TIN HOẠT ĐỘNG TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ
HNP - Ngày 15/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ký ban hành Quy định số 18-QĐ/TU về quản lý biên chế của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Quy định gồm 3 chương và 9 điều, gồm: Quy định chung; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác quản lý biên chế; tổ chức thực hiện. Trong đó, phạm vi điều chỉnh (Điều 1), quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội trong công tác quản lý biên chế.
Về nguyên tắc quản lý biên chế (Điều 2), Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo quản lý biên chế trong hệ thống chính trị Thành phố. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổng biên chế của hệ thống chính trị Thành phố được quyết định theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết.
Ban Thường vụ Thành ủy quyết định việc giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, cải cách chính sách tiền lương.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng biên chế. Chỉ thực hiện tăng chỉ tiêu biên chế khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức mới, bổ sung chức năng, nhiệm vụ.
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị Thành phố; quyết định giao biên chế cho các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; quyết định sử dụng biên chế dự phòng của Thành phố (bao gồm khối các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và khối các cơ quan nhà nước Thành phố). Đồng thời, giao trách nhiệm tham mưu về công tác quản lý biên chế cho các cơ quan, tổ chức gồm: Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố.
Cụ thể, Ban Tổ chức Thành ủy là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố, chịu trách nhiệm tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo về tổng biên chế, biên chế dự phòng, công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị Thành phố (trong đó gồm biên chế cán bộ, công chức cấp xã), trực tiếp quản lý biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố và các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy.
Ban Cán sự đảng UBND Thành phố trực tiếp quản lý biên chế các sở, ban, ngành và tương đương; cơ quan thuộc UBND, HĐND, các đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng phụ cấp từ ngân sách ở cơ sở…
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quy định số 10-QĐ/TU ngày 22/10/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về quản lý biên chế của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Minh Nguyệt/hanoi.gov.vn
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn