TIN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHUYỂN ĐỔI SỐ, ĐA 06 TIN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHUYỂN ĐỔI SỐ, ĐA 06

Chương Mỹ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn huyện năm 2025
Ngày đăng 20/05/2025 | 15:26  | Lượt xem: 29

Ngày 15/5, UBND huyện ban hành Công văn số 176/KH-UBND về thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn huyện năm 2025.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 06 chính là giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Theo lộ trình Đề án 06 và các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đến năm 2025 có 100% các dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân khi thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử, không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn số định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC...


Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội


Kế hoạch thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn huyện đặt ra mục tiêu chung, đó là: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính qua hình thức dịch vụ công trực tuyến. Hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước thay thế phương thức truyền thống, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh truyền thông đa nền tảng, tận dụng các kênh truyền thông hiện đại để mở rộng phạm vi tiếp cận, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Về mục tiêu cụ thể: Tăng cường việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước thuộc huyện. Đảm bảo đội ngũ công chức phụ trách khai thác dịch vụ công trực tuyến được đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ số và kỹ năng số. 100% các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, đăng tải tài liệu, video hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của đơn vị và trên các tài khoản mạng xã hội do cơ quan, đơn vị quản lý. Thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng số để hỗ trợ người dân. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn xác lập 01 kênh thông tin kết nối nhằm hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các ý kiến phản hồi của người dân về dịch vụ công trực tuyến được tiếp thu và công khai nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.
Về nội dung tuyên truyền: Thực hiện tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật liên quan; Vai trò, ý nghĩa và lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu; Đánh giá, phản hồi và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Thông điệp tuyên truyền chính là “Hành chính thông minh – Tận tâm phục vụ”. Thông điệp dành cho người dân là: “Dịch vụ công trực tuyến – Đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian; Đăng ký khai sinh trực tuyến – Nhanh chóng, dễ dàng, mọi lúc mọi nơi; Cùng Hà Nội bước vào kỷ nguyên mới với dịch vụ công trực tuyến”; dành cho doanh nghiệp là: “Nộp thuế điện tử – Tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Kết nối dữ liệu trực tuyến – Đồng hành phát triển doanh nghiệp”; dành cho cán bộ công chức, viên chức là: “Dịch vụ công trực tuyến: Giải pháp tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng phục vụ”.
Các thông điệp này được thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông số và mạng xã hội, trực tiếp tại cơ sở, qua hệ thống giáo dục và tổ chức đoàn thể bằng các kênh: báo chí, truyền hình, phát thanh; Cổng Thông tin điện tử và website chính thức; Mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube, TikTok); Ứng dụng số và nền tảng trực tuyến; Tổ chức chính trị – xã hội và truyền thông cộng đồng; Truyền thông trực tiếp tại cơ sở và thông qua các sản phẩm truyền thông như: Sản phẩm truyền thông trên nền tảng số; trên báo chí, truyền hình, phát thanh; sản phẩm trực quan, in ấn…
Từ tháng 5 đến tháng 10/2025 sẽ mở rộng tiếp cận thông tin, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu lợi ích và cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng niềm tin, khuyến khích thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đưa dịch vụ đến gần hơn với mọi người bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng; trang bị kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ sử dụng; tăng số lượng người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục trực tuyến; tăng tỷ lệ hồ sơ được xử lý trên môi trường điện tử.
Từ tháng 11 - tháng 12/2025 đánh giá hiệu quả truyền thông, duy trì thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến (đánh giá chính xác mức độ hiệu quả của kế hoạch truyền thông, đề xuất giải pháp cải thiện dịch vụ công trực tuyến cho năm tiếp theo).
UBND huyện yêu cầu Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong tuyên truyền; tiếp nhận và xử lý phản hồi từ người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến và công tác truyền thông; huy động nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức nhằm xã hội hóa công tác tuyên truyền. Tổ chức các buổi hướng dẫn trực tiếp, tập huấn cho cán bộ cấp xã về hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tham mưu chỉ đạo UBND cấp xã: Chỉ đạo các Tổ chuyển đổi số cộng đồng trực tiếp tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến.
Các phòng, ban, ngành huyện: Phối hợp với Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện xây dựng nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp với lĩnh vực quản lý. Cung cấp thông tin chi tiết về các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, bao gồm quy trình, thủ tục, biểu mẫu, hướng dẫn sử dụng.
UBND các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến tại địa phương đảm bảo tiếp cận mọi nhóm đối tượng. Bố trí địa điểm, nhân lực hỗ trợ tại các Bộ phận Một cửa để hướng dẫn người dân. Chỉ đạo các Tổ chuyển đổi số cộng đồng trực tiếp tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân.
Truyền thông phải dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với mọi nhóm đối tượng; nội dung hướng dẫn cần đơn giản hóa, trình bày trực quan, dễ thực hiện. Hoạt động tuyên truyền phải đảm bảo thực chất, tránh hình thức; hướng tới mục tiêu gia tăng số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay vì dừng lại ở việc phổ biến thông tin. Xây dựng các chỉ số đánh giá cụ thể; phân nhóm đối tượng để có phương thức tiếp cận phù hợp. Ngoài ra, huy động sự tham gia của nhiều bên, không dừng lại trong khu vực cơ quan nhà nước mà cả tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp; truyền thông cũng cần đồng hành trong việc phổ biến và hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến. Mọi hướng dẫn, quy trình phải rõ ràng, dễ truy cập; phản hồi của người dân, doanh nghiệp phải được tiếp nhận và xử lý minh bạch, công khai. 


Vũ Liên

Trung bình (0 Bình chọn)