TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Nông dân huyện được tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa Xuân; Chủ động phòng trừ địch hại lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh; Hội Nông dân huyện giải ngân vốn Quỹ hỗ trợ nông dân làm kinh tế
Ngày đăng 09/04/2024 | 15:11  | Lượt xem: 150

Nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng lúa Xuân, UBND huyện Chương Mỹ đã và đang triển khai tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho nông dân huyện.

UBND huyện Chương Mỹ đã giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai các lớp tập huấn. Tính đến ngày 9/4, lớp tập huấn đã được triển khai tổ chức tại 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mỗi lớp có 100 hội viên nông dân tham dự. Tại các lớp tập huấn, bà con nông dân đã được cán bộ, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân như: Thời vụ, biện pháp ngâm ủ giống, làm mạ, gieo mạ; Kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm cũng như liều lượng sử dụng và những điều kiện cần và đủ để cây lúa sinh trưởng và phát triển đạt năng suất tối ưu. Ngoài ra, bà con nông dân còn được phổ biến về đặc điểm nhận dạng và quy luật phát sinh gây hại của một số loại sinh vật hại chính trên cây lúa, hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả các loại bệnh về lúa như: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, vàng lá do đốm sọc vi khuẩn….Biện pháp diệt chuột hại lúa; Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly; Được phổ biến một số loại thuốc bảo vệ thực vật đã được loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Thông qua phương pháp truyền giảng bằng máy chiếu với các hình ảnh sinh động từ thực tiễn, lớp tập huấn đã giúp hộ nông dân các xã bổ sung thêm kiến thức về các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Từ đó dễ dàng áp dụng vào sản xuất để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Xuân 2024 đạt năng suất, sản lượng cao.

Đông đảo hội viên nông dân đã được tập huấn kiến thức.

 

Nông dân chủ động phòng trừ địch hại lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay các trà lúa đang giai đoạn cuối đẻ nhánh. Bệnh đạo ôn đã và đang phát sinh gây hại lúa trên những giống nhiễm như TBR225, lúa thơm, lúa nếp,... đặc biệt chân ruộng cấy dày bón thừa đạm. Cùng với đó là chuột cắn phá hại lúa.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thăm đồng, dự thính dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Trong thời gian tới thời tiết ấm, ẩm độ cao, sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, phát triển gây hại mạnh. Để chủ động phòng trừ, bà con nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng: tập trung điều tra, phân loại các diện tích lúa nhiễm đạo ôn, những giống lúa nhiễm bệnh đạo ôn như TBR225, lúa nếp, lúa thơm, ...; Những ruộng bị đạo ôn gây hại ở năm trước; Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại hạn chế nguồn sâu bệnh hại. Bón phân cân đối, cần căn cứ vào màu sắc của lá để quyết định lượng phân bón đặc biệt là phân đạm; Tổ chức phun phòng trừ ở những diện tích có tỷ lệ bệnh đạo ôn > 10 % số lá bị hại hoặc có ≥ 1% lá đòng bị bệnh bằng một trong các loại thuốc đặc trị được phép lưu hành trên thị trường. Những diện tích bị đạo ôn gây hại nặng phải vơ sạch lá bị bệnh đem tiêu hủy. Sau đó tiến hành phun thuốc để trừ và ngăn chặn sự lây lan của bệnh (phun kép 02 lần cách nhau 3-5 ngày). Chú ý: Phun thuốc với nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Thu gom vỏ bao bì sau khi sử dụng để vào nơi quy định.

Chuột là loài địch hại với tất cả cây trồng và sức khỏe con người. Đối với lúa, chuột cắn phá ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây lúa nên bà con cần chủ động sử dụng các biện pháp phòng trừ một cách đồng loạt, đúng thời điểm, đúng phương pháp và áp dụng thường xuyên liên tục. 

Áp dụng biện pháp canh tác vệ sinh đồng ruộng, bà con cần phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của ổ chuột.

Áp dụng biện pháp sinh học như: nuôi mèo, chó và bảo vệ các loài thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo, chim cú lợn… Biện pháp hóa học có thể sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn.

Thực hiện Chương trình công tác Hội và phong trào năm 2024, mới đây, Hội Nông dân huyện tổ chức giải ngân 3,1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Thành phố quay vòng giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh theo các dự án kinh tế do Hội Nông dân làm chủ.

Có trên 60 hội viên nông dân của các xã: Thanh Bình, Trường Yên, Trần Phú, Hoàng Diệu, Đông Sơn được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi này. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các Hội Nông dân các xã, thị trấn để thực hiện giải ngân nguồn vốn trực tiếp tại cơ sở cho hội viên. Mỗi hội viên vay 50 triệu đồng trong thời gian 2 năm. Nguồn vốn được giải ngân gắn liền với các dự án trồng lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, chăn nuôi gà mía thả vườn…..

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện trao nguồn vốn đến từng hội viên

Nhận nguồn vốn ưu đãi cùng sự quan tâm của các cấp Hội Nông dân,  các hộ hội viên nông dân được tiếp thêm động lực để vượt khó và làm giàu.

Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý tổng dư nợ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 55,2 tỷ đồng, trong đó: Nguồn Thành phố là 48.590 triệu đồng cho 1.534 hộ vay; Nguồn huyện là 3.885 triệu đồng cho 149 hộ vay; Nguồn xã 2.778 triệu đồng cho 138 hộ vay phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Trong những năm qua, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thực sự trở thành đòn bẩy, là công cụ hữu hiệu để giúp người nông dân huyện vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc, hạnh phúc và nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ đó, Hội cũng đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hộ và tập thể hiệu quả. 3 tháng đầu năm 2024, Hội đã thành lập được 01 Hợp tác xã; 38 Tổ hợp tác với hàng trăm hội viên tham gia. Hội cũng có nhiều gương nông dân tiêu biểu với những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: hội viên nông dân Việt Nam xuất sắc Tạ Đình Huy ở xã Thượng Vực; Trịnh Thị Nguyệt ở xã Đồng Phú; Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Xuân Mai... Qua hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên, Tổ chức Hội Nông dân huyện không ngừng được củng cố vững mạnh, thu hút thêm nhiều hội viên mới tham gia sinh hoạt. Vị thế của Tổ chức Hội ngày một nâng cao, tiếp tục giữ vai trò làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh trên địa bàn huyện./.

 

Lan Oanh

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)