Lễ hội truyền thống làng Tràng An, thị trấn Chúc Sơn
Ngày đăng 23/04/2024 | 16:13  | Lượt xem: 216

Đình Tràng An thờ các vị thần Bạch Hạc, Cần Tuy, Ngọc Trì, Tá Bộ làm thành hoàng làng. Tứ vị đại vương thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm vào thời Hùng vương thứ 18. Trong đời sống tinh thần của người dân thì các vị thành hoàng có vị trí đặc biệt quan trọng.

Lễ hội truyền thống làng Tràng An được mở vào các ngày từ 13 đến 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó chính hội là ngày rằm tháng Giêng. Đây là lễ hội làng của cư dân nông nghiệp lúa nước có gắn bó chặt chẽ với không gian thiêng (đình - miếu làng) nơi diễn ra lễ hội. Theo lệ làng để chuẩn bị mở hội đám từ trước đó một số ngày làng đã họp để thành lập ban tổ chức lễ hội năm mới gồm các tiểu ban: Khánh tiết, văn hoá, trang trí, bảo vệ an ninh, hàng đô, hậu cần, tiếp tân... Ban tổ chức có nhiệm vụ phân công cho các giai đinh trong làng chuẩn bị lễ vật và tham gia các vị trí phục vụ cho lễ hội của làng. Ngày 12 tháng Giêng tất cả mọi người trong làng đều tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, sân đình, cắm cờ, hoa, làm cây nêu. Ngày 13 tháng Giêng cụ từ lo việc vệ sinh trong nội tự đình làng, làm lễ mộc dục long ngai bài bị cùng bao sái các đồ thờ tự của thánh. Năm nào mở hội lớn thì làm lễ phong triều y cho các vị thần và chồng kiệu rước. Nước dùng trong lễ mộc dục được lấy ở giếng thơi có pha với ngũ vị, khăn được ban khánh tiết mua mới, sau lễ này số khăn được dùng để lau các đồ thờ tự trong đình.

Một số hình ảnh Lễ hội truyền thống làng Tràng An

 

Ngày 14 và 15 tháng Giêng các quan viên, dân làng làm lễ tế nhập tịch, chính tịch. Ngày 16 tháng Giêng làng làm lễ tế giã. Tham gia tế là các cụ cao tuổi, có uy tín trong làng, có sức khoẻ tốt. Chủ tế chọn người gia đình song toàn, kinh tế ổn định, được đa số dân làng yêu mến, nếu có tước vị, phẩm hàm càng tốt. Tả văn, đọc chúc là người nắm được lịch sử công trạng của các vị thần, am hiểu phong tục tập quán của quê hương. Ban tế thường chọn 16 người trong đó có: một chủ tế, hai quan viên tế, một dâng chúc, một đọc chúc, một đông xướng, một tây xướng, sáu chấp sự, ba bồi tế, ngoài ra có 2 phụ tế. Ban tế mặc trang phục quần trắng, tất trắng, áo thụng xanh, đội mũ cánh chuồn, riêng chủ tế có đi hia thêu. Mỗi buổi tế kéo dài khoảng 3h qua 9 tuần tế. Tế xong, dân làng theo tứ tự vào đình lễ thần. Lễ vật dâng lên các vị thành hoàng làng trong các ngày hội thường là oản nếp và chè kho do các gia đình trong làng cắt lượt đảm nhiệm.

Ngoài ra, trong ngày chính Hội có tổ chức thi nuôi lợn giỏi. Mỗi gia đình tham gia phải nuôi một con gọi là “cậu lợn” và được cấy 1 sào ruộng công. Đến ngày hội các gia đình nhốt lợn vào cũi khênh ra sân đình dự thi, người nào nuôi được lợn to nhất, béo nhất sẽ trúng giải. Sau khi chấm giải, lợn sẽ được giao cho giáp ngũ trong làng thịt để làm cỗ dâng lễ.

Các ngày lễ hội, làng còn tổ chức các trò diễn dân gian như: vật, chọi gà, cờ bỏi, tổ tôm, đu quay… để biểu dương tinh thần thượng võ và rèn luyện sức khoẻ cũng như thi tài khéo léo. Buổi tối có các đoàn chèo cổ, tuồng cổ, ca trù biểu diễn phục vụ dân làng. Những năm phong đăng hoà cốc làng tổ chức rước kiệu thần giao hữu với hai làng anh cả Yên Thành và Yên Phúc.

Ngoài các ngày hội làng, trong một năm còn có lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của các vị thượng đẳng thần vào các ngày 1/7, 1/10, 20/5 và 05/10. Vào những ngày này làng sắm lễ bằng hương hoa oản quả, các cụ trong ban khánh tiết và hương lão kỳ mục làm lễ đơn giản.

Lễ hội là dịp để bà con nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng có công đánh giặc giữ nước; giáo duc thế hệ hôm nay và mai sau đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên nhân dân đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương đất nước phồn thịnh, văn minh.                      

 

Nguyễn Huế