DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Nhà thờ danh nhân Đặng Đình Tướng
Ngày đăng 10/10/2023 | 15:11  | Lượt xem: 734

Thôn Trung Tiến, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ có một công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ lâu đời để thờ phụng danh nhân Đặng Đình Tướng. Công trình kiến trúc đó mang tên Nhà thờ danh nhân Đặng Đình Tướng. Ngoài ra, di tích không mang tên nào khác.

Danh nhân Đặng Đình Tướng sinh năm 1649 tại xã Lương Xá, phủ Chương Đức, phủ Ứng Thiên, nay là thôn Lương Xá, xã Lam Điền, Chương Mỹ. Xuất thân dòng dõi danh gia vọng tộc, Ông là con thứ 3 của Yến quận công Đặng Tiến Thự, và Á phu nhân họ Nguyễn. Từ nhỏ ông đã được chăm sóc, dạy bảo chu đáo để nối nghiệp nhà. Khi 22 tuổi thi hội ông đã được lấy Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông là người có tài thao lược, văn võ song toàn, có tài bang giao, là người có đức độ trong giới quan trường lúc bấy giờ đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ gìn và xây dựng đất nước.

Ông mất năm 87 tuổi, được tặng là Đại tư đồ, bao phong thượng đẳng phúc thần Ứng Đại vương, được chúa cấp đất an táng, ân điển thật không ai sánh kịp. Người đời bấy giờ thường gọi ông là Tiên Quốc Lão.

Cổng Nhà thờ danh nhân Đặng Đình Tướng

Bia ghi lại công tích của danh nhân Đặng Đình Tướng tại nhà thờ

Nhà thờ danh nhân Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng là một công trình kiến trúc có các hạng mục công trình như: Nghi môn trụ biểu, Hồ nước, Tiền tế, Hậu cung và hệ thống sân vườn rộng rãi, thoáng đãng.

Do địa thế đặc biệt của di tích, người xưa đã không xây dựng Nghi môn phía trước của nhà thờ như các công trình kiến trúc khác mà đã xây dựng Nghi môn nằm ở phía hữu (phải). Nghi môn này được xây dựng chồng diêm hai tầng tám mái đao cong. Từ Nghi môn một con đường nhỏ lát gạch Bát tràng dẫn ta vào sân của di tính. Phía trước sân là một chiếc hồ. Sau chiếc hồ này là nhà bia, sập đá và nai đá. Bia khắc bài thơ do hoàng triều ban tặng năm 1729, niên hiệu vua Thái Bảo thứ 10 tặng với nội dung ca ngợi công đức của Ứng Quận Công, kèm theo là chiếc sập đá, nai đá và rất nhiều bổng lộc khác.

Qua khoảng sân rộng là đến khoảng kiến trúc chính của di tích. Di tích mang kiến trúc chữ nhị gồm Tiền tế và Hậu cung nhìn về hướng Tây tây nam. Tiền tế được làm 3 gian 2 mái chảy tường hồi bít đốc, ngói lợp ngói di. Ngăn cách giữa Tiến tế và Hậu cung là một khoảng sân rộng nhằm mục đích tạo sự thoáng rộng thêm cho di tích. Đồng thời ở đây người ta trồng thêm một số cây cảnh để tạo sự gần gũi giữa thiên nhiên di tích và con người. Qua đây ta đến tòa Hậu cung của di tích. Hậu cung được làm kiểu nhà dọc 3 gian, nhìn từ bên ngoài phần mái lợp ngói di. Song ở bên trong người ta làm kiểu cuốn vòm theo phong cách Gô tích. Nơi thờ Ứng Quận Công được làm trên sạp cao xây dựng bằng vôi vữa.

Trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Tượng thờ Ứng Quận Công ngồi trên long ngai; 1 sập đá niên đại thời Lê; 3 bia đá trong đó có bia khắc bài thơ với nội dung ca ngợi công lao của Ứng quận công Đặng Đình Tướng do hoàng triều vua Lê chúa Trịnh bấy giờ ban tặng. Ngoài ra còn nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ tự... Ở gian giữa đại bái có bức hoành phi chạm khắc nổi 4 chữ Hán lớn là: “Đặng Quốc lão từ” (Đền thờ Quốc lão họ Đặng - chỉ Quốc lão Đặng Đình Tướng). Tại đây, có đôi câu đối ca ngợi công lao to lớn của Quốc lão Đặng Đình Tướng: “Công tại Lê triều, danh tại sử/ Sinh vi lương tướng, tử vi thần” (Công với triều Lê, danh lưu sử/ Sống làm tướng giỏi, chết làm thần). Một đôi câu đối nữa là: “Hộ quốc tý dân sinh đẳng phúc thần minh tự cổ/ Phù triều thảo tặc tư công đô đốc tụ thạch bi” (Giữ nước giúp dân, sống như phúc thần, rõ ràng từ xưa/ Phù triều đánh giặc, nhớ công đô đốc, bia đá ghi danh).

Lễ hội tại nhà thờ danh nhân Đặng Đình Tướng diễn ra vào các ngày như: Ngày 15 tháng 4 Âm lịch, là ngày giỗ của Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng; Ngày 16 tháng 2 Âm lịch là ngày lễ nạp tiết ở phủ thờ, hợp tết tất cả các vị tiên tổ. Cùng với 2 ngày lễ lớn này, ngoài việc thực hiện lễ nghi trước tổ tiên dòng họ. Để thêm phần ý nghĩa con cháu trong họ còn tổ chức một số trò chơi dân gian, thực hiện góp quỹ hiếu học giành dụm kinh phí thưởng cho những người trong dòng họ để đạt cao. Ngoài ra ngày rằm, mùng một các con cháu trong họ cũng thường xuyên có nén tâm nhang cùng với hương hoa, nếp xôi dâng lên cúng tổ tiên.

Từ khi xây dựng đến nay di tích đã trải qua nhiều lần sửa chữa, qua các lần tu sửa vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh, thiên nhiên ác liệt đã tàn phá rất nặng nề đến các hạng mục kiến trúc. Một số di vật ở nhà thờ bị mất mát hoặc bị hư hỏng nặng. Ngày nay với tinh thần đóng góp tự nguyện, sự công đức của khách thập phương ngưỡng mộ trước tài đức của Tiên ông Quốc lão Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng và sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cùng sự nhiệt tình và tinh thần uống nước nhớ nguồn trong dòng tộc họ hàng thì những vấn đề trên đang được khắc phục dần. Hiện tại nhà thờ danh nhân Đặng Đình Tướng đang được nhân dân và chính quyền địa phương, dòng họ bảo vệ chu đáo. Nhà thờ danh nhân Ứng Quận Công Đặng Đình Tưởng có ý nghĩa nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Đây là nơi nhân dân và khách thập phương đến lễ và chiêm bái tham quan cũng như nghiên cứu di tích.

 

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)