DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình làng Thượng Phúc xã Hồng Phú lưu giữ nhiều sắc phong văn hóa lịch sử giá trị
Ngày đăng 03/03/2025 | 16:49  | Lượt xem: 388

Lễ hội truyền thống Đình làng Thượng Phúc năm 2025 được tổ chức trong 3 ngày từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 3 năm Ất Tỵ. Lễ Hội là dịp để mỗi người dân làng Thượng Phúc củng cố lòng tự hào về quê hương, làng xóm, tổ tiên, gia tộc. Bên cạnh đó, lễ hội đình làng cũng là dịp để tiếp tục đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xây dựng làng Thượng Phúc thực sự là làng văn hóa.

 

Năm 2016, được sự quan tâm của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ, Đình làng Thượng Phúc được tu bổ, tôn tạo, xây dựng lại khang trang trong khuôn viên của Đình làng.

 

Toàn cảnh đình làng Thượng Phúc xã Hồng Phú.

 

Làng Thượng Phúc, xã Hồng Phú, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội có từ bao giờ - sử sách không ghi lại. Làng Thượng Phúc được hình thành trên trên gò đất cao nằm giữa cánh đồng bằng phẳng thuộc lưu vực sông Bùi và sông Đáy. Từ khi lập làng, các thế hệ nhân dân làng Thượng Phúc luôn đoàn kết, giúp nhau xây dựng cuộc sống, phòng, chống thiên tai, địch họa, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.Để tưởng nhớ công lao của Tổ tiên, các bậc tiền nhân đã khai thiên lập ấp, xây dựng lên làng, lên xóm. Từ khi lập làngnhân dân Thượng Phúc đã xây dựng Đình làng, Quán làng để thờ phụng Thành hoàng, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng lên làng, lên xóm.

Theo thần phả được Vua Lê Anh Tông sắc chỉ giao cho Hàn Lâm Viện Đông Các Đại học sĩ thần Nguyễn Bính sưu tầm, viết ngày 28 tháng 5 năm Hồng Phúc thứ nhất (năm 1572) được lưu giữ tại Đình làng Thượng Phúc ghi rõ: Vào đời Hùng Vương thứ 6 - Hùng Huy Vương ở ngôi, định đô ở Bạch Hạc, Việt Trì, gọi là nước Văn Lang - Kinh đô là thành Phong Châu. Nước Văn Lang khi đó chia làm 15 Bộ. Bộ Chủ Châu Hoan là Thủy thần thứ 11 tên húy là Hùng Tuệ. Bộ Chủ khi đó tuổi ngoài 50, phi nhân tuổi ngoài 40 mà chưa có điềm mộng con lân (chưa có con nối dõi). Một hôm Bộ Chủ nói với Phu nhân rằng: “Thần từ danh lam, Phật tử trai giới, chay tịnh, hành lễ, cầu đảo trời đất thần kỳ, núi sông tinh tú, ngõ hầu được phúc biển mông”. Nói xong, chỉnh biện lễ vật, vợ chồng Bộ Chủ bèn cùng lên chùa Yên Tử hành hương, khẩn thiết khấn cầu sớm ứng điềm lành, thu được phúc lớn. Khi trở về, đến một khúc sông nhỏ chảy thẳng tới thôn Thượng Dục (tức làng Thượng Phúc ngày nay), xã  Hạ Dục, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, Bộ Chủ dừng thuyền lại nghỉ, phi thân xuống bến tắm gội, bỗng thấy thuồng luồng lượn quanh dưới chân, nhả giãi phun và mình phi nhân mùi thơm ngào ngạt. Phi nhân bèn thưa với Bộ Chủ. Bộ Chủ nói rằng “ta thuộc mệnh thủy ắt có thủy thần sinh ra, đợi sau kỳ hạn thế nào mới biết việc này”. Nói xong vợ chồng Bộ Chủ chở về Châu Hoan.

Quả nhiên mấy tháng sau, Phi nhân trong lòng nhức động, xúc cảm rồi có mang, đến giờ Thìn ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Tý sinh được một bọc nở ra hai con trai đều là kỳ hình dị tướng, mày ngài hàm én, trán hổ ve rồng, sau lưng có hai mươi tám vì sao soi chiếu như một hàng vảy lân. Khi lên 3 tuổi, Bộ Chủ soạn biểu tấu lên nhà Vua. Nhà Vua bèn ban cho con trưởng tên là Đài, con thứ tên là Cái. Ban đất Thượng Dục cho hai ngài thưởng lộc, sau này làm nơi thờ phụng.

Khi 2 ngài vừa tròn 18 tuổi, văn võ song toàn, uy chấn Triều đình, đức độ hơn người, ai nấy đều nể phục. Vua trao cho 2 ngài chức lớn, tuần thú các nơi trong thiên hạ, xem xét các địa phương. Một hôm, 2 ngài tiến thẳng đến ấp sở tại (tức làng Thượng Dục), nhân dân hành lễ chúc mừng, thiết lập hành cung tại đất ấy, địa hình quý cục, hai bên tả hữu núi non dẫn mạch, bốn bề bằng phẳng, nổi lên một ngọn núi nhỏ Giúp dân đắp đê chống lụt, việc trị thủy của 2 Ngài đã hoàn thành bèn soạn biểu cử tấu nhà Vua, Vua bèn ban chiếu vời về Kinh. Vua cả khen và phong thưởng thăng Đài công đến Châu Hoan nối ngôi Vua cha. Cái công thăng làm Bộ Chủ Sơn Nam. Hai Ngài tạ từ xin trước Bệ triều được về thăm hỏi song thân và được Vua ưng thuận. Hai Ngài quay rá trở về Châu Hoan bái yết Bộ Chủ hành lễ gia tiên. Ở được mấy ngày, cha 2 Ngài bỗng nhiên qua đời, hôm đó là ngày mồng 5 tháng 5. Sau khi an táng thân phụ, 2 Ngài xa giá về tới cung sở ở tại thôn Thượng Dục, nhân dân hành lễ chúc mừng, sửa sang hành cung các sở, 2 Ngàiở đó hơn ba tháng.

Khi đó giặc Ân xâm lược Văn Lang. Vua lệnh cho Đài Công thống lĩnh thủy đạo, tướng công phụ chiến với Thần Vương thẳng đánh đồn chính của giặc Ân ở núi Vũ Ninh, Yên Việt. Giặc Ân tan vỡ, bắt sống Ngô Linh Thần Tướng, thuyền rồng của 2 Ngài về đến sông Bùi, huyện Chương Đức bỗng thấy một cơn gió lốc, trời đất mịt mù, trên sông sóng đảo cuồn cuộn, muôn dặm êm đềm, nghe thấy ba tiếng thét lớn “gấp vời Hai Ngài về cõi nước”. Nhân dân nghe thấy cả kinh, một lúc sau mưa ngớt, nhân dân chạy đến bờ sông bỗng thấy thuyền rồng còn buộc ở đấy, quan quân trên thuyền nói với dân làng rằng: “Hai vị tướng quân trong khi mưa gió mịt mùng đã cùng xuống thuyền rồng hóa vậy. Nhân dân các ngươi nên mau chóng trở về cung  sở tế lễ phụng thờ”. Hôm đó là ngày 12 tháng 12 năm Bính Ngọ.

Khi các cung thiết lập đã yên, nhà Vua mở yến tiệc chúc mừng, khao thưởng tướng sỹ, phong thưởng công thần. Lại phong Đức ông Cả Đài vàng Đại Vương; Lại phong Bố cái Sô Tha Đại Vương, vâng đón sắc chỉ về sở tại thôn Thượng Dục, mệnh quan tế lễ, sửa sang cung từ, nhân dân thờ phụng.

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ chín (1924), Triều đình nhà Nguyễn sắc chỉ cho xã Thượng Phúc, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông từ trước phụng thờ “Dực bảo trung hưng bản cảnh Thành hoàng Bố cái Đại Vương”, giúp nước yên dân, công đức chói ngời, theo thứ bậc được ban cấp sắc chỉ, chuẩn cho thờ phụng”.

Hiện nay, Đình làng Thượng Phúc còn lưu giữ thần phả do Hàn Lâm viện Đông các Đại học sĩ thần Nguyễn Bính viết ngày 28/5/1572 (năm Hồng Phúc thứ Nhất) 06 sắc phong của các đời Vua triều đình nhà Nguyễn và 02 sắc phong ghi ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Ngày 05 tháng 01 năm 2012, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 5064/QĐ-UBND xếp hạng Đình làng Thượng Phúc, xã Đồng Phú nay là xã Hồng Phú,huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội là Di tích lịch sử.

Nghi lễ tế đình Thượng Phúc.

 

Thực hiện quy ước của làng, thể theo nguyện vọng của các cụ cao niên và các tầng lớp nhân dân trong làng; làng Thượng Phúc quyết định tổ chức      Lễ Hội truyền thống Đình làng Thượng Phúc Xuân Ất Tỵ 2025 là dịp để các tầng lớp nhân dân làng Thượng Phúc tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, Tam vị Đức thượng đẳng Thành Hoàng làng đã có công lao xây dựng đất nước, khai thiên lập ấp; tưởng nhớ các thế hệ dân làng đã đoàn kết xây dựng làng xóm, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước…

Thu Hiền

Trung bình (0 Bình chọn)