GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
Có lẽ trong số trên 5000 giáo viên, nhân viên của huyện Chương Mỹ đang công tác trong ngành giáo dục huyện nhà, có thật nhiều tấm gương tiêu biểu vô cùng tâm huyết cống hiến tâm sức cho nghề với việc thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời dành những điều tốt đẹp nhất cho các em học sinh thân yêu. Trong số những người thầy ấy, tôi muốn dành những lời trân trọng, tự hào khi viết về cô giáo với cái tên thân thuộc mà hơn 20 thế hệ học sinh những năm qua gọi cô - cô Đặng Lý.
Sinh năm 1979, cô sinh ra và lớn lên ở quê Hồng Sơn, Mỹ Đức. Nhưng như một cái “duyên” lớn, cô gắn bó với các trường học của huyện Chương Mỹ từ ngày đầu tiên đi dạy. Chương Mỹ trở thành quê hương thứ hai của cô. Học sinh Chương Mỹ từ trường THCS Đồng Lạc, Trần Phú, Đại Yên, Ngô Sỹ Liên, thị trấn Chúc Sơn đều cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi được cô Đặng Lý chủ nhiệm và giảng dạy; phụ huynh từng trường, từng khóa đều vô cùng yên tâm và tin tưởng khi con là học trò của cô Đặng Lý.
Cô Đặng Lý trong giờ trên lớp.
25 năm công tác, cô đã dạy ở 5 trường học và có 5 năm làm chuyên môn tại Phòng GD&ĐT huyện nhà, cô Đặng Lý dành tất cả tâm huyết, sự sáng tạo cho công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ấn tượng ở cô đọng lại trong hàng trăm Hiệu trưởng, Hiệu phó và nhân viên các nhà trường là một cô giáo vô cùng nhiệt tình, hăng say, trách nhiệm, đầy năng lượng khi làm việc và được ghi nhận bởi các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Phòng GD&ĐT. Dù làm việc ở vị trí của một chuyên viên Phòng GD&ĐT nhưng cô vẫn say mê tham gia ôn đội tuyển học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn, để vừa chỉ đạo chuyên môn vừa thể hiện sự đồng hành với đội ngũ giáo viên cốt cán, khích lệ các thầy cô và học trò dạy bằng cả trái tim và học bằng cả khát vọng.
Nhiều giải pháp thiết thực khi thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ban hành ngày 30/ 12/ 2024.
Và điều chúng tôi cảm mến nhất ở cô lúc này là tuổi không còn trẻ, sung sức như tuổi đôi mươi nhưng lòng nhiệt huyết, sự tận tâm của cô với nghề, với học trò vẫn như một ngọn đuốc cháy sáng. Chúng tôi về thăm trường THCS thị trấn Chúc Sơn khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ban hành ngày 30/ 12/ 2024 (Thông tư 29) Quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường có hiệu lực. Tất cả hoạt động dạy thêm, học thêm đã được dừng theo quy định, việc học thêm chỉ dành cho 3 đối tượng như hướng dẫn. Trong bối cảnh đó, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng con sẽ mải chơi, nhãng học, ham trò chơi điện tử, nghiện mạng xã hội, khó quản lí thời gian của con và kết quả học tập sẽ sa sút; nhiều thầy cô cũng thể hiện sự lo ngại cho chất lượng 2 mặt giáo dục. Khi trò chuyện với cô Đặng Lý về vấn đề này, chúng tôi nhận được nụ cười rất tươi và hiền hậu của cô. Chúng tôi bất ngờ với những việc làm rất cụ thể, sát sao, thiết thực, hiệu quả dành cho học trò.
Giải pháp đồng hành cùng học sinh qua việc giao bài tập.
Cô đưa cho chúng tôi xem một chồng vở tập, sổ các loại của học trò và chia sẻ rằng: Không phải khi có Thông tư 29 cô mới làm điều này, mà khi Thông tư 29 được thực hiện, cô càng nhận thấy điều cô làm là vô cùng cần thiết, thể hiện sự đồng hành, không bỏ rơi học sinh, không buông chất lượng dạy học bộ môn Ngữ văn – điều mà nhiều nhà lãnh đạo lo lắng, trăn trở. Cô Đặng Lý chủ động trao đổi, kết hợp phụ huynh học sinh mua cho con một cuốn tập để thiết lập SỔ TAY VĂN HỌC. Cuốn sổ như một cẩm nang tích lũy kiến thức, nhằm thu thập tư liệu, giúp học trò mở rộng vốn hiểu biết về đời sống xã hội, hướng các con biết quan tâm đến mọi vấn đề của cuộc sống từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng. Từ đó, giúp học sinh học hỏi được nhiều tấm gương tốt, biết trân quý những giá trị mà mình được đón nhận từ cha mẹ, thầy cô, cộng đồng và xã hội; góp phần nuôi dưỡng trong các em lòng hiếu học, có mục đích, có ý chí, khát vọng, biết nỗ lực vượt khó, nuôi dưỡng ước cho tương lai. Đặc biệt nhất là đánh thức trong các em những giá trị của lòng biết ơn, sự đồng cảm, sẻ chia, yêu thương và rèn luyện những thói quen tốt mỗi ngày. Tất cả điều đó trở thành nguồn tri thức, vốn sống để các em học tốt môn Ngữ văn, gắn việc học Văn với đời sống, học làm người tốt, người có ích. Mục tiêu 2 trong 1: vừa rèn kĩ năng học Văn, làm Văn vừa bồi đắp tâm hồn, cảm xúc, nhân cách đẹp trong các em học sinh đã được cô Đặng Lý thực hiện đơn giản như thế, nhưng cần đến sự kiên nhẫn, thời gian, trí tuệ mà xuất phát điểm phải là lòng yêu nghề, yêu trẻ, trách nhiệm, tận tâm cùng đồng hành với phụ huynh trong nuôi dạy con em họ.
Chúng tôi lật giở từng trang trong các cuốn SỔ TAY VĂN HỌC của học trò, chúng tôi nhận thấy sự cộng hưởng rất tuyệt vời của học sinh trước những bài tập cô Đặng Lý giao. Các em hoàn thành bài tập Tết với chủ đề: Tết này ta đã làm gì cho người thân yêu; đọc đến thấm thía bài viết “Vượt qua sự lười biếng” của A-dam-kho, ghi lại những câu nói truyền động lực cho bản thân; tìm cho mình 1 câu slogan làm phương châm sống, động lực học tập và làm việc; viết 1 bài văn nghị luận khoảng 300 chữ trình bày ý kiến của em về việc học sinh cần có trách nhiệm với việc học của chính mình… Lắng nghe cô giải thích, tôi ước con mình đang là học trò của cô, còn tôi là phụ huynh học sinh lớp cô chủ nhiệm. Bởi tôi hiểu bài tập cô giao đạt nhiều mục tiêu giáo dục:
Thứ nhất, hướng các em học sinh biết quan tâm, dành tình yêu thương trước hết cho người thân, là bố mẹ, ông bà, anh chị… bởi gia đình là khởi nguồn của yêu thương, là trường học đầu tiên của các em.
Thứ hai, đó là bài tập truyền cảm hứng tích cực, động lực học tập và hình thành “lẽ sống đẹp” cho các em một cách phù hợp với độ tuổi; từng bước nâng nhận thức của các em về lối sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ ba, cô đã rèn cho các em học sinh ý thức tự học, hoàn thành bài tập cô giao. Thông tư 29 của Bộ ra đời cũng với một trong những mục đích quan trọng và lâu dài là tạo cho học sinh biết tự học, có kĩ năng tự học. Cô Đặng Lý đã khơi gợi và thực hành được điều tuyệt vời, đáng quý ấy trong học sinh của mình.
Tôi ấn tượng với slogan của các em như: “Áp lực tạo nên kim cương”, “Học tập chính là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thành công”, “Theo đuổi những gì mà bạn khao khát, bởi hành trình đạt lấy ước mơ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm đáng giá và ý nghĩa”, “Cố gắng vì một tươi tươi sáng”… Và càng ấn tượng hơn nữa với mục tiêu các em học sinh xác định trong cuốn sổ tay xinh xắn ấy vừa cụ thể, vừa lớn lao nhưng vẫn giữ dược sự hồn nhiên đáng yêu của tuổi học trò: Tích cực hơn trong học tập; tích cực dọn dẹp nhà cửa, lớp học, phòng học; thay vì dành nhiều thời gian xem điện thoại hãy đọc những cuốn sách hay; note những từ khóa quan trọng để học hiệu quả hơn; học thuộc những “công thức” mà cô Lý dạy để làm bài hiệu quả hơn… Và tôi xúc động trước sự ảnh hưởng vô cùng tuyệt vời của cô Đặng Lý đến các học trò từ việc nhà, việc lớp, việc học, việc rèn thói quen tốt đến việc làm giàu có tâm hồn, ý thức trách nhiệm với những cảm xúc tích cực nhất ở các em.
Theo cô vào lớp dự 1 tiết hoạt động trải nghiệm, đúng ngày 8-3, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá những điều rất riêng, rất hấp dẫn ở cô Đặng Lý: cô không chỉ gieo chữ mà còn gieo hạt “EQ” – trí tuệ cảm xúc trong học trò để các em có nhiều trải nghiệm, làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và được thăng hoa ngay giữa lớp học cùng cô giáo của mình.
Đó là hoạt động: “Nói lời yêu thương” (học sinh viết lời yêu thương gửi những người phụ nữ đáng kính trọng của mình trong hình trái tim ngọt ngào sắc màu); hoạt động “Trải nghiệm làm mẹ” (người mẹ mang bầu vừa chăm con, vừa làm việc nhà giúp các học trò biết ơn những yêu thương mà mẹ dành cho mình); hoạt động “Điều gửi mẹ ngày 8-3” (là những hành động, lời hưa, mong ước dành cho mẹ). Tôi được biết, cô thường xuyên tổ chức những hoạt động ý nghĩa như vậy và không ngừng tự học, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh học tập chủ động và ngày càng yêu môn Ngữ văn hơn… Ngay lúc đó tôi lại ước con mình được là học trò của cô và tôi là phụ huynh lớp cô chủ nhiệm.
Ban giám hiệu nhà trường ghi nhận; học sinh yêu mến!
Trong không gian phong học lớp 7E do cô Đặng Lý chủ nhiệm - một không gian thoáng đãng, được trang trí bởi những khung bảng, poter ghi những câu nói gửi thông điệp ý nghĩa về vị trí của người thầy, ý nghĩa của việc học và tiêu chí lớp học hạnh phúc, chúng tôi trò chuyện với các em học sinh, các em thân thiện, hào hứng chia sẻ về môn học yêu thích. Khi hỏi về cô chủ nhiệm, nhiều học sinh dí dỏm bày tỏ: Đối với chúng em cô Đặng Lý vừa là người thầy vừa là người mẹ. Cô nghiêm khắc yêu cầu chúng em chú ý học bài, làm bài đầy đủ, tích luỹ kiến thức bổ ý. Cô luôn tạo năng lượng tích cực và định hướng giúp chúng em có phương pháp học tập hiệu quả. Cách truyền đạt của cô luôn thật dễ hiểu, dễ thực hành với những “công thức” siêu hay khiến chúng em không còn sợ học môn Ngữ văn, thậm chí từ khi được học cô chúng em thấy yêu thích môn học này hơn, có nhiều bạn tham gia đội tuyển hơn. Còn đối với vai trò là mẹ, chúng em thấy mẹ Lý rất tâm lý. Mẹ gần gũi, lắng nghe, động viên, khích lệ của chúng em. Có điều chúng em khó mở lời chia sẻ với bố mẹ, nhưng lại luôn tin tưởng tâm sự với mẹ Lý. Mẹ siêu kute, siêu đáng yêu luôn.
Cô giáo Phạm Thị Hương - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: cô giáo Đặng Thị Lý được điều động về công tác tại trường THCS Thị trấn Chúc Sơn vào tháng 1/2024. Cô Lý luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được BGH nhà trường tin tưởng, phụ huynh nể trọng và học sinh yêu mến. Lớp cô Lý chủ nhiệm luôn là một trong những lớp dẫn đầu về hoạt động phong trào và kết quả giáo dục. Mặc dù cô Lý về công tác ở trường với thời gian ngắn, nhưng cô đã truyền rất nhiều năng lượng tích cực đến đội ngũ giáo viên, nhân viên và các em học sinh không chỉ lớp cô dạy mà còn ở các khối lớp trong trường. Cô Lý cũng là một trong nhiều giáo viên của nhà trường ham học hỏi, cập nhật thông tin, kiến thức bổ ích, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học hiện nay; cô luôn sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, tích cực thảo luận cùng đồng nghiệp để xây dựng bộ môn Ngữ văn cô còn đề ra được nhiều giải pháp, nhiều sáng kiến kinh nghiệm thiết thực được ghi nhận.
Mãi gắn bó với nghề!
Nở nụ cười tươi với ánh mắt lấp lánh niềm vui, cô Đặng Lý khẳng định: Với tôi niềm hạnh phúc lớn nhất của nghề thầy chính là sự trân trọng, lòng biết ơn của các thế hệ học sinh. Sự trở về của các em học sinh thành đạt là món quà quý giá nhất. Mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày 20/11, học trò mới, học trò cũ đến thăm, chúc sức khỏe cô và “khoe” thành tích các em đạt được, đấy là phần thưởng, món quà vô giá của người thầy. Cũng có nhiều em học sinh cũ khi về thăm cô chia sẻ những kết quả chưa được như kỳ vọng, cô lắng nghe các em giãi bày tâm sự, động viên các em “sốc” lại tinh thần, vượt qua thử thách, phấn đấu ở chặng đường tiếp theo.
Chia tay cô Đặng Lý, tôi nghĩ về hình ảnh người trồng cây. Cô chính là người gieo hạt, ươm mầm và cần mẫn vun xới, chăm sóc, chắc chắn những hạt mầm ấy - những thế hệ học sinh sẽ vươn lên mạnh mẽ dưới ánh nắng của tri thức, tình yêu, khát vọng và đơm hoa kết trái thành công. Trước yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục, những giải pháp đồng hành cùng học sinh, phụ huynh khi không dạy thêm, học thêm của cô giáo Đặng Lý thật hiệu quả, thiết thực, đáng nhân rộng trong đội ngũ thầy cô giáo huyện nhà. Xin chúc cô thật nhiều sức khoẻ, nhiều năng lượng để “vững tay chèo” đưa lớp lớp thế hệ học trò cập bến bờ tri thức, có tương lai tươi sáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thu Hiền
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn