TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Chương Mỹ: 7 nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ngày đăng 21/03/2024 | 15:46  | Lượt xem: 161

Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lớn, là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Công tác lao động việc làm và đào tạo nghề luôn được huyện Chương Mỹ triển khai thực hiện hiệu quả. Trong năm 2023, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện năm 2023; Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn huyện Chương Mỹ năm 2023; Quyết định kiện toàn Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Chú trọng tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống cho người lao động, năm 2023, đã giải quyết việc làm 4.523/4.200 người (đạt 107,69% Kế hoạch). Hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ: 1026 lượt học sinh với số tiền trên 3.335 triệu đồng. Phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023; tổ chức đi thăm,tặng quà cho 09 người lao động và gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng với tổng số tiền là 13,5 triệu đồng; báo cáo tình hình thực hiện Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội”.

Tiếp tục quan tâm công tác lao động việc làm và đào tạo nghề nhất là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm 2024, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Kế hoạch số181-KH/TU ngày 05/10/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Qua đó, nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện trong tổ chức quán triệt, tiếp tục thực hiện công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, của huyện và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Trong đó, UBND huyện đề ra 3 mục tiêu cụ thể của 3 giai đoạn.

 

Chương Mỹ đào tạo nghề  cho lao động nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2025: Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của huyện; chất lượng đào tạo của một số trường ngày càng được nâng cao, trong đó tập trung phát triển một số nghề để tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực.

Một số chỉ tiêu chủ yếu: Đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 2.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,5%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ 39%. Phấn đấu thu hút 25% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Phấn đấu hàng năm đào tạo từ 1.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt từ 75-80%; 100% trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của huyện; 100% trường THCS, THPT có giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tầm nhìn đến năm 2045: Giáo dục nghề nghiệp của huyện phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 90-95%.

Cùng đó, huyện Chương Mỹ cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn huyện tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 181-KH/TU ngày 05/10/2023 của Thành uỷ Hà Nội và Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 16/1/2024 của UBND Thành phố đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân để thống nhất nhận thức giáo dục nghề nghiệp là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với giáo dục đại học hình thành cơ cấu hoàn chỉnh góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thống nhất hành động trong thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; việc tổ chức quán triệt cần gắn với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của huyện.

Đa dạng, linh hoạt các phương pháp, hình thức thực hiện; tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Thành phố; các chính sách hỗ trợ đặc thù của huyện về phát triển nguồn nhân lực, về giáo dục nghề nghiệp. Kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho lao động trên địa bàn huyện.

Xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm về công tác giáo dục nghề nghiệp; tổ chức và tham gia các chương trình, sự kiện nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người lao động có kỹ năng nghề và các tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học, phấn đấu tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học trình độ trung cấp, cao đẳng: Công tác phân luồng cần được triển khai thực hiện sớm từ cấp học THCS; tăng cường các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và phân luồng; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 04/12/2018 của UBND Thành phố về việc triển khai Đề án“Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của từng xã, thị trấn. Nghiên cứu và đề xuất các cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng học văn hóa có tham gia học nghề. Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu học sinh tốt nghiệp cấp THCS, THPT với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. 

Nâng cao năng lực của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, trong đó tập trung phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao.

Khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp:

Khuyến khích, tạo điều kiện để huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc phát triển đào tạo nghề dưới các hình thức như tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp; liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh, sinh viên được thực tập nghề trong thực tiễn sản xuất. Huy động doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo như: xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo; tham gia giảng dạy và đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động... Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc gắn kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặt hàng đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở công lập và ngoài công lập trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý, đặt hàng đào tạo...).

Đánh giá, lựa chọn các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm; tăng cường huy động và đảm bảo nguồn lực để đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Căn cứ tình hình đào tạo thực tế và xu hướng, nhu cầu đào tạo các nghề năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện đánh giá, lựa chọn các ngành, nghề mũi nhọn, ngành nghề trọng điểm để tập trung đầu tư, đào tạo lực lượng lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực để chủ động chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển của thị trường lao động.

Vận động, thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp thông qua các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm huy động từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người học để phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác về giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia nhà giáo, người học với cơ sở đào tạo ở các địa phương khác nhằm cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học...

Khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác với các cơ sở đào tạo trên toàn quốc trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi giáo viên, chuyên gia đào tạo; chuyển giao công nghệ và phương pháp giảng dạy.

Triển khai đào tạo nghề cho người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp.

Triển khai công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn huyện, gắn đào tạo với giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động; đa dạng hóa các hình thức đào tạo (chính quy, thường xuyên, đào tạo lại) cho người lao động trong doanh nghiệp, các làng nghề... với các chương trình đào tạo phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề tại chỗ để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thay đổi công nghệ./.

 

Thu Hiền

Trung bình (0 Bình chọn)