DI TÍCH LỊCH SỬ
Đình Lương Xá tọa lạc ở khu vực trung tâm của làng Lương Xá, thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ. Căn cứ vào những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được trong đình và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian thì Đình Lương Xá thờ Thành Hoàng làng là tám vị vua triều Lý và phối thờ Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng, những người có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, được lịch sử ghi nhận.
Đình Lương Xá
Tám vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn - vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư về La Thành vào tháng 7/1010 (năm Thuận Thiên nguyên niên), tại đây trông thấy rồng vàng bay lên nên đổi tên là thành Thăng Long, cho chỉnh đốn pháp luật, củng cố đất nước.
Lý Thái Tông - nhà vua đã cho ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật thành văn đầu tiên ở nước ta. Nhà vua cũng thường thân chinh đi dẹp giặc như họ Nùng ở Quảng Nghiêm làm phản, giặc Chiêm Thành quấy rối biên cương.
Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt, xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng cường. Chính Ngài là người sáng lập ra Phật phái Thảo Đường với mục đích phát triển ý thức dân tộc, độc lập tự cường, chống lại giặc xâm lăng.
Lý Nhân Tông nối ngôi cha từ lúc lên 7 tuổi với sự giúp đỡ của mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan, Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ Quốc Thái uý Lý Thường Kiệt. Thời gian Vua cai trị, triều đình đã cho đắp đê ngăn lũ; mở khoa thi tam trường để thu nạp, dùng những người tài năng; lập Quốc Tử giám (1076); định quan chế, chia văn võ y phẩm... và đặc biệt là làm nên chiến thắng quân xâm lược nhà Tống.
Lý Thần Tông là con trai của Sùng Hiền Hầu Dương Hoán, nhà vua khi lên ngôi đã thực hiện chính sách ngụ binh ư nông làm phát triển sản xuất, nhân dân no đủ.
Lý Anh Tông lên làm vua lúc mới 3 tuổi. Nhà vua tin dùng những người tôi giỏi như Tô Hiến Thành, Hoàng Đình Hiền... nên giữ yên triều chính, đánh Đông dẹp Bắc giữ cho dân yên, rèn luyện quân lính làm nước Đại Việt trở nên hùng mạnh. Năm 1171, 1172 nhà vua đã dày công quan sát, cho làm tập bản đồ nước Đại Việt.
Lý Cao Tông lên ngôi vua khi chưa đầy 3 tuổi. Nhưng khi lớn lên, Lý Cao Tông cầm quyền lại bỏ việc triều đình, ham mê săn bắn làm trăm họ khổ sở, giặc cướp nổi lên.
Lý Huệ Tông lên ngôi, nhưng binh quyền hoàn toàn nằm trong tay họ Trần (họ vợ vua) nên không có thực quyền. Triều Lý tồn tại trong 215 năm, trải qua 8 đời vua, đến đời thứ 9 (1225) là Lý Chiêu Hoàng lên ngôi được 1 năm thì nhường lại cho chồng là Trần Cảnh. Từ đó họ Trần thay thế họ Lý trị vì đất nước.
Ngoài ra, Đình Lương Xá còn thờ Ứng quận công Đặng Đình Tướng. Ông sinh ra ở xã Lương Xá, phủ Chương Đức, phủ Ứng Thiên, nay là thôn Lương Xá, xã Lam Điền, Chương Mỹ. Trong thời gian làm quan, ông đã giữ nhiều chức quan trọng. Lúc 57 tuổi, ông được bổ nhiệm là Trấn thủ Sơn Nam và phong là Trung quân Hữu đô đốc, tước Ứng quận công cai quản Tả dũng thuỷ cơ, trấn thủ Sơn Nam, Tây quân Tả đô đốc, Thư phủ sự, Tá lý công thần, Thái tế, Đại tư mã.... Năm 87 tuổi thì mất, ông được chúa cấp đất an táng, ân điển thật không ai sánh kịp. Người đời bấy giờ thường gọi ông là Tiên Quốc Lão.
Đình Lương Xá được xây dựng trên khu đất đẹp, rộng rãi trong khu vực trung tâm của làng nhìn theo hướng Tây Nam, chếch về bên trái là ao đình, bên phải là đường giao thông liên thôn. Trước mặt là vườn cây rộng rãi với nhiều cây xanh tạo vẻ thâm nghiêm, cổ kính đồng thời toả bóng mát cho khu di tích. Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, đình làng được xây dựng vào năm Kỷ Mão đời Lê Trung Hưng theo kiến trúc cung đình bao gồm: Thượng cung, đình Trung và đình Hạ. Phía sau đình là đền thờ vua Thần Nông, bên trái có đền Hậu thờ Đức Thánh Mẫu, canh đều có văn chỉ thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo, cùng 72 môn sinh của Ngài. Hiện tại, đình Lương Xá được bố cục theo kiểu chữ công với tòa Đại bái ở ngoài, Trung cung và Hậu cung nổi dọc từ gian giữa Đại bái ra phía sau. Trong khuôn viên đình có sân rộng lát gạch, nghỉ môn và hồ nước hình bát giác, bên trong hồ đặt hòn giả sơn và cây cảnh tán rộng tạo vẻ tự nhiên, thanh nhã.
Ngoài các giá trị về nghệ thuật kiến trúc, đình làng Lương Xá còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị với nhiều chất liệu khác nhau: 01 bộ long ngại bài vị bên trong Hậu cung, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. 02 long ngại bài vị tại Trung cung, nghệ thuật thời Lê, 01 kiệu long đình sơn son thếp vàng chồng diêm 2 tầng 8 mái. 01 kiệu bát cống, 01 hương án gỗ sơn son thếp vàng….Đặc biệt, đình Lương Xá còn lưu giữ được một số lượng lớn sắc phong với 83 đạo sắc của các triều vua phong kiến phong cho thành hoàng làng. Ngoài ra đình còn nhiều đồ thờ tự khác như: cờ, quạt, làn, lọng, nậm rượu, chân nến, chân đèn...
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình được sử dụng làm kho của HTX thôn tích trữ lương thảo, quân khí đánh giặc và là nơi tụ họp, mít tinh của chính quyền địa phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi chứa vũ khí dùng cho việc luyện tập và chiến đấu của bộ đội địa phương… Do được sử dụng vào công việc phục vụ cho cuộc kháng chiến và lao động sản xuất cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên di tích không tránh khỏi bị xuống cấp. Tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng từ khi xây dựng đến nay đình Lương Xá vẫn ở nguyên chỗ cũ và vẫn giữ được kiểu dáng ban đầu.
Đình Lương Xá ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần tín ngưỡng của cộng đồng làng Lương Xá. Trong suốt thời gian tồn tại, đình Lương Xá đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn những di sản văn hoá truyền thống của dân tộc và di dưỡng lòng nhân ái, tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân địa phương.
Nguyễn Huế