GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân: “Uốn” những sợi mây, thanh tre thành sản phẩm tinh xảo
Ngày đăng 29/05/2024 | 14:27  | Lượt xem: 234

Đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh xã Phú Nghĩa, thật dễ khi hỏi đường về thăm cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh. Cơ sở nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan có hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật cực kỳ tinh xảo.

Nơi đây, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo do chính tay nghệ nhân chế tác. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân sinh năm 1981 vừa giới thiệu về làng, vừa cho chúng tôi xem các mẫu sản phẩm mới. Với những nghệ nhân tâm huyết nơi đây, mỗi một mẫu sản phẩm là một đứa con tinh thần của họ. Trong khu trưng bày của gia đình chị Hân, chúng tôi nhận thấy những sản phẩm được chế tác rất tinh xảo, đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Chị Hân giới thiệu sản phẩm với đoàn công tác của Hội LHPN thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ về thăm cơ sở sản xuất mây tre đan.

Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hân mới thấy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Chị Hân khoe, gia đình chị là một trong số những gia đình làm nghề lâu đời nhất ở Phú Vinh, trên 300 năm. Cả hai vợ chồng nối dõi nghề cha ông và đều là nghệ nhân ưu tú. Chỉ sau 8 năm theo nghề, người thợ Nguyễn Thị Hân được tặng danh hiệu Nghệ nhân mây tre đan và là một trong những nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhất ở làng Phú Vinh nhận được danh hiệu này. Bởi lẽ tuổi trẻ, sự ham học hỏi và sáng tạo đã giúp chị có được bước đi nhanh chóng, “uốn” những sợi mây, thanh tre vốn cứng cáp, chắc chắn thành sản phẩm trang sức, phụ kiện thời trang đẹp mắt và mềm mại. Các món đồ trang sức, sản phẩm thời trang làm đẹp cho phụ nữ tuy giản dị nhưng thật mới lạ như túi xách, vòng tay, khuyên tai, nhẫn,… xuất hiện những năm gần đây, do nghệ nhân Nguyễn Thị Hân là người đầu tiên ở Phú Vinh làm ra, sản phẩm độc đáo này được xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chị kể, trong một lần sang Bát Tràng chơi, thấy say mê những sản phẩm gốm Bát Tràng vì vẻ đẹp tinh xảo trên từng chi tiết, đường nét. Chị đã lên ý tưởng làm một bình gốm được chế tác gồm hai phần: Phần trên tráng lớp men màu nâu pha vàng, phần dưới để nguyên lớp đất nung và chìm vào trong. Đây sẽ là nơi mây và gốm hội tụ, tùy theo kiểu dáng của bình mà chế tác.

Chấp nhận không ít thất bại, phải bỏ đi một số mẫu mã không bảo đảm chất lượng, cuối cùng, họ gặt hái được trái ngọt khi “kết duyên” thành công giữa mây và gốm. Những chiếc bình gốm được đan mây bên ngoài trang trí mang lại vẻ đẹp mới, hội tụ tinh hoa của nghề truyền thống, được người tiêu dùng và các chuyên gia đánh giá cao, dành Huy chương Vàng tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Điều đặc biệt hơn đây là bộ sản phẩm đầu tiên chị Hân mang đi dự thi và dành được giải thưởng cao nhất. Tại gian hàng trưng bày của cơ sở mình luôn được mọi người chú ý đến với sản phẩm độc và lạ mắt lần đầu tiên xuất hiện. Không chỉ có các cơ sở trong nước mà ngay cả các cơ sở hàng mỹ nghệ nước ngoài cũng chú ý đến sản phẩm gốm quấn mây của chị. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị, khiến chị say mê hơn với nghề và mạnh dạn hơn với những sáng tạo.… Những mẫu sáng tạo đem lại cho chị nhiều giải thưởng khác nhau và đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.

Những sản phẩm tại cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh.

Nhờ sự sáng tạo đó, có lúc gia đình chị đã nhận được đơn đặt hàng 4 container sản phẩm gốm quấn mây xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hai vợ chồng cùng với các thợ thủ công trong cơ sở đã phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng đúng thời gian. Chỉ mới đây thôi, hơn 5.000 sản phẩm mũ "Chiến sỹ Điện Biên" do cơ sở Hân Hạnh sản xuất đã được chọn làm quà tặng chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương ở mọi lứa tuổi.

Đáng quý, không chỉ giữ được nghề truyền thống, anh chị Hân - Hạnh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương ở mọi lứa tuổi; tạo việc làm cho 1.000 người làm vệ tinh ở khắp các vùng miền, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Luôn nắm bắt nhu cầu thị trường để đầu tư công sức, sáng tạo ra sản phẩm mới, nữ nghệ nhân vẫn nhiều trăn trở với sự phát triển của làng nghề. Bởi để mỗi làng nghề được phát triển, chỉ phụ thuộc vào đôi bàn tay nghệ nhân thôi là chưa đủ. “Tôi mong muốn nghĩ tới làng nghề, là người ta nghĩ ngay tới một điểm hẹn, một nơi du lịch trải nghiệm. Ngày nay, điều đó không phải hữu xạ tự nhiên hương mà có. Hy vọng rằng, qua những chương trình tôn vinh làng nghề, tôn vinh nghệ nhân, sẽ có thêm nhiều sự chung tay vào cuộc giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để đưa làng nghề lên một tầm cao mới, nơi mà mỗi nghệ nhân, mỗi người dân là 1 hướng dẫn viên du lịch, có như vậy làng nghề mới có thể cất cánh bay xa”- chị Hân chia sẻ.

Với những nỗ lực và cố gắng, năm 2023, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội vinh danh trong Chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân tiêu biểu làng nghề Hà Nội và quảng bá giới thiệu làng nghề của Thủ đô”.

                                                              Thanh Vân

 

Trung bình (0 Bình chọn)