuất nông nông nghiệp.

 

Lan Oanh - Đặng Sáng

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)