GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Chùa Phúc Đông – Nơi trao gửi yêu thương
Ngày đăng 14/05/2024 | 12:57  | Lượt xem: 145

Phúc Đông – ý nghĩa là phúc như đông hải tức là phúc như đại dương mãi mãi không ngừng, chúc ông bà, cha mẹ gặp thật nhiều may mắn, những điều tốt đẹp trong cuộc sống, dạt dào như nước biển Đông không khi nào cạn. Có lẽ với ý nghĩa đó, chùa Phúc Đông, xã Đông Sơn đã lan tỏa tình yêu thương vô bờ bến, sự tận tâm với chữ Hiếu hàng đầu bởi nơi đây, nhiều năm qua đã nuôi dưỡng những người già yếu, neo đơn, hoặc những mảnh đời có hoàn cảnh đặc biệt.

Quang cảnh chùa Phúc Đông, xã Đông Sơn.

Đến chùa Phúc Đông trong những ngày đầu hè nhưng không khí vô vùng mát mẻ, hiền hòa. Ấn tượng với tôi đó là lối đi vào và ngay cổng Chùa có những hàng chữ A di đà Phật, bức tranh nhân quả, cùng những luống rau và đậu xanh mát. Ngoài Chính Điện Tam Bảo, Ban thờ Mẫu… phần lớn diện tích trong chùa gồm 3 tầng được dùng làm nơi sinh hoạt, ăn ở cho các Phật tử. Nói là Phật tử nhưng chủ yếu là những người già yếu, hoàn cảnh khó khăn, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống tìm về cửa Phật để Phụng sự Phật pháp và tu học ăn chay niệm Phật, tìm về nơi bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn, tìm về nơi ấm áp tình người khi tuổi cao sức yếu, bệnh tật bủa vây.

Những mảnh đời nương tựa nơi cửa Phật

Chia sẻ với chúng tôi, Sư cô Thích Đàm Trà – Trụ trì chùa Phúc Đông cho biết: Hiện nay nhà chùa đang nuôi dưỡng hơn 60 người không chỉ là người địa phương mà còn có những người đến từ các tỉnh như Hòa Bình, Cao Bằng, Nam Định, Thanh Hóa…Tuổi trung bình của những người về đây sinh sống từ 50 đến 90 tuổi, có cụ 100 tuổi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có chung một tâm hướng về Chùa để tu tập và mong muốn tâm an lạc lúc tuổi già, an vui nơi cửa Phật.

Sư trụ trì Thích Đàm Trà và các Phật tử trong một buổi nghe giảng kinh Phật

Bà Hồ Thị Miễn ở thị trấn Xuân Mai cho biết: bố mẹ đã mất và bà không lập gia đình, sống một mình. Trước khi vào Chùa ở bà bị bệnh viêm đa khớp không lao động được. Sau 9 năm vào chùa nương tựa, được ăn uống, sinh hoạt theo nếp sống ở đây thì sức khỏe, bệnh tật được cải thiện rất nhiều. Bà có thể đi lại dễ dàng và giúp đỡ những bạn đồng tu, phật tử khác.

Một hoàn cảnh nữa đó là bà Trịnh Thị Lan, sinh năm 1966 quê ở tỉnh Thanh Hóa. Bà Lan bày tỏ: Bố của bà là cụ Trịnh Văn Dật sinh năm 1941 do tuổi cao, lại mắc bệnh ung thư dạ dày. Cụ mong muốn phần đời còn lại được sống thanh thản nơi cửa Phật nên đã vào đây. Để tiện chăm sóc, phụng dưỡng bố, bà Lan đã xin phép nhà chùa được vào ở cùng. Cho đến nay đã hơn 5 tháng, sống ở đây bà cảm nhận được tình yêu thương, giúp đỡ, bao bọc cho nhau giữa con người với con người, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giàu sang. Mọi người biết chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc tuổi già, sức yếu.

Bà Hoàng Thị Vui phấn khởi chăm sóc vườn rau

Còn với bà Hoàng Thị Vui, quê ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng: chồng bà vẫn còn sống, có sức khỏe tốt và đang sống cùng người con trai duy nhất đã lập gia đình. Thế nhưng dù hoàn cảnh không thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần nhưng bà vẫn mong muốn được sống một cuộc sống tu tập an lạc, ý nghĩa nơi cửa Phật lúc tuổi già. Chính vì vậy bà đã xin phép Sư cô Thích Đàm Trà được vào Chùa ở.

Được biết, ở Chùa Phúc Đông còn có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, có những người không may mắc bệnh hiểm nghèo vào chùa tu tập, sau một thời gian sức khỏe tốt hơn lại trở về với gia đình và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác, trong đó có cô Trần Thị Loan, trú tại quận Thanh Xuân, cô Hà Thị Dung trú tại quận Hà Đông. Hay như em Nguyễn Trí Hiếu, quê ở tỉnh Bắc Ninh đã vào Chùa được 2 năm nay. Trước khi vào đây em từng bị mắc bệnh trầm cảm. Gia đình lựa chọn Chùa Phúc Đông để gửi gắm em với hi vọng em sẽ được ăn ở, sinh hoạt tu tập hàng ngày, giao tiếp với những người sinh sống tại đây, được nghe kinh niệm Phật. Như có một phép nhiệm màu, quả thật đến nay em Hiếu đã hòa đồng và bắt nhịp cùng với cuộc sống ở Chùa. Không chỉ vậy em còn tiếp tục học Đại học để theo kịp chương trình đã bỏ dở trước đó.

Đặc biệt là hoàn cảnh của Cô Trần Thị Phượng sinh năm 1978 quê ở thôn Thanh Nê, Thanh Bình. Cô Phượng có bệnh nhiễm chất độc màu da cam từ bé, nói ngọng nghịu, chân tay tật nguyền đi lại rất khó khăn. Cô Phượng được gia đình gửi về nương tựa chùa Phúc Đông từ năm 2016, hàng ngày được sống gần gũi tình cảm với sự quan tâm chăm sóc thương yêu của Sư Thầy và các Phật tử trong chùa, được tụng kinh niệm Phật nên hiện nay tinh thần và sức khỏe Cô Phượng rất ổn định. Cô đã có thể tự chăm sóc bản thân mình và còn làm được nhiều việc cho nhà chùa. Chia sẻ với chúng tôi mà tâm Cô đầy sự xúc động, niềm vui biểu hiện rõ trên khuôn mặt.

Cho đi mà không cần nhận lại

Nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, người không nơi nương tựa là một trong những hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần hộ quốc an dân, từ bi cứu khổ của Phật giáo. Những hoạt động giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, tương thân tương ái, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Chùa Phúc Đông, xã Đông Sơn là một ngôi Chùa nhỏ, bình dị, được tôn tạo lại năm 2010. Từ đó đến nay, ngôi chùa đã nuôi dưỡng rất nhiều người. Từ tấm lòng từ bi của Sư Cô Thích Đàm Trà – Trụ trì Chùa mong muốn các cụ khi về già sẽ có một chốn an dưỡng yên bình và được chăm sóc chu đáo, chính vì vậy mà Sư Trà đã tiếp nhận các cụ về phụng dưỡng với tất cả những gì mình có thể làm được.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương xã Phụng Châu, sau khi tốt nghiệp Học viện phật giáo Việt Nam, năm 2014, Sư Cô Thích Đàm Trà về tiếp quản Chùa Phúc Đông, xã Đông Sơn. 10 năm trụ trì Chùa cũng là quãng thời gian sư Cô tiếp nhận rất nhiều lượt người về nuôi dưỡng. Khi ít nhất là 30 người và đến nay nhiều nhất là hơn 60 người.

Một bữa ăn trưa của các Phật tử tại Chùa Phúc Đông

Trò chuyện với chúng tôi, Sư trụ trì Thích Đàm Trà cho biết: Khi đã đến Chùa Phúc Đông thì không phân biệt giàu – nghèo, ai cũng được đối xử bình đẳng và quan tâm như nhau. Ngoài sự hỗ trợ của Sư Thầy và các Phật tử, các cụ ở đây biết tự chăm sóc cho nhau trong những việc thường ngày, trong từng bữa ăn,  giấc ngủ, tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh phòng ở. Từ việc làm ý nghĩa này mà nhà Chùa cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng chung tay quyên góp lương thực, thực phẩm…Để có rau củ ăn vừa đảm bảo an toàn sạch sẽ vừa tiện thu hái hàng ngày, nhà Chùa cũng đã mở rộng canh tác, mượn thêm ruộng của người dân để trồng thêm rau ăn các loại. Vì vậy, các Cụ dù hoàn cảnh khó khăn đến nương nhờ nơi cửa Phật cũng an tâm, vui vẻ, không phải đóng góp kinh phí mà được nhà chùa quan tâm, thương yêu chăm sóc bình đẳng.

Ngoài việc thiện nguyện tại Chùa, Chùa Phúc Đông còn đóng góp nhiều chương trình hỗ trợ cho các phong trào nhân đạo, từ thiện. Hàng năm, Sư trụ trì Thích Đàm Trà cùng với các Phật tử tổ chức các chuyến hành hương, thăm và tặng quà cho bà con nghèo các vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Sơn La, Cao bằng, Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang… Tổ chức Chương trình Vui Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tại xã Đông Sơn, Phụng Châu. Hàng tháng tổ chức Lễ phóng sinh được nhiều Phật tử tham gia…

Sư trụ trì Thích Đàm Trà cùng với các Phật tử tổ chức các chuyến hành hương, thăm và tặng quà cho bà con nghèo các vùng sâu, vùng xa

Sư trụ trì Thích Đàm Trà tổ chức các hoạt động vui tết Trung thu và các trò chơi dân gian cho các cháu thiếu nhi được đông đảo người dân tới xem, cổ vũ

 

Sau khi được trải nghiệm một phần cuộc sống hàng ngày, được tận mắt chứng kiến sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của những người đồng tu, sự bao dung của Sư trụ trì Thích Đàm Trà, tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của câu nói “sống trên đời cần có một tấm lòng”, cho đi mà không cần nhận lại.

Điều mà Sư trụ trì Thích Đàm Trà trăn trở nhất đó là diện tích khuôn viên của Chùa Phúc Đông còn chật hẹp, trong khi số người đến nương tựa cửa Phật ngày càng tăng. Sư Đàm Trà mong muốn sẽ mở rộng được khuôn viên, xây thêm các phòng ở cho các Phật tử để từ đó có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ tốt hơn. Và những hoạt động thiện nguyện của Chùa Phúc Đông sẽ ngày càng được lan tỏa nhiều hơn, để giá trị Giáo lý của Đạo Phật được lan truyền, tỏa sáng.

Ông Trịnh Văn Tường – Phó chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Nhiều năm nay, Chùa Phúc Đông đã đón nhận, nuôi dưỡng người già yếu từ nhiều nơi đến sinh sống. Nhà Chùa cùng các tăng ni, phật tử luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Chùa Phúc Đông cũng luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương và nhân dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động nhân đạo, từ thiện của thôn, của xã và nhiều hoạt động an sinh xã hội cho cộng đồng, nhờ đó góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn xã.

Hi vọng rằng thời gian tới Phật giáo sẽ có thêm nhiều ngôi chùa xây dựng mô hình chăm sóc người già, người cô đơn, người có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ có nơi nương tựa về già cũng như khi có bệnh khổ. Đồng thời, có nơi tu học Phật pháp để sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng xã hội an lạc, hạnh phúc!

Vũ Liên

Trung bình (0 Bình chọn)