Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Ninh Sơn
Ngày đăng 29/11/2023 | 14:59  | Lượt xem: 345

Thôn Ninh Sơn có một ngôi đình cổ. Tên Đình được gắn liền với tên thôn từ xưa cho tới nay. Trước đây đình thuộc thôn Ninh Sơn, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay thuộc tổ dân phố Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Trong Đình còn bảo tồn được 14 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng cho Thần và cuốn thần phả viết về sự tích Lý Ông Trọng. Đình Ninh Sơn thờ vị nhân thần Lý Ông Trọng làm Thành Hoàng, Người có công với dân, với nước và đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Ông Trọng thuở nhỏ vốn thông minh, học hành tinh thông. Năm 12 tuổi cha mẹ đều quy tiên. Để tang theo lễ nghi xong, Ông tiếp tục bước đường tu nhân tích đức của cha mẹ, ông có trí tài cao học rộng, nên được làm quan trong triều. Thục Vương phong đến chức "Tư Lộc hiệu uý". Đất nước lúc này bị quân phương Bắc xâm lược, An Dương Vương có chiếu chỉ sai Lý Ông Trọng đem 50 nghìn binh sĩ đến trấn Sơn Tây để dẹp giặc. Tại đây ông tìm về Ninh Sơn để lễ tạ thần linh, bái yết gia tiên, bố mẹ và thăm dân làng quê hương nơi sinh. Nhân dân Ninh Sơn phấn khởi xin ông làm gia thần. Lý Ông Trọng liền lệnh cho thiết kế đồn binh để sẵn sàng tiến đánh quân Triệu Đà khi chúng đến. Lúc này trang Ninh Sơn có 50 người theo ông để đánh giặc. Do sơ ý để bí mật nỏ thần vào tay giặc nên An Dương Vương thua trận phải bỏ chạy. Lý Ông Trọng tiếp tục vừa chiến đấu vừa lui quân về tới trang Ninh Sơn. Do bị trọng thương ông mất tại Ninh Sơn. Nhân dân thương tiếc nhớ ơn lập đình miếu thờ ông kế tiếp cho đến ngày nay.

Đình Ninh Sơn tọa lạc trên một thế đất đẹp, ngay trên sườn núi Phượng Hoàng. Tả, Hữu có núi Hỏa Tinh và núi Trầm bao bọc, phía trước có vực Ninh. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì Đình Ninh Sơn được tạo dựng từ lâu đời, nằm cách vị trí ngôi đình ngày nay khoảng vài trăm mét, qua thời Lê - Trịnh, đến triều Tây Sơn ngôi đình đã bị phá huỷ do chiến tranh. Sau đó nhân dân địa phương làm lại đình và chuyển vị trí mới đó là ngôi đình Ninh Sơn ngày nay. Hiện tại Đình Ninh Sơn gồm các hạng mục công trình như Tòa Đại bái, Trung cung, Hậu cung và khu vực ngoại tự của Đình, sân, tường bao, cảnh quan, hết sức lý tưởng.

Di tích Đình Ninh Sơn

Đại bái Đình Ninh Sơn là một dãy nhà nằm ngang, gồm 5 gian 2 dĩ liên kết với nhau thông qua hệ thống xà, vì, kẻ trên mặt bằng rộng, chịu lực chính là 4 hàng chân cột, to, tròn, vững chắc. Với 4 mái chảy lợp ngói mũi bản to, dày, bờ nóc, bờ guột được đắp theo kiểu bờ rỗng, điểm hàng hoa chanh 4 cánh, hai bên có rồng lá miệng ngậm bờ nóc, đuôi cong vút như bay trên không trung. Xung quanh tòa Đại bái xây tường và để ô thoáng, phía trước Đại bái ở giữa là hệ thống cửa bức bàn mang mộng khung ô nhỏ khép kín, còn các gian bên được làm đố cửa cao và hệ thống cửa ván. Gian giữa tòa Đại bái được nối liền với dãy nhà chạy dọc Trung cung và Hậu cung phía trên treo bức hoành phi được sơn son thếp vàng lộng lẫy đề 4 chữ Hán: Thánh cung vạn tuế. Hai bên là đôi câu đối ca ngợi cảnh quan công đức của Thành Hoàng đối với dân với nước. Ở dưới bài trí hương án, long đình, bộ bát bửu và nhiều di vật thờ khác. Hậu cung là nơi thâm nghiêm tôn kính đối với Thành Hoàng vì vậy toàn bộ không gian kiến trúc ở đây chủ yếu là bào trơn đóng bén, mà tập trung chủ yếu giành cho các vật thờ, đồ tế tự mang tính tôn vinh đối với nhà Thánh.

Di tích Đình Ninh Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật to và đồ sộ, gồm tòa ngang dãy dọc, ngay từ bên ngoài đã thể hiện những nét giá trị văn hóa truyền thống. Dáng đình thấp, mái chảy dài, 4 góc đao duyên dáng. Đình Ninh Sơn có rất nhiều hiện vật quý như: cỗ long ngai bài vị thế kỷ XVII; bộ cửa võng; câu đối; hương án; kiệu long đình; giá đao... đặc biệt là 1 cuốn thần phả và 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam phong tặng.

Lễ hội Đình Ninh Sơn được tổ chức vào các ngày từ ngày 9 đến ngày 11 tháng giêng, ngày sinh Thành Hoàng làng Lý Ông Trọng. Ngày 9 là ngày mở đầu lễ hội xuân, trong làng ngoài xóm đều tấp nập rộn rã, ngoài đình trống rong cờ mở, tàn, tán, quạt, kiệu được bày đặt trước sân đình, lung linh một màu rực đỏ. Qua đó thể hiện niềm vui vì dân an, nước thịnh, mùa màng tươi tốt, phúc lộc đến với muôn nhà. Trước khi bước vào chính tiệc dân làng làm lễ mục dục, thay mũ áo lấy nước ngũ vị để tắm cho Ngài, dùng giấy bản để lau khô. Song làm lễ chầu áo tức là mặc áo, mũ và đi hia cho Ngài. Sau đó làm lễ thỉnh, mời Thánh Thần ở các nơi như đền, chùa, miếu... về đình và tiến hành làm lễ nhập tiệc, để tâu trình với các Ngài về nghi thức lễ hội cũng như thành quả dân làng đạt được trong năm và ước vọng thành tích trong năm mới.

Trong những năm chiến tranh nơi đây là điểm hoạt động của du kích cách mạng, dùng sân đình là nơi tập kết và hoạt động. Sau đất nước được hòa bình, Đình là nơi làm kho chứa lương thực. Trong Đại hội Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ IV, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Nguyễn Xuân Trường đã về thăm.

Đình Ninh Sơn được xây dựng và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Mặc dù đã trải qua đầu tư tu sửa tôn tạo, di tích ngày thêm bền chắc nhưng vẫn giữ được nét cổ kính ban đầu vốn có. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc…, Đình Ninh Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2001.

 

Nguyễn Huế