TIN HOẠT ĐỘNG ĐẢNG - ĐOÀN THỂ TIN HOẠT ĐỘNG ĐẢNG - ĐOÀN THỂ

Chương Mỹ dự Hội nghị trực tuyến của Thành ủy Hà Nội quán triệt, triển khai 2 nội dung “đặc biệt quan trọng” về tổ chức đại hội Đảng và sắp xếp cán bộ
Ngày đăng 13/05/2025 | 20:32  | Lượt xem: 31

Chiều 13/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 và Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.

 

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội kết nối đến 551 điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Thành ủy và phường, xã, thị trấn.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND Thành phố, Bí thư các Đảng ủy trực thuộc; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các quận, huyện, thị xã….

W_84d8dd123c3719b8dc46e155cbb41991.jpeg

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy, đoàn đại biểu huyện Chương Mỹ có các đồng chí thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng phòng Nội vụ huyện.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Chương Mỹ có các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Huyện ủy; Trưởng, phó các ban Đảng, Văn phòng Huyện ủy, Trung tâm Chính trị huyện; Phó Bí thư Đảng ủy quân sự huyện; Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Bí thư Đảng ủy, Bí thư các chi bộ cơ sở trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn.

Tại điểm cầu UBND các xã, thị trấn có các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ cơ sở trên địa bàn; các đồng chí trong Đảng ủy, thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UBMTTQ, cấp trưởng các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ công chức chuyên môn các xã, thị trấn.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Chương Mỹ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh các nội dung hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, về sắp xếp đơn vị hành chính, toàn thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy; triển khai nghiêm túc, chủ động, trong thời gian ngắn đã tổ chức sắp xếp không tổ chức cấp huyện, sắp xếp từ 526 xã, phường, thị trấn thành 126 xã, phường mới với sự đồng thuận, nhất trí rất cao cả về phương án sắp xếp và tên gọi; 100% đại biểu HĐND cấp huyện và HĐND thành phố tán thành phương án sắp xếp; hiện nay, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua làm căn cứ thực hiện.

W_53b496e77e71fb8765969979fb08b068.jpeg

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc. Ảnh: Viết Thành

Đây là nhiệm vụ rất hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cấp huyện, cấp xã; phải làm sao để vừa bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của trung ương, vừa bám sát thực tiễn Thủ đô, sắp xếp bộ máy đủ năng lực vận hành hệ thống chính trị cấp xã mới, bảo đảm gần dân, sát dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.

Quá trình thực hiện, Thành ủy đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo để mọi hoạt động của các cấp ủy, chính quyền các cơ quan không bị gián đoạn, nhất là những nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý đất đai, tăng cường quản lý tài sản, tài liệu, không để thất thoát tài sản, thất lạc tài liệu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đồng thời, phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cả thành phố từ 8% trở lên. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, nhiều thách thức, đòi hỏi tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả thành phố cùng thực hiện.

Thứ hai, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 9/5/2025 về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị ở tất cả các điểm cầu nghiên cứu thật kỹ văn bản để tham gia ý kiến hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2025-2030), bảo đảm bám sát chỉ đạo của Trung ương, nhất là Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu hoàn chỉnh để ban hành thực hiện ngay sau hội nghị.

Đối với Hướng dẫn số 09-HD/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đại biểu còn thắc mắc nêu ý kiến để được giải đáp nhằm thống nhất nhận thức để tổ chức thực hiện, bảo đảm không có độ trễ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc sắp xếp cán bộ theo Hướng dẫn số 09-HD/TU phải được thực hiện trên tinh thần cách mạng, không cầu toàn, "vừa chạy vừa xếp hàng". Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh yêu cầu mới từ Trung ương, Thành ủy sẽ chỉ đạo điều chỉnh.

Trình bày Kế hoạch tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải cho biết: Đại hội đảng bộ các cấp sẽ thực hiện 4 nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện Đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; Bầu Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.

Tại những đơn vị thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý, tổ chức đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới.

Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu: Báo cáo chính trị của đảng bộ và Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, dành thời gian hợp lý để tổ chức lấy ý kiến đóng góp, hiến kế của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các quy định có liên quan. Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp thành phố và cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5%…

Về quy trình nhân sự cấp ủy, thực hiện bầu cử trong đại hội theo Quy chế bầu cử trong Đảng.

Đại hội Đảng bộ thành phố không quá 550 đại biểu. Đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và tương đương không quá 300 đại biểu. Đại hội đảng bộ các xã, phường trực thuộc Đảng bộ thành phố sau khi hợp nhất, sáp nhập, không quá 250 đại biểu….

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nhấn mạnh, đại hội đảng bộ các cấp phải được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch và lộ trình cụ thể, tiến hành có chất lượng, trang trọng, tiết kiệm, đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả và những vấn đề phát sinh để kịp thời được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.

Truyền đạt Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 9-5-2025 của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải cho biết: Hướng dẫn nêu 3 quan điểm chỉ đạo, 3 mục tiêu, 6 nguyên tắc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường mới; các tiêu chuẩn lựa chọn, bố trí cán bộ xã, phường mới; hướng dẫn về độ tuổi; về chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương; cùng với đó là chi tiết các định hướng xem xét, lựa chọn, bố trí cán bộ xã, phường mới.

Đi kèm với Hướng dẫn 09 còn có 5 phụ lục và một số mẫu biểu cụ thể phục vụ việc lập đề án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Đáng chú ý, theo các biểu mẫu, cùng với đề án, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy phải đề xuất nhân sự cụ thể cho từng chức danh và sắp xếp, bố trí công tác đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đồng chí nhấn mạnh: Thành ủy Hà Nội xác định việc sắp xếp, bố trí phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với công tác cán bộ; lấy chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt bảo đảm cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp, gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 01/7/2025, bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị đã nêu nhiều ý kiến xung quanh việc triển khai Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII và Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 9-5-2025 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong thay mặt Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của cán bộ các cấp, đặc biệt là các đồng chí ở phường, xã, thị trấn vừa qua đã góp phần cùng thành phố hoàn thành các quy trình xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, bám sát chỉ đạo của Trung ương và những đặc trưng, đặc thù của thành phố và nhận được đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là tiền đề rất quan trọng để thành phố thực hiện các bước tiếp theo, đặc biệt là sắp xếp, bố trí cán bộ cho 126 xã, phường mới.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, có một nhận định chung từ các chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố cho rằng, chưa khi nào Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để thực hiện tốt vai trò Thủ đô như hiện nay. Định hướng phát triển đã có, cơ chế, chính sách có, vấn đề đặt ra hiện nay là tổ chức thực hiện.

Muốn tổ chức thực hiện hiệu quả thì cần có bộ máy phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu mới mà Trung ương đề ra, cụ thể là không tổ chức cấp huyện mà tổ chức cấp xã - đối với Hà Nội là 126 xã, phường. Do đó, việc tổ chức lại bộ máy và bố trí, sắp xếp cán bộ ở các xã, phường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đối với việc thực hiện Hướng dẫn số 09-HD/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý một số vấn đề quan trọng. Trong đó, đồng chí yêu cầu phải thống nhất quan điểm, đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức lại bộ máy và sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, mà đây là vấn đề căn cơ của việc phát triển thành phố hiện tại, cũng như trong tương lai.

Mục tiêu là xây dựng một bộ máy xã, phường gần dân, sát dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng quản trị hiện đại, chuyên nghiệp và ứng dụng rộng rãi khoa học, kỹ thuật. Vì tổng thể chung của thành phố hướng đến là xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại, kết nối toàn cầu, dẫn đầu cả nước về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về kinh tế, bộ mặt quốc gia, trung tâm lớn hội nhập quốc tế. Tất cả các xã, phường mới phải góp phần hình thành nên một Hà Nội như thế. Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí các xã, phường mới phải được đặt trong bối cảnh chung, tổng thể của cả thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, việc sắp xếp phải dứt khoát dựa trên cơ sở “vì việc, tìm người” và thông qua sản phẩm, kết quả cụ thể, được đánh giá bằng sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, bằng uy tín đối với nhân dân, đồng nghiệp. Đồng thời, xác định chất lượng là quan trọng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng.

Đề cập đến việc sắp xếp bộ máy sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong hệ thống chính trị thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, bên cạnh chế độ chính sách của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã chỉ đạo lập đề án về xây dựng các cơ chế, chính sách đối với các đối tượng bị tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trên nhiều nội dung, trong đó có chế độ, chính sách về nghỉ, tìm kiếm việc làm mới, đào tạo và đào tạo lại, bố trí công việc phù hợp và quy định cho phép.

“Việc này được thực hiện trên quan điểm của thành phố là không để ai không được quan tâm. Đây là trách nhiệm chung của thành phố, cũng như từng đơn vị quận, huyện, thị xã hiện tại cũng như 126 xã, phường sắp tới”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ, đồng thời mong muốn toàn thể đội ngũ cán bộ thành phố, bao gồm cả các đồng chí cán bộ không chuyên trách thấy rõ và đồng tình, chia sẻ, ủng hộ chủ trương của Trung ương và thành phố.

Về kế hoạch tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, hội nghị cơ bản thống nhất, không có ý kiến bổ sung; do đó, sau hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện.

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý một vấn đề quan trọng là việc xây dựng văn kiện đại hội của các xã, phường mới cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là: tư duy mới, cách tiếp cận mới, thực chất, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn. Hiện nay, các phường, xã đã có dữ liệu cần thiết để làm việc này, do đó, cần căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy, cũng như quy hoạch, định hướng phát triển để xác định rõ nội dung của văn kiện./.

Hoàng Tình

 

Trung bình (0 Bình chọn)