TIN AN NINH - QUỐC PHÒNG TIN AN NINH - QUỐC PHÒNG

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm
Ngày đăng 17/09/2024 | 10:13  | Lượt xem: 65

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 điều tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, gồm: Vũ khí; vũ khí quân dụng; súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vật liệu nổ; vật liệu nổ quân dụng; vật liệu nổ công nghiệp; vật liệu nổ công nghiệp mới; tiền chất thuốc nổ; công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh doanh.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi, bổ sung năm 2019

Trước đó, ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018; ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020. Việc Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Khi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được ban hành và có hiệu lực, UBND các cấp, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Bộ Công an đã trang bị cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý 3.000.601 vũ khí, công cụ hỗ trợ; cấp 1.725.530 giấy phép sử dụng, 1.275.071 giấy xác nhận đăng ký; tổ chức tập huấn, huấn luyện, cấp 605.120 giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công an ở nhiều địa phương trong cả nước tổ chức chương trình “Đổi vũ khí lấy lương thực” mang lại hiệu quả tích cực trong công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Kết quả, trong 5 năm thi hành Luật, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại, 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 432.390 viên đạn, 3.726.871kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 98,895 vũ khí thô sơ, 6.801 linh kiện lắp ráp vũ khí. Phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công an xã tiếp nhận súng tự chế và đạn do người dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ giao nộp

Riêng đối với huyện Chương Mỹ, từ năm 2020 đến nay đã tiếp nhận và bàn giao 22 súng tự chế, 21 viên đạn các loại, 3 quả lựu đạn, 1 dao bầu và 1 kiếm do nhân dân giao nộp; kiểm tra, phát hiện 4 trường hợp “Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép”, xử phạt vi phạm hành chính 9 triệu đồng. Kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp có hành vi “Sử dụng trái phép súng hơi”; xử lý 2 trường hợp có hành vi đốt pháo không đúng quy định; tổ chức ký 102 bản cam kết, phát 2000 bộ tài liệu tuyên truyền về Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháp cho các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức 114 lượt tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về pháo nổ, 64 lượt sinh  hoạt phổ biến tuyên truyền về Luật cho các Tổ dân phố, cụm dân cư…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thực tế trong thời gian qua đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể: Khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiến chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Căn cước công dân; các quyết định phê duyệt, hồ sơ, giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động... Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành.

Hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước cho, tặng, viện trợ vũ khi (súng cầm tay, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ), công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước để nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho tặng, viện trợ.

Theo quy định tại các điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 05 năm, sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi; một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay...) được cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy: các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ không có sự thay đổi về nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu; hằng năm cơ quan quản lý, cấp phép đã tiến hành kiểm tra, trong khi đó việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí; bên cạnh đó, giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là giấy phép cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các điều 37, 38, 39, 40, 42, 43 và 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn.

Việc sửa đổi, xây dựng Luật Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.

 

Vũ Liên

Trung bình (0 Bình chọn)