LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Về Chương Mỹ du xuân, trẩy hội
Ngày đăng 01/02/2023 | 15:31  | Lượt xem: 366

Cứ mỗi độ xuân về, tiết trời se lạnh với những tia nắng vàng như mật, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, hoa xuân bung nở, con người lại cảm thấy phấn khởi rạo rực, nhịp sống như được tăng lên gấp bội. Bởi vì mùa xuân là dịp tổng kết một năm cũ, bắt đầu một năm mới với bao điều may mắn, kỳ diệu. Và mùa xuân là mùa người người đi du xuân trẩy hội.

Hiện nay, mỗi năm, trên địa bàn huyện có 88 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau diễn ra tập trung chủ yếu vào mùa xuân (từ tháng giêng đến tháng 3 Âm lịch) nhiều lễ hội đã khôi phục được các phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị. Có 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ hội Bơi chải đình Lưu Xá, xã Hòa Chính. Hàng năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành bám sát, chỉ đạo, định hướng và thực hiện có hiệu quả. Những lễ hội đó không chỉ thu hút người dân trong huyện mà còn thu hút du khách bốn phương về trẩy hội. Người ta đến với lễ hội không chỉ để cầu xin mà còn để thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc, với thần, Phật, thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên; để được rũ bỏ những vất vả, cực nhọc, bận rộn mà hòa mình vào những trò chơi độc đáo ngày xuân.

Du xuân, trẩy hội là để con người có dịp trở về nguồn cội. Vào thời điểm ấy, đâu đâu cũng hân hoan, náo nức. Hội hân hoan trên núi cao, hội náo nức giữa xóm làng, lễ linh thiêng miền sông nước, hội rộn rã trong lòng người. Mỗi địa phương, vùng miền, lễ hội lại có những nét độc đáo và giá trị riêng. Và dẫu lễ hội hướng về nguồn cội thiên nhiên hay nguồn cội dòng tộc thì đều có ý nghĩa tâm linh thiêng liêng. Dù đi đâu, về đâu, những bước chân đều giục giã nhau trở về để cùng nhau tế lễ, cùng nhau trẩy hội. Người ta tìm thấy trong các lễ hội sự linh thiêng của thần, Phật, tìm thấy ở những nghi lễ lớp lang luôn được bồi đắp của nền văn minh lúa nước. Người ta cũng tìm thấy ở đó những ứng xử của con người đối với tự nhiên cũng như những khao khát, ước vọng của con người về một cuộc sống an yên, thái hòa.

Chùa Trầm xã Phụng Châu

Điểm thu hút đông đảo khách thập phương du xuân ngay từ những ngày đầu năm là danh thắng Chùa Trầm. Đây là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Chương Mỹ, cách Hà Nội khoảng 24km, tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ xung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16. Quần thể gồm thắng cảnh núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Đến với quần thể chùa Trầm, du khách không chỉ được chiêm bái Phật, cầu sức khỏe, bình an mà còn được mãn nhãn với phong cảnh đặc sắc nơi đây. Sau khi tham quan hết các chùa, các hang động, du khách có thể thử sức leo núi đá. Đứng trên núi không gian như được thu gọn trong tầm mắt, những cánh đồng xanh mướt, những ao cá đậm chất thôn quê. Xa xa là dãy núi nhỏ - nơi có di tích chùa Trăm Gian. Trước cảnh sắc mênh mông, phóng khoáng của đất trời, con người như dứt khỏi mọi toan tính, mưu sinh thường nhật để tận hưởng cảm giác thật thư thái, an yên.

Chùa Trăm Gian xã Tiên Phương

Cách chùa Trầm không xa là ngôi chùa Trăm gian độc đáo thuộc địa phận thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương. Chùa Trăm Gian được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” xưa, bên cạnh các chùa, như: Chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Chùa Trăm Gian được coi là một di sản độc đáo, nổi tiếng bởi vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính và cũng là niềm tự hào của người dân huyện Chương Mỹ. Hằng năm, chùa Trăm Gian thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái, lễ Phật, lễ Thánh.

Một số hình ảnh Lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Chương Mỹ

Ngoài những những ngôi đền, chùa nổi tiếng đó, đến với các vùng quê của Chương Mỹ, du khách còn được tham dự và chứng kiến nhiều lễ hội đậm chất văn hóa vùng miền như: Lễ hội truyền thống đình làng Tốt Động, xã Tốt Động; Lễ hội truyền thống làng văn hóa Tràng An, Lễ hội truyền thống làng Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn; Lễ hội làng Lưu Xá, xã Hòa Chính; Lễ hội làng Yên Cốc, xã Hồng Phong… Xen kẽ trong các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ, những trò chơi truyền thống như tổ tôm, cờ người, kéo co, đấu vật… Trẩy hội ngày xuân là cách con người hiện đại hòa mình vào văn hóa truyền thống. Bởi vậy, để tìm được sự hòa hợp, người trẩy hội cũng cần phải trang bị cho mình văn hóa ứng xử với lễ hội. Hiểu và thực hành thật đúng, thật trang nghiêm khi thực hành nghi lễ, tham gia đúng mực vào các trò chơi, không làm hoen ố nét đẹp tinh thần trong lễ hội là cách mà người đi lễ tham gia gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Đó là sự khởi đầu một năm mới tuyệt vời nhất.

Vùng đất Chương Mỹ có nhiều di tích văn hóa cổ kính, phân bổ rải rác ở hơn 200 làng. Chương Mỹ có tổng số 374 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được đưa vào danh mục quản lý, trong đó có 170 di tích được xếp hạng (32 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 138 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố), 11 địa điểm, di tích được gắn biển cách mạng kháng chiến. Có các tuyến sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, những nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử oanh liệt với những chiến công chống ngoại xâm như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Phùng Hưng, chiến thắng Tốt Động…Có thể nói, Chương Mỹ là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng để khách thập phương du xuân trẩy hội.

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)