TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Phật đản - Đại lễ của lòng biết ơn, sự kính trọng Đức Phật và là biểu tượng văn hóa, của lòng nhân ái và hòa bình
Ngày đăng 22/05/2024 | 15:24  | Lượt xem: 207

Đại lễ Phật đản hay Lễ Phật đản sinh là từ tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ của đạo Phật, là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo).

Từ năm 1999, ngày lễ Phật đản (15/4 âm lịch) đã được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới gọi là Vesak. Đại lễ Phật đản không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn được xem là một biểu tượng văn hóa, của lòng nhân ái và hòa bình giữa con người với con người, bởi đây là dịp để người Phật tử thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng với Đức Phật thông qua việc thực hành những giáo lý của Ngài. Chúng ta được nhắc nhở về việc sống tỉnh thức, tự giác, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Trên khắp thế giới, người Phật tử đều tổ chức những hoạt động thiện nguyện như cứu trợ người nghèo, thăm viếng trẻ em mồ côi, hay chăm sóc người già cô đơn. Nó không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một cuộc hội ngộ của tình người, của sự sẻ chia yêu thương và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Ở Việt Nam, sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm 1981 đến nay, Đại lễ Phật đản được Giáo Hội tổ chức trang trọng, thành kính hàng năm vào đúng ngày rằm tháng 4, để dâng hương tưởng nhớ, tôn kính Đức Phật. Nhưng ở Giáo hội các địa phương Đại lễ Phật đản thường tổ chức bắt đầu từ ngày mùng 8/4 cho đến 15/4 tư âm lịch, gọi là tuần lễ Phật đản. Trong Đại Lễ Phật đản, Giáo hội các địa phương và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày Đại lễ. Ngoài những nghi lễ của Phật giáo là những đêm văn nghệ hát mừng Đức Phật đản sanh và các hoạt động thiện nguyện của Giáo hội.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Đại lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện tổ chức trang trọng hàng năm và thường diễn ra tại chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương. Cùng đó, trên địa bàn huyện có 146 ngôi chùa đều trang trí cờ, hoa, tiểu cảnh Phật, biểu tượng hoa sen để chào mừng Đại lễ Phật đản Phật lich 2568Dương lịch 2024.

Trong tuần lễ qua, cùng với Giáo hội Phật giáo khắp mọi miền đất nước, toàn thể Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã đón mùa Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024 trong niềm vui hoan hỉ. Rất nhiều ngôi chùa trong huyện đã tổ chức Đại Lễ Phật đản với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể và đông đảo phật tử cùng nhân dân địa phương. Đại Lễ đã diễn ra với nhiều nghi thức Phật giáo trang trọng như diễu hành cung nghinh Phật đản sanh, chào cờ, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tuyên đọc Thông điệp, diễn văn Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024 của Đức Pháp chủ Giáo Hội Phật giao Việt Nam và không thể thiếu là nghi lễ tắm Phật Thích Ca sơ sinh với sự cầu mong thân thể và tâm hồn trong sạch. Kết thúc Đại lễ thường là hoạt động phóng sinh.

Đại Đức, Tăng Ni, đại biểu và Phật tử thực hiện nghi lễ tắm Phật và phóng sinh trong Đại Lễ Phật đản.

Bên cạnh các nghi lễ tôn giáo, nét đẹp mùa lễ Phật đản càng ngời sáng khi có nhiều hoạt động vun đắp những giá trị truyền thống từ bi của Phật giáo, đó là chia sẻ yêu thương để nhân lên yêu thương. Xuất phát từ ý nghĩ này, trong Đại lễ Phật đản, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện và Tăng, Ni trụ trì các chùa trên địa bàn huyện đã trao tặng những món quà ý nghĩa đến những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ xây sửa nhà dột nát, tặng gạo, tặng tiền, vật dụng thiết yếu, hay tặng những suất học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo.

Ni Trưởng Thích Đàm Khoa – Trụ trì chùa Trăm Gian cho biết: từ nhiều năm nay, mỗi lần Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện tổ chức Đại lễ Phật đản tại chùa, Ni trưởng đều dành tặng 50 triệu đồng cho một hộ nghèo xây, sửa nhà dột nát.

Đại đức Thích Viên Hải và Ni Trưởng Thích Đàm Khoa  trao 100 triệu đồng hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo.

Sư thầy Thích Vạn Linh – Trụ trì Chùa Đại Giác, Thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương cho biết: năm nào cứ đến mùa Phật đản là Phật tử và nhân dân trong thôn rất phấn khởi, mong nhà chùa tổ chức Đại lễ để được ra chùa dự lễ, dâng hương kính Phật, tắm Phật, được ăn chay. Trong dịp Đại lễ thầy cũng dành một phần tiền giọt dầu nhà chùa và vận động thêm các nhà hảo tâm cùng góp sức để tặng hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo thực hiện lời Phật dạy từ bi, bác ái. Tại Đại Lễ Phật đản năm nay, Thầy cùng các nhà hảo tâm tặng được hơn 90 suất quà cho hộ nghèo của xã Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Mỗi suất trị giá 500.000 nghìn đồng.

Tặng quà hộ nghèo trong Đại lễ Phật đản của chùa Đại Giác, Thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương.

Sư thầy Thích Đàm Vinh – trụ trì chùa Hỏa Tinh xã Ngọc Hòa cũng tặng 35 suất quà cho các hộ nghèo của xã Ngọc Hòa và Thị trấn Xuân Mai. Thầy cho biết: Đây là hoạt động không thể thiếu trong mỗi khi tổ chức Đại lễ Đại lễ Phật đản của chùa.

Tặng quà hộ nghèo tại Đại lễ Phật đản của chùa Hỏa Tinh xã Ngọc Hòa.

Đại lễ Phật đản hằng năm đã trở thành lễ hội tôn giáo thiêng liêng, là dịp để toàn thể Tăng Ni, Phật tử cùng nhau, ôn lại lịch sử của Đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni, là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy có giá trị vượt thời gian của Ngài.

 Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024 đã về rộn ràng trong đời sống tâm linh của những người con Phật, góp phần tạo nên mùa lễ hội vui tươi, đầm ấm và không ngừng phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo” góp phần xây dựng cuộc sống hướng thiện, hòa bình, an vui, hạnh phúc và gìn giữ, phát huy truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc ta.

 

                                                              Minh Thân  

Trung bình (0 Bình chọn)