TIN HOẠT ĐỘNG XÃ, THỊ TRẤN TIN HOẠT ĐỘNG XÃ, THỊ TRẤN

Chương Mỹ: Khảo sát việc dạy và học lịch sử địa phương tại trường THCS Đồng Lạc, THCS Phụng Châu
Ngày đăng 28/11/2023 | 17:40  | Lượt xem: 503

Ngày 28/11, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã khảo sát việc dạy và học lịch sử địa phương tại trường THCS Đồng Lạc và Trường THCS Phụng Châu.

 

Làm việc tại trường THCS Đồng Lạc có đồng chí Đinh Thị Hương - Phó trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Thị Hạnh – Huyện ủy viên, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Trưởng đoàn khảo sát, cùng các đồng chí lãnh đạo chuyên viên Phòng khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Chính trị huyện, đồng chí Đặng Thị Phương Hạnh -  Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nghĩa. Cùng dự có đại diện lãnh đạo địa phương, Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng các tổ chuyên môn của nhà trường.

Một số hình ảnh tại buổi khảo sát tại trường THCS Đồng Lạc

Tại hội nghị, đồng chí Trần Tiến Vệ - Phó Hiệu trưởng, phụ trách trường đã báo cáo công tác dạy và học lịch sử địa phương của trường. Trường THCS Đồng Lạc hiện có 378 học sinh, ở 10 lớp, có 26 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, 84,6% có trình độ Đại học. Những năm qua, nhà trường luôn quan tâm tới công tác dạy, học lịch sử nói chung và dạy học lịch sử địa phương nói riêng. Nhận thức của giáo viên và học sinh đối với việc dạy, học lịch sử địa phương trong nhà trường được nâng lên.

Thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giảng dạy, nhà trường đã đa dạng hóa các  hình thức dạy học nội khóa theo hướng tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong dạy học lịch sử địa phương. Tổ chức cho học sinh được đi tham quan học tập tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc của địa phương, tham quan học tập tại ngoại khóa tại Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long…

Trong năm học 2022 – 2023, nhà trường có 1 học sinh được công nhận học sinh giỏi cấp huyện môn lịch sử, tỷ lệ học sinh giỏi, khá môn lịch sử khối 8,9 đạt 49,7%; tỷ lệ học sinh khối 6,7 đạt tốt, khá môn lịch sử đạt 73%.

Đoàn khảo sát đã dự giờ 1 tiết dạy học lịch sử địa phương tại lớp 9B, với bài Hà Nội từ năm 1919 đến năm 1945. Thầy giáo Nguyễn Đức Tòng đã giúp các em học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của bài học, lồng ghép các nội dung về lịch sử huyện Chương Mỹ từ khi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ngày 26/11/1938 đến 1945.

Đoàn khảo sát của huyện đã tham quan góc lịch sử địa phương tại thư viện của nhà trường. Qua đó cho thấy nhà trường đã rất quan tâm tới công tác thư viện, có nhiều sách, tư liệu quý về lịch sử địa phương.

Tại hội nghị, các đồng chí trong đoàn cũng đã trao đổi về việc tích hợp lịch sử địa phương vào các môn khác, việc đổi mới phương pháp dạy học..

Ý kiến phát biểu của đồng chí Phó trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Hương và đồng chí Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo Huyện ủy Lê Thị Hạnh đã ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tới công tác dạy học lịch sử địa phương; những nỗ lực, cố gắng, những kết quả trong việc dạy, học lịch sử địa phương tại trường THCS Đồng Lạc. Đồng chí mong rằng cấp ủy chính quyền quan tâm hơn nữa tới công tác giáo dục nói chung và giáo dục lịch sử địa phương nói riêng. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với nhà trường trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa về lịch sử địa phương cho học sinh. Giáo viên cần tích cực tìm hiểu, tìm tòi, ngoài các nội dung trong sách giáo khoa, trong các tài liệu giảng dạy phải tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin để có những nội dung phong phú trong công tác giảng dạy. Nhà trường cần có kế hoạch cụ thể về giảng dạy lịch sử địa phương, tổ chức thêm các buổi tham quan các địa chỉ đỏ trên địa bàn để góp phần dạy tốt, học tốt hơn nữa môn lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng trong nhà trường.

Tại trường THCS Phụng Châu, đồng chí Trần Ngọc Thông – Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy làm trưởng đoàn khảo sát. Cùng đi trong đoàn có lãnh đạo Trung tâm Chính trị huyện, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy,  đồng chí Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nghĩa. Cùng dự có đại diện lãnh đạo địa phương, Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên chuyên môn sử của nhà trường.

Một số hình ảnh tại buổi khảo sát tại tại trường THCS Phụng Châu.

Những năm qua, nhà trường luôn xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tích hợp dạy, học lịch sử địa phương với các môn khác, trong sinh hoạt chuyên môn, tổ xã hội đã thực hiện chuyên đề về dạy, học lịch sử địa phương, Ban giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn đã thực hiện dự giờ, góp ý, rút kinh nghiệm đối với các giờ dạy có nội dung liên quan đến giáo dục địa phương của giáo viên. Cùng đó, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giao lưu với nhân chứng lịch sử đã được thực hiện lồng ghép với giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện Chương Mỹ, lịch sử Đảng bộ xã Phụng Châu để giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cho học sinh. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động tham quan các di tích lịch sử Chùa Trầm, K9, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh…tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, thăm viếng, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, khu di tích lịch sử Chùa Trầm…

Nhà trường hiện có 73 cuốn tài liệu về lịch sử địa phương, cơ bản đủ tranh, bản đồ lịch sử theo quy định. Góc lịch sử địa phương tại thư viện của nhà trường có nhiều cuốn sách, tư liệu về lịch sử thành phố Hà Nội, của huyện Chương Mỹ, xã Phụng Châu…

Nhà trường đã thực hiện đổi mới cả về phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới về kiểm tra đánh giá nên công tác dạy, học nói chung và dạy học lịch sử, lịch sử địa phương nói riêng của nhà trường đã đạt nhiều kết quả. Riêng kết quả dạy học môn lịch sử nhà trường đạt cao với 41,2% học sinh đạt kết quả Giỏi, Tốt, 44% học sinh đạt khá…

Đoàn khảo sát của huyện đã dự giờ 1 tiết học lịch sử địa phương tại lớp 8A1, do cô Nguyễn Thị Thu Hường giảng dạy. Với sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên đã thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, các em học sinh đã thiết kế bài tập theo hồ sơ danh nhân lịch sử, qua những bài vè và qua tìm hiểu thực tế, các em học sinh đã nắm được những nội dung cơ bản của tiết học về các Danh nhân Văn hóa Hà Nội.

Đoàn của huyện cũng đã tham quan góc Góc lịch sử địa phương tại thư viện của nhà trường.

Tại hội nghị, các đồng chí trong đoàn khảo sát của huyện đã đánh giá cao kết quả công tác dạy, học lịch sử địa phương tại trường THCS Phụng Châu, đánh giá cao tiết đạy, học của cô Nguyễn Thị Thu Hường tại lớp 8A1.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn khảo sát của huyện đã ghi nhận sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền xã Phụng Châu, sự vào cuộc của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường đối với công tác dạy và học lịch sử địa phương. Nhờ đó mà việc dạy học lịch sử địa phương tại trường THCS Phụng Châu đã đạt được nhiều kết quả. Tiết học khảo sát rất hiệu quả, có sự chuẩn bị chu đáo, sôi động, học sinh hứng thú tham gia học tập.

Đồng chí trưởng đoàn mong rằng thời gian tới nhà trường tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng dạy học nói chung và dạy học lịch sử địa phương nói riêng. Đảng ủy, UBND xã tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị điều kiện để phát hành cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Phụng Châu và ưu tiên số lượng phát hành cho các trường học trên địa bàn để cán bộ giáo viên và các em học sinh được tiếp cận, nghiên cứu, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường; chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể thường xuyên phối hợp, giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục truyền thống, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Chi bộ nhà trường quan tâm chỉ đạo, có thêm nhiều  buổi sinh hoạt chuyên đề về việc dạy học lịch sử địa phương và tích hợp việc dạy học lịch sử địa phương vào các môn khác. Thời gian tới Phòng giáo dục đào tạo huyện nên chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để có sự chỉ đạo, thống nhất chung trong việc dạy học lịch sử địa phương trong các nhà trường trên địa bàn toàn huyện…

Hoàng Tình

 

Trung bình (0 Bình chọn)