GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Gặp gỡ chiến sỹ trực tiếp tham gia Giải phóng Thủ đô Nguyễn Đình Phú
Ngày đăng 10/10/2024 | 18:04  | Lượt xem: 184

Cùng niềm tự hào, xúc động của cả nước hướng tới đại lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) chúng tôi về thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu, gặp gỡ ông Nguyễn Đình Phú - là một trong số những chiến sỹ trực tiếp tham gia Giải phóng Thủ đô.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phú, sinh năm 1934, năm nay 90 tuổi, nhưng những ký ức về chiến công oanh liệt của quân và dân ta ngày ấy vẫn in đậm trong tâm trí ông. Dù trong bất cứ thời khắc nào, khi được hỏi về sự kiện tiến về thủ đô ngày 10/10 cách đây 70 năm, ông Phú đều say sưa kể lại: “Ngày 7-5-1954, ông cùng đồng đội đang vận chuyển lương thực gần đến Sơn La thì nhận được tin báo quân ta đã chiến thắng. Bao mệt mỏi dường như tan biến. Cảm xúc của tôi và đồng đội lúc bấy giờ “Thật khó diễn tả được cảm xúc ấy thành lời – không ai bảo ai ất cả mọi người ôm nhau reo hò, phấn khởi sung sướng vô cùng!”.

Gia đình ông Nguyễn Đình Phú chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác nhân dịp đoàn về tặng quà kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô 10/10/2024.

 

Và rồi với khí thế hăng hái, cả trung đoàn như được tiếp thêm động lực, nhanh chóng đi bộ suốt ngày suốt đêm quay trở về tiếp quản thủ đô đúng ngày 10/10. Cùng đi trong hàng ngũ của Trung đoàn E48 tiểu đoàn Đống Đa, Đại đội Hoàng Lan do Đại đội trưởng Hoàng Lan người Thượng Vực, Chương Mỹ làm trưởng đoàn ông Phú cùng các đồng đội đều chung cảm xúc vừa vui sướng vừa tự hào, quên mệt, quên đói đoàn quân đi từ Sơn La về Hà Nội qua Cầu Gỗ thẳng đến chợ Đồng Xuân với sự chào đón nồng nhiệt hò reo vẫy tay của mấy chục ngàn dân đứng 2 bên đường.

Ông Nguyễn Đình Phú cùng vợ (bà Lê Thị Nhật) tìm hiểu thông tin trên sách báo.

 

Tìm hiểu về ông Phú chúng tôi được biết: ông Sinh ra trong gia đình có đông anh chị em, từ tháng 8/1945 đến năm 1949, ông tham gia sinh hoạt các đoàn thể thiếu niên tại địa phương.

Đến tháng 2 năm1949, khi chưa đủ 17 tuổi, ông đã hăng hái lên đường nhập ngũ ở đơn vị E48, tiểu đoàn Đống Đa, đại đội Hoàng Long. Từ năm 1949 đến 1951, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội) trong vùng địch tạm chiếm, những người tham gia hoạt động cách mạng đều phải giữ bí mật. Bấy giờ, gia đình ông là cơ sở che giấu cán bộ. Ông tham gia làm liên lạc và vận chuyển lương thực từ Hà Đông đi Sơn Tây, Hòa Bình, thu các khoản tiền và vật chất của nhân dân ủng hộ các phong trào: “Hũ gạo nuôi quân”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ”... Từ năm 1952 đến 1954, ông là du kích ở địa phương và tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trò chuyện với ông Phú, chúng tôi được ông chia sẻ thêm: “Khoảng tháng 1-1954, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ xã Chúc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ đến tỉnh Điện Biên. Cứ hai người thay phiên nhau gánh hai bao gạo nặng khoảng 30kg, có người thì đeo ba lô, bên cạnh đó còn có muối và xoong, nồi... Cứ di chuyển được 5 ngày thì mỗi người nhận thêm 5kg gạo dùng để nấu ăn dọc đường.

Gian khổ nhất là những ngày trời đổ mưa khiến đường trơn trượt, những đôi chân bước đi nặng hơn vì dính bùn. Có những đoạn đường rất khó đi, phải lần mò, nhích từng bước một, nếu sơ suất là trượt chân ngã xuống vực. Gian nan, vất vả là vậy nhưng không ai muốn nghỉ. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức cùng nhau vượt núi, băng rừng với tinh thần phục vụ cho bộ đội tiền tuyến ăn no, đánh thắng giặc thù”.

Sau khi vận chuyển lương thực đến kho, lực lượng dân công hỏa tuyến được giao nhiệm vụ đưa thương binh từ chiến trường về hậu cứ chữa trị. Mỗi thương binh được giao cho một tổ dân công gồm 3 người phụ trách. Chiến sĩ bị thương nằm trên võng, chiếc võng được mắc vào một thân cây dài. Hai dân công, mỗi người gánh một đầu võng, người còn lại đi theo sau, thỉnh thoảng thay cho người bị mỏi. Sau khi đưa thương binh về hậu cứ giao cho đơn vị quân y, lực lượng dân công tiếp tục nhận lương thực gánh lên chiến trường.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà ông Nguyễn Đình Phú nhân dịp 70 năm giải phóng thủ đô.

 

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Nguyễn Đình Phú về tham gia công tác ở địa phương. Từ năm 1955 đến năm 1965, ông Phú đã tham gia các công tác như: Trưởng ban thông tin tuyên truyền xã, Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán, Bí thư xã đoàn, ủy viên ủy ban phụ trách khối văn hóa xã hội xã, Phó bí thư chi bộ thôn Bài Trượng.

Một số khen thưởng tiêu biểu của ông Nguyễn Đình Phú.

Năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhập ngũ. Tháng 7-1967, ông chuyển công tác đến Trung đoàn Ra-đa 293, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân. Với những thành tích tiêu biểu trong kháng chiến, cựu chiến binh Nguyễn Đình Phú đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhì; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba; 8 bằng khen của bộ tư lệnh các quân binh chủng; 4 bằng khen của UBND tỉnh Hà Tây và tỉnh Hà Sơn Bình. Chiến thắng B52, 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 Điện Biên Phủ trên không bầu trời Hà Nội được thành ủy hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội khen thưởng là người đã có sự cống hiến quý báu vào chiến thắng và những người đã có công gìn giữ thủ đô. Đặc biệt, ông Nguyễn Đình Phú được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người năm 1968 có dòng chữ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Năm 1976, ông Nguyễn Đình Phú rời quân ngũ đi đào tạo ngành quản lý kinh tế thương nghiệp tham gia nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Đến năm 1993, ông nghỉ hưu và tham gia ban chấp hành hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh tại địa phương...

Năm 2024, ở tuổi 90 ông Phú vinh dự được nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, có lẽ nhiều chuyện thường ngày ông Phú lúc nhớ, lúc quên nhưng kí ức những ngày tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, “chia lửa” với Chiến dịch Điện Biên Phủ ở địa phương rồi những ngày hành quân “vượt núi băng rừng” vận chuyển lương thực mãi sâu đậm trong tâm trí ông.

Nhận xét về gia đình ông Nguyễn Đình Phú, đồng chí Đào Danh Dũng – Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: xã Hoàng Diệu rất tự hào có ông Nguyễn Đình Phú ở thôn Bài Trượng là chiến sỹ trực tiếp tham gia giải phóng thủ đô 10/10 năm 1954. Ông là người cán bộ đảng viên liêm khiết, sống giản dị chan hoà với tất cả mọi người, một người mẫu mực nuôi dạy con cái cháu chắt trưởng thành thành đạt, được mọi người rất kính trọng. ông Phú và gia đình luôn chấp tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương.

Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2024, gia đình ông Phú vinh dự được đón đoàn công tác của thành phố Hà Nội, của huyện Chương Mỹ, của xã Hoàng Diệu về thăm, tặng quà. Đây là niềm động viên, khích lệ lớn thể hiện sự tri ân, sự quan tâm ghi nhận của các uỷ đảng, chính quyền với những người có công với cách mạng.

 

Thu Hiền

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)