GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Luôn giữ trọn lời thề với Đảng
Ngày đăng 16/07/2024 | 18:00  | Lượt xem: 143

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khoảnh khắc thiêng liêng khi đứng dưới cờ Đảng, giơ tay tuyên thệ theo Đảng đến hơi thở cuối cùng, nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng vẫn được ông Nguyễn Ý Chí nhớ mãi. Dù ở bất cứ cương vị nào ông vẫn luôn giữ trọn lời thề với Đảng. 76 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, ông vẫn nhiệt tình sinh hoạt chi bộ để nắm bắt những chủ trương mới của Đảng, tiếp thu những định hướng ở địa phương và hơn thế nữa là đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển chung của quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Hòa Xá, xã Đồng Phú, khi vừa tròn 18 tuổi người thanh niên Nguyễn Ý Chí khi ấy đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Ngót 25 năm trong quân ngũ, ông đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Ông từng tham gia từ chiến trường Quảng Trị, đến chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của ông cũng sang hỗ trợ nước bạn Lào, Campuchia, rồi tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên… Chính vì thế ông thấu hiểu cái giá của độc lập, tự do của hòa bình, thống nhất.

Các đồng chí lãnh đạo xã thăm, tặng quà đồng chí Nguyễn Ý Chí

Tự hào về một thời oanh liệt.

Ông xúc động kể lại những kỷ niệm về một thời gian khổ mà hào hùng, gian nan mà oanh liệt. Ông còn nhớ mãi ngày ông nhập ngũ là 29/4/1966 và được phân công vào đơn vị pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận đánh đầu tiên của đơn vị ông là ở chiến trường Quảng Trị. Những trận đánh bên bờ sông Thạch Hãn, ở Dốc Miếu, Đông Hà… những ký ức hào hùng trong khoảng thời gian suốt 81 ngày đêm bảo vệ, chi viện cho thành cổ Quảng Trị dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông.

Kỷ niệm đau xót nhất bên ngoài thành cổ Quảng Trị là lần đồng đội của ông dẫm phải mìn và đã hy sinh, còn ông may mắn chỉ bị 1 mảnh mìn găm vào chân. Do sức công phá của mìn, lúc đó ông bị cháy và rách gần như hết quần áo, "tóc cháy quăn, mà may không chết". Ông tự nhận mình cao số vì ông bị dị ứng với thuốc kháng sinh nên không dùng được nhưng đã may mắn đã thoát chết. Cho đến tận bây giờ ông vẫn rất ngại mỗi khi ốm đau, bệnh tật bởi ông không dùng được kháng sinh. Giờ đây, chân bên trái của ông do bị thương nên nhỏ hơn bên kia chừng 3cm, đi lại vẫn rất khó khăn.

Ông Nguyễn Ý Chí kể về những kỷ niệm thời chiến tranh.

Giọng nói sang sảng ông kể tiếp về những năm tháng đơn vị ông đi dọc theo chiều dài đất nước, tham gia giải phóng thành phố Huế, tiến vào Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết… Những câu chuyện như dài mãi, ông tiếp tục kể về cuộc chiến ở Long Bình, vượt sông Cát Lái, tiến công vào Sài Gòn. Lúc ý là chính trị viên đại đội, ông được trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi giải phóng miền Nam, đơn vị ông lại tiếp tục hành quân sang giúp đỡ cách mạng nước bạn Lào rồi giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng Ponpot. Ngay sau đó, năm 1979 đơn vị ông lại có mặt ở Biên giới phía Bắc, tham gia chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên.

Khi đất nước sạch bóng quân thù, đơn vị ông đóng quân tại Hà Bắc, khi ấy ông Nguyễn Ý Chí giữ nhiều cương vị khác nhau như: Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Bí thư đoàn Trung đoàn; Trợ lý kiểm tra Đảng, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy sư đoàn 325.

Tiếp tục cống hiến cho quê hương.

Tháng 5/1990, ông Nguyễn Ý Chí xuất ngũ được nghỉ hưu trở về địa phương, nhưng ông vẫn luôn tâm niệm phải làm gì để có những đóng góp thiết thực cho xây dựng quê hương. Là một quân nhân, mang trên mình thương tật do chiến tranh để lại nhưng ông không nề hà bất cứ việc gì mà Đảng giao, dân tín nhiệm. Năm 1991, ông là một trong những người đầu tiên đứng ra vận động thành lập Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi ở thôn, ở xã và được bầu là Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Phú.

Ông Nguyễn Ý Chí luôn có những đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương.

Tiếp đó ông có 15 năm với 4 khóa tham gia công tác Đảng tại xã trong đó có 2 khóa làm tổ chức Đảng và 2 khóa làm Bí thư Đảng ủy. Trước khi nghỉ hưu lần thứ 2 ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Phú.

Với những câu chuyện chân thực và xúc động trong 25 năm trong quân ngũ tham gia nhiều trận đánh, ở nhiều chiến trường, ông Chí  đã trở thành một “pho lịch sử sống”, những câu chuyện thời mưa bom bão đạn mà “gan không núng, chí không mòn” của ông và đồng đội luôn là những bài học về ý chí kiên cường, về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, những câu chuyên xúc động về tình đồng chí, nghĩa đồng bào đã trở thành những bài học giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Với những kinh nghiệm trong hơn 15 năm tham gia công tác tại địa phương, ông Nguyễn Ý Chí luôn là địa chỉ để các thế hệ lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã sau này tìm đến để tham vấn, học hỏi.

Đợt 19/5/2023 ông Nguyễn Ý Chí được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Sau khi “nghỉ hưu lần thứ 2”, ông Nguyễn Ý Chí lại có dịp thỏa niềm đam mê văn hóa, văn nghệ ở thôn xóm. Không chỉ tham gia trong câu lạc bộ chèo của thôn Hòa Xá, ông Chí còn là người có thể sáng tác các bài hát chèo, quan họ hay cả cải lương, ông cũng rất tích cực tham gia CLB thơ của Hội NCT xã.

Ông cho biết: Làng Hòa Xá là một làng cổ với hơn 100 năm có nghệ thuật chèo nên từ nhỏ ông thuộc rất nhiều làn điệu chèo. Rất yêu văn hóa văn nghệ từ thời thanh niên, nên mỗi khi hành quân đến một vùng đất mới ngoài những lúc chiến tranh ác liệt ông lại dành quãng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để tìm hiểu về những làn điệu đặc trưng của nơi đó. Nếu như những năm tháng ở chiến trường Miền Nam ông nghiện cải lương như người dân Nam Bộ, thì những năm ở Hà Bắc ông lại thuộc rất nhiều bài quan họ. Chính vì thế, ông đã phát hiện ra 1 năng khiếu nữa của mình là có thể viết được các bài hát chèo, thạm chí là cải lương, ca cổ hay quan họ. Ông còn là một thành viên tích cực trong Câu lạc bộ chèo của thôn.

Bài hát chèo về xã mới Hồng Phú sau khi sắp xếp địa giới hành chính xã đã được ông sáng tác và CLB của thôn đang tập luyện để sẵn sàng chào mừng sự kiện đánh dâu bước chuyển mình của quê hương.

Ông Nguyễn Ý Chí tâm sự: trải qua gần 25 năm công tác trong quân đội, 15 năm công tác tại địa phương và 19 năm nghỉ hưu tại quê nhà nhưng lúc nào ông cũng tâm niệm rằng: Được sự tín nhiệm của Đảng của dân thì phải luôn cố gắng, luôn gương mẫu đi đầu. Vừa làm, vừa học, được nhân dân giúp đỡ yêu mến là điều hạnh phúc nhất. Còn sức khỏe là còn tham gia các hoạt động của thôn, của xã. Ông chưa bao giờ quên lời thề khi vào Đảng là nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng./.

Hoàng Tình

Trung bình (0 Bình chọn)