Các trường học có bếp ăn bán trú thuộc các xã: Đồng Lạc, Mỹ Lương, Tốt Động, Hữu Văn và Thị trấn Chúc Sơn đảm bảo tốt an toàn thực phẩm
Ngày đăng 15/03/2024 | 15:37  | Lượt xem: 207

Trong 02 ngày 14 và 15/3, Đoàn kiểm tra liên ngành Y tế và Phòng Giáo dục Đào đã triển khai kiểm tra công tác y tế học đường và an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú của trường mầm non, tiểu học, trên địa bàn xã Tốt Động, Mỹ Lương và thị trấn Chúc Sơn.

Qua kiểm tra cho thấy: Công tác y tế học đường của các trường đều cơ bản đảm bảo theo quy định như: công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo phòng y tế, thuốc và trang thiết bị phục cụ sơ cấp cứu ban đầu và chăm sóc sức khỏe học sinh; hệ thống đèn điện tại lớp học đảm bảo đủ ánh sánh cho các em học tập; các bếp ăn bán trú đều tuân thủ quy định về ATTP và đầy đủ thủ tục pháp lý như các hợp đồng cung cấp thực phẩm, hóa đơn chứng từ, cam kết trách nhiệm về ATTP; Nhân viên chế biến, phục vụ bán trú được trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP và đảm bảo về sức khỏe. Có giấy kiểm định nguồn nước. Các nhà trường đã bố trí khu vực chế biến bảo đảm nguyên tắc một chiều, có tủ lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, được dán tem nhãn niêm yết ngày giờ rõ ràng, dụng cụ chế biến, bát đĩa vệ sinh sạch sẽ; có phân khu thức ăn chín - sống riêng biệt. Việc lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước được thực hiện đúng quy định.

Cô Bùi Thị Sang - Hiệu trưởng Trường mầm non Tốt Động cho biết: “Xác định tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, ngay từ khi được đầu tư nâng cấp xây mới cơ sở vật chất, trường đã được xây dựng bếp ăn bán trú theo chuẩn 1 chiều, với đầy đủ các thiết bị, đảm bảo nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú tại trường. Để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh, ngoài các nhân viên trực tiếp chế biến món ăn, nhà trường thành lập Tổ giám sát gồm: đại diện Ban Giám hiệu, nhân viên y tế, cô nuôi và  giáo viên. Hằng ngày, Tổ giám sát.thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc việc ký nhập thực phẩm và chế biến.

Cô Nguyễn Thị Thu – Hiệu trưởng Trường mầm non Chúc Sơn B cũng chia sẻ: “Công tác đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thức ăn được nhà trường chú trọng bằng các biện pháp, như: Bảo đảm vệ sinh môi trường, bếp ăn, công trình vệ sinh, khu vực chế biến sạch sẽ. Đồng thời nhà trường có hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm uy tín, các cô nuôi có chứng chỉ sơ cấp nấu ăn, được khám sức khoẻ định kỳ và được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động theo quy định.

Đồng chí Trịnh Tiến Hòa – Phó Trưởng khoa Y tế công cộng và ATTP Trung tâm y tế huyện, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Với bếp ăn bán trú trường học, khâu kiểm soát nguồn gốc ngay từ đầu là rất quan trọng nhất, sau đó đảm bảo vệ sinh trong nhà bếp. Vì vậy, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các trường đặc biệt chú trọng kiểm soát công tác bảo đảm ATTP từ nhập nguyên liệu cho đến khâu chia đồ ăn cho các học sinh; chú ý đến việc phòng, chống côn trùng ở khu vực để dụng cụ; thu gom rác thải hàng ngày sạch sẽ. Ban giám hiệu các trường học tăng cường công tác quản lý, giám sát để không chỉ đảm bảo cho các em học sinh các bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng mà luôn bảm bảo ATTP, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bữa ăn trong trường học.   

  

Kiểm tra bếp ăn trường mầm non tại xã Tốt Động và Chúc Sơn B

 

Trước đó, ngày 12/3, Đoàn kiểm đã kiểm tra công tác y tế học đường và an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú các trường mầm non, tiểu học xã Mỹ Lương, Đồng Lạc.

Qua kiểm tra cho thấy: Các nhà trường chú trọng đảm bảo chất lượng bữa ăn, định lượng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi học sinh và luôn thực hiện phương châm ăn sạch, uống sạch. Các trường học tổ chức bếp ăn bán trú đều đã thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần và chú trọng kiểm tra thực phẩm theo 3 bước gồm: kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu. Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường chỉ ký kết hợp đồng với các cơ sở cung cấp có uy tín, nguồn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến, nhà trường yêu cầu các nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh, từ dụng cụ chế biến đến sơ chế, nấu ăn, chia thức ăn cho các em học sinh.

Các trường học đều có cán bộ y tế, có phòng y tế, đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Đặc biệt, hàng năm các trường học đã phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho học sinh. Công tác truyền thông nâng cao thể chất, phòng, chống bệnh tật trong trường học được quan tâm đã góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, các bệnh truyền nhiễm như tay chân miêng, thủy đậu, sốt xuất huyết, cúm vv và các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh trong trường học.

                                                 Minh Thân – Đặng Sáng