LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Đưa sản phẩm truyền thống của các làng nghề vươn ra biển lớn
Ngày đăng 05/06/2024 | 14:38  | Lượt xem: 289

Không chỉ chủ động và kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến các đối tượng chính sách, mỗi cán bộ ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn là một tuyên truyền viên cho các sản phẩm của làng nghề; thông qua thực hiện nhiệm vụ, họ đã thúc đẩy việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người dân và các cơ quan chức năng, góp phần lan tỏa thương hiệu làng nghề...

 

Cầm trên tay chiếc mũ bất hủ "Chiến sỹ Điện Biên" - quà tặng chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên tay, chúng tôi rất bất ngờ khi đó lại là sản phẩm của cơ sở mây tre đan Hân Hạnh ở làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Hân - chủ cơ sở cho biết, bản thân chị rất bất ngờ khi sản phẩm của mình được chọn trình diễn và là quà tặng của Đại lễ lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi không ngạc nhiên; bởi lẽ, hơn chục năm nay, việc cơ sở mây tre đan Hân Hạnh lựa chọn và phối hợp với đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật trong gia công các sản phẩm mây tre đan đã tạo nên mối lương duyên rất lớn cho sự kiện trọng đại đó. Việc làm của cơ sở đã giúp đồng bào có thêm thu nhập; lan tỏa được "hồn nghề" tới đông đảo bà con. Quan trọng hơn, đó cũng chính là trách nhiệm an sinh, trách nhiệm vì cộng đồng của một doanh nghiệp.

"Chiếc mũ hoàn toàn được làm bằng mây, giang, có bọc vải dù và được mô phỏng từ chiếc mũ "trận" của chiến sỹ Điện Biên. Chúng tôi trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết cho chiếc mũ với tất cả tâm huyết và sự thành kính các chiến sỹ. Thật sự vô cùng tự hào khi được chọn là nhà thiết kế và sản xuất sản phẩm" - chị Hân nói.

Chị Nguyễn Thị Hân (áo đen) tự hào giới thiệu chiếc mũ Điện Biên với đại diện lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội huyện, xã Phú Nghĩa và Hội Phụ nữ xã. Ảnh: Đức Kiên

Một nghệ nhân nổi tiếng khác của Phú Vinh là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang - tác giả của tác phẩm "Bình hoa sen mây" - đạt kỷ lục Guinness tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long và cũng là con trai Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh - người thứ hai trong làng Phú Vinh nổi tiếng về làm tranh Bác Hồ bằng mây, giang. Gặp mới thấy, những giá trị về văn hóa, lịch sử và cả kinh tế của cha ông để lại đã được con cháu gìn giữ, phát huy ra sao.

Anh Quang cho biết, các tác phẩm nghệ thuật như ảnh chân dung, bình hoa từ mây, tre đan có tuổi đời từ vài chục đến vài trăm năm tuổi; ít tuổi hơn thì cũng đôi, ba năm đối với các vật dụng gia đình. Cũng chính tính nghệ thuật, tiện dụng và gần gũi thiên nhiên nên các sản phẩm rất được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Ngoài việc xuất khẩu hàng đi các nước châu Âu, anh Quang được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đặt hàng các bức phù điêu, tranh nghệ thuật bằng mây, tre.

"Thành công là vậy nhưng chúng tôi cũng gặp không ít rủi ro. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 vừa rồi, tôi không ít lần suýt "tử" vì nghề. Nhưng "nghề" đã là "nghiệp", lại yêu nó mất rồi nên khó thế nào rồi cũng phải vượt qua, không bỏ được" - anh Quang chia sẻ.

Với 36 làng nghề truyền thống được công nhận, Chương Mỹ đang dẫn đầu về số làng nghề của Hà Nội. Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Vì thế, để có những làng nghề truyền thống phát triển như hôm nay, chúng ta phải cảm ơn những người như vợ chồng chị Hân - anh Hạnh, anh Quang, bác Tĩnh… bởi sự yêu nghề và dám dấn thân vì nghề.

Mang nhiều giá trị quý báu như vậy, nhưng làng nghề vẫn đang thiếu đi sự đầu tư, bảo tồn và phát triển tương xứng. Trải qua các giai đoạn phát triển dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa, hoạt động di cư và hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương đã khiến không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một. Điều này không chỉ làm mất đi những sản phẩm truyền thống lâu đời mà còn kéo theo những lễ hội, trò chơi, trò diễn, tri thức nghề dân gian quý giá mất theo. Do đó, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Đào Vương Uyên cho hay, việc bảo tồn, phát triển các làng nghề không thể chỉ dựa vào những người làm nghề, mà còn cần phải có một nhạc trưởng dẫn dắt. Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản mà cần có sự giải đáp, vào cuộc của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp và sự đoàn kết, quyết tâm của mọi người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông,

Đồng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Hân cho biết, bản thân hai vợ chồng chị đều thừa hưởng nghề của cha ông để lại; làm nghề từ khi còn nhỏ nhưng cũng chỉ rành về kỹ thuật và sáng tạo mẫu mã; còn việc bán hàng ra sao, quả thật vẫn còn rất hạn chế. "Chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm một cách bài bản" - chị Hân nói.

Được biết, hiện nay, Hà Nội cũng đang thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Tại Chương Mỹ cũng vậy, thông qua việc xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm… huyện đang nỗ lực và vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn đưa sản phẩm truyền thống của các làng nghề vươn ra biển lớn.

Trong cuộc tái thiết cho sự hưng thịnh của làng nghề, các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện cũng tích cực vào cuộc. Ngoài việc chủ động và kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến các đối tượng chính sách, họ còn là tình nguyện làm tuyên truyền viên cho các sản phẩm của làng nghề. Thông qua các buổi làm việc với Hội đoàn thể, Ban Đại diện và các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tham mưu, xây dựng chương trình tín dụng phù hợp cho người dân trên địa bàn.

"Đặc biệt, qua các buổi làm việc với cơ quan báo chí, qua các nền tảng Facebook, Zalo cá nhân… thúc đẩy việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến với mọi người dân và khách hàng trên cả nước; từ đó, đưa sản phẩm bay cao, bay xa đến với bạn bè quốc tế" - Phó Giám đốc NHCSXH Chương Mỹ Lê Thị Hạnh Nguyên chia sẻ.

Thanh Vân – Bình Nhi

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)