Hội Nông dân huyện giải ngân 9,8 tỷ đồng cho 19 dự án kinh tế; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; Dự báo tình hình sinh vật hại lúa Xuân
Ngày đăng 24/04/2024 | 16:50  | Lượt xem: 283

Tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, mới đây, Hội Nông dân huyện đã tổ chức giải ngân 9,8 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Thành phố quay vòng giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh theo các dự án kinh tế do Hội Nông dân làm chủ.

Có gần 300 hội viên nông dân của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi này. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các Hội Nông dân các xã, thị trấn để thực hiện giải ngân nguồn vốn trực tiếp tại cơ sở cho hội viên. Mỗi hội viên vay 50 triệu đồng trong thời gian 2 năm. Nguồn vốn được giải ngân gắn liền với các dự án trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh...phù hợp với từng địa phương và các hội viên nông dân.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện trao nguồn vốn đến từng hội viên

Trao nguồn vốn đến từng hội viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Văn Lợi mong muốn các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, sau 2 năm đầu tư vào các dự án kinh tế, nguồn vốn sẽ nhân hiệu quả lên gấp 3-4 lần, từ đó phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Được biết, Hội Nông dân Chương Mỹ là 1 trong những đơn vị có dư nợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân lớn của Thành phố Hà Nội. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý tổng dư nợ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 55 tỷ đồng, trong đó: Nguồn Thành phố là 48.590 triệu đồng (tăng trưởng 3.500 triệu đồng) cho trên 1.500 hộ vay; Nguồn huyện là 3.885 triệu đồng (tăng trưởng 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện bổ sung năm 2022) cho gần 150 hộ vay; Nguồn xã 2.778 triệu đồng (tăng 338 triệu đồng) cho 138 hộ vay phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, giúp người nông dân huyện vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc và nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ đó, Hội cũng đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hộ và tập thể hiệu quả. 3 tháng đầu năm 2024, Hội đã xây dựng được 1 HTX và 38 Tổ hợp tác. Qua hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên, Tổ chức Hội Nông dân huyện không ngừng được củng cố vững mạnh, thu hút thêm nhiều hội viên mới tham gia sinh hoạt. Đồng thời cũng thúc đẩy “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhay làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2024, từ ngày 30/3 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn của huyện để tổ chức tập huấn an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi cho các hộ nông dân, chủ trang trại chăn nuôi.

Tham gia lớp tập huấn, các hộ được cung cấp những kiến thức cần thiết về vấn đề quy trình đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi như: xây dựng chuồng nuôi; giống vật nuôi; thức ăn; quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát các tác động liên quan; tăng cường khả năng kháng bệnh cho vật nuôi đúng quy trình chăm sóc theo một chiều, khử trùng tiêu độc trước khi sang dãy chuồng khác. Chăm sóc gia súc khoẻ trước, gia súc ốm- yếu sau, khi có gia súc ốm thì phải cách ly, chữa trị riêng biệt, xử lý thực hiện khử trùng tiêu độc định kỳ; xử lý môi trường nuôi, không khí, phân và chất thải chăn nuôi; không cho người lạ vào chuồng trại.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn Châu Phi thì việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi là việc rất quan trọng và cần thiết nhằm bảo vệ tốt cho đàn vật nuôi. Thông qua lớp tập huấn giúp cho các hộ chăn nuôi nắm chắc kỹ thuật, nâng cao kiến thức về an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh thú y nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào đàn vật nuôi. Qua đó góp phần hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đồng thời cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong người dân.

Đông đảo nông dân huyện được tham gia lớp tập huấn.

Qua thăm đồng dự thính dự báo tình hình sinh vật hại lúa nhiều ngày qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay toàn bộ lúa Xuân của huyện Chương Mỹ đang giai đoạn làm đòng - trỗ, diện tích trỗ khoảng 50 ha, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Tuy nhiên, chuột gây hại rải rác trên toàn huyện, tỷ lệ hại trung bình 0,5-1% đòng, cao 2 - 4% đòng, cục bộ 8-10% đòng, diện tích hại 8,4 ha.

Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại ở hầu hết các xã, thị trấn trên những giống nhiễm như TBR225lúa thơm, lúa nếp, ... Đặc biệt chân ruộng cấy dày bón thừa đạm, tỷ lệ bệnh trung bình 0,5-1% số lá, cao 6-8% số lá, cục bộ 15-20% số lá bệnh cấp 1-3-5; trên lá đòng trung bình 0,3-0,5%cao 1-2% lá. Diện tích nhiễm khoảng 20 ha chủ yếu ở các xã Hợp Đồng, Đại Yên, Trần Phú, Thụy HươngLam Điền, Hoàng Diệu...

Bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá đang  phát sinh gây hại cho lúa

Bệnh khô vằn phát sinh gây hại mạnh trên ruộng lúa cấy dày bón thừa đạm tỷ lệ hại trung bình 1-3% dànhcao 10-15% dánh cấp 1-3; cục bộ 20 - 25% cấp 3 - 5. Diện tích nhiễm 35 ha- Bọ rầy: Phát sinh gây hại chủ yếu ở những ruộng trũng bón thừa đạm, cấy dày, mật độ trung bình 150-200c/m², cao 300-500c/m², cục bộ 1000-1200c/m² tuổi 2-3 ở các xã Ngọc Hòa, Thụy Hương, Lam Điền,...

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã phát sinh nhanh trên các giống lúa nhiễm, tỷ lệ hại trung bình 0,5 - 1% lá, cao 7-10% lá, bệnh cấp 1-3.

Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ bắt đầu vũ hoá đẻ trứng tập trung các ruộng xanh nhất vùng. Ngoài ra còn có các đối tượng sâu đục thân, bọ xít, ... gây hại nhẹ rải rác. Dự kiến trong thời gian tới thường xuất hiện những đợt nắng mưa xen kẽ, mưa giông là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại mạnh đặc biệt là bọ rầy, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,... phát sinh gây hại mạnh trên lúa Xuân trên những giống nhiễm, ruộng cấy dày, bón thừa đạm.

Để phòng trừ các loại sinh vật hại cây trồng, bà con nông dân huyện cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại hại lúa. Phân loại các trà lúa, diện tích gieo cấy giống nhiễm tại địa phương để chủ động phòng trừ. Giữ nước nông trên ruộng đến khi lúa chín sáp, để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây.

Đối với bệnh đạo ôn: Tổ chức phun phòng trừ ở những diện tích có tỷ lệ bệnh đạo ôn > 10% số lá bị bệnh hoặc có ≥ 1 % lá đòng hoặc cổ lá đòng bị bệnh bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất như Tricylazole, propiconazole, Isoprothiolane,.. (Filia 525 SE; Ninja 35 EC; Beam 75WP, Bump 650 WP...). Phun với nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nếu ruộng bị nặng, thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển cần phun nhắc lại lần 2 khi lúa thấp thoi trỗ.

Đối với bệnh khô vằn: phun phòng trừ đối với những diện tích có tỷ lệ bệnh khô vằn cao >20% dảnh bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất như: Propiconazole, Difenoconazole, Azoxystrobin, Validamycin,... (Amistar 250 SC, Tilt super 300 EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC, Validacin 5SL,...)

Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá: phun phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện bằng một trong số loại thuốc có chứa hoạt chất Ningnanmycin

(Ditacin 8SL, Somec 2SL, ...); Fosetyl Aluminium (Aliette 800 WG, Alpine 800 WG,...); Salicylic acid (Exin 4.5SC); Bismerthiazol (Xanthomix 20 WP, Nanowall 300 WP...); Streptomicin Sulfate (Lino oxto 200 WP...).

Đối với bọ rầy: tổ chức phun phòng trừ ở những diện tích lúa có mật độ rầy trên 3000 con/m², khi rầy chủ yếu ở tuổi 1 - 2 bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Nitenpyram, Thiamethoxam, Pymetrozine, Buprofezin, (Chess 50 WG, Hichespro 50WP, Facetime 750 WP, Yoshito 200WP..). Sau khi phun thuốc 2 - 3 ngày kiểm tra lại đồng ruộng, nếu thấy mật độ rầy còn cao tiếp tục phun trừ lần 2.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tập trung điều tra trên các ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, diện tích gieo cấy muộn. Tổ chức phun phòng trừ trên các ruộng có mật độ sâu non > 30 con/m², bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate, Chlorantraniliprole, Cartap,... (Catex 3.6 EC, Techtimex 36 WG, Dupont TM Prevathon 35 WG, Vitako 40 WG,...)

Đối với sâu đục thân bướm hai chấm: lưu ý những diện tích lúa trỗ sớm nhất hoặc muộn nhất vùng, đặc biệt các diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5, phun phòng trừ khi có mật độ ổ trứng > 0,3 ổ trứng/m², phun khi lúa trỗ thấp thoi từ 1- 3% số bông bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Cartap,... (Virtako 40WG, Dupont TM Prevathon 35 WG, Gà nòi 95 SP...).

Đối với chuột hại cần thường xuyên diệt trừ bằng các biện pháp thủ công.

Bà con chú ý phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Pha đúng theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì và không vứt vỏ bao bì thuốc sau sử dụng bừa bãi trên đồng ruộng./.

 

Lan Oanh