GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Gặp gỡ ông Nguyễn Quang Bích với bức ảnh đẹp nhất thời chiến
Ngày đăng 23/04/2024 | 10:32  | Lượt xem: 157

Một ngày cuối tháng tư lịch sử chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Quang Bích ở Tổ dân phố Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn. Ông chính là nhân vật chính trong bức ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với nụ cười rạng rỡ trên đường hành quân vẫy tay chào đồng bào, đồng chí. Bức ảnh này nhiều năm qua là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Thế nhưng, ít ai biết rằng, phải sau 38 năm, anh bộ đội Cụ Hồ ấy mới được tận mắt thấy được tấm ảnh của mình.

 

Ông Nguyễn Quang Bích và đơn vị hành quân - Ảnh tư liệu

 

Trong căn nhà nhỏ, gọn gàng của gia đình ông Nguyễn Quang Bích, chúng tôi được ông kể cho nghe về thời gian tham gia quân ngũ, về những kỷ niệm của một thời oanh liệt, hào hùng. Mỗi câu chuyện đều gợi lại trong ông nhiều cảm xúc rưng rưng mà đầy tự hào.

Ông cho biết: sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, lớn lên trong thời gian đất nước có chiến tranh, rồi máy bay Mỹ tàn phá quê hương. Vì thế, ông mong muốn mình có cơ hội góp một phần xương máu cho Tổ quốc. Năm 1972, khi ông đang học Trường sư phạm 12+2 của tỉnh Hà Tây và chỉ còn một tháng nữa là tốt nghiệp thì tình hình chiến sự từ khu vực vĩ tuyến 17 trở vào căng thẳng. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông cùng một số nam sinh viên trong lớp làm đơn tình nguyện nhập ngũ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Vợ của ông Bích cho biết thêm: Gia đình ông ngày đó đã có 2 anh trai đều đã tham gia quân đội, anh thứ hai đã anh dũng hy sinh trong chiến trường, nhưng ông vẫn quyết tâm tình nguyện nhập ngũ bảo vệ quê hương. Chính vì thế mà bà càng thêm ngưỡng mộ và yêu mến người thanh niên ấy.

Sau khi nhập ngũ, ông cùng các tân binh được huấn luyện một tháng rồi tiếp tục được đưa đi đào tạo hạ sỹ quan. Khi ông học hạ sỹ quan gần xong thì có báo động chiến đấu. Trung Đoàn 12 (E12 Hà Tây), đơn vị của ông được lệnh vào thành cổ Quảng Trị (tháng 11/1972).

Trên đường hành quân, cả đơn vị hát vang những bài ca hào hùng. Hai bên đường, rất đông đồng bào, người thân vẫy chào các chiến sỹ. Khoảnh khắc ông cùng đồng đội cười và vẫy chào đáp lại tình cảm của đồng bào đã vô tình lọt vào ống kính của phóng viên và đó là một khoảnh khắc rất đẹp, là chứng tích của một thời hào hùng của dân tộc mà những người lính ngày đó như ông sẽ còn nhớ mãi.

Ông Bích tự hào với tấm ảnh đẹp nhất của mình thời chiến

 

Sau đó, ông vào chiến trường miền Nam, đóng quân ở Tây Ninh, chiến đấu cho đến khi đất nước thống nhất. Ông còn nhớ như in ngày 30/4/1975, khi ông cùng đồng đội đang ở căn cứ địa rừng Tây Ninh thì nghe tin thắng trận. Niềm vui vỡ òa chen lẫn bao cảm xúc khó tả khiến ông và đồng đội không cầm được nước mắt.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông trở về một mối, năm 1976, ông phục viên và chuyển về công tác sang ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, ông cũng không biết mình có một bức ảnh rất đẹp, được đăng báo và là tư liệu lưu trữ của nhiều cơ quan, đơn vị.

Cho đến năm 2010, nhân dịp Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đài truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu triển lãm những bức ảnh đẹp nhất của đất nước, con người thủ đô. Trong khi xem tivi,  bà Ngọc nhìn thấy hình như có bức ảnh của ông khi hành quân được đưa vào triển lãm ảnh. Nghe vậy, ông ngạc nhiên, bởi lâu nay không biết mình có ảnh, lại còn được đưa vào triển lãm. Ông chờ tivi phát lại chương trình, xem thì thấy đúng là hình ảnh của mình trong đợt hành quân. Khi ấy, ông mới gọi cho con cháu đang làm ngoài Hà Nội để hỏi về triển lãm ảnh.

Sáng hôm sau, vợ chồng ông bắt xe ra Hà Nội đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xem triển lãm ảnh. Hai ông bà còn chia nhau mỗi người đi 1 phía để nhanh tìm thấy bức ảnh quý của mình. Rồi bồi hồi, xúc động, như mình được trở về những năm tuổi 20 khi nhìn thấy bức ảnh được trưng bày ngay ngắn, trang trọng tại triển  lãm.

Nhiều người dân đi xem triển lãm khi biết nhân vật anh bộ đội Cụ Hồ trong bức ảnh ấy là ông đã xúm vào hỏi thăm, trò chuyện. Sau những câu chuyện ấy, ông còn xúc động hơn khi có người đã xin địa chỉ và gửi về tận nhà tặng ông bản sao của bức ảnh và những bức ảnh tại buổi triển lãm. Vợ chồng ông cũng hỏi bộ phận lễ tân về tác giả bức ảnh, nhưng sau được biết tác giả đã qua đời. Khiến ông bà càng thêm rưng rưng, xúc động.

Chia sẻ về lý do tại sao lại nhận biết được ảnh của chồng trên truyền hình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tấm ảnh của ông được chụp cuối năm 1972, thời điểm đó hai người đang yêu nhau. Tết năm 1973, bà đã thấy bức hình của ông trưng bày ở vườn hoa Hà Đông, sau đó đăng trên báo Hà Tây số Tết Dương lịch 1973. Dù vậy, từ sau đợt đó kể cả đến khi cưới nhau, bà cũng quên bức hình chụp của chồng cho đến khi Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Ông Bích trong cuộc sống thường ngày

 

Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, dù chuyển ngành nhưng ông Bích vẫn giữ nguyên những phẩm chất tốt đẹp ấy. Ông luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào thi đua. Trải qua nhiều đơn vị công tác, trước khi nghỉ hưu ông là giáo viên Trường THCS Tiên Phương.

Trong công việc, bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông không ngừng tự học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn. Trong quá trình công tác ông luôn tâm huyết với nghề, truyền lửa cho các thế hệ học trò, được đồng nghiệp và các thế hệ học sinh tin yêu, kính trọng. Đến nay, lớp lớp học trò của ông đã trưởng thành, nhiều người giữ các vị trí cao trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp.

Trong đời sống sinh hoạt tại khu dân cư, gia đình ông luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình tuân thủ pháp luật, đóng góp xây dựng các phong trào do địa phương phát động. Noi gương bố mẹ, các con ông đã nỗ lực học tập và thành đạt trong cuộc sống.

Trong cuộc trò chuyện ông tự hào kể: dịp kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, ông cũng chính thức tròn 45 năm tuổi Đảng. Càng tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc ông càng tự hứa quyết tâm sẽ mãi gìn giữ và phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ để cùng con, cháu, chắt và gia đình góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

 

Hoàng Tình

Trung bình (0 Bình chọn)