TIN KINH TẾ TIN KINH TẾ

Chương Mỹ nâng cao hiệu quả tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Ngày đăng 04/11/2024 | 10:03  | Lượt xem: 94

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Chương Mỹ xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, liên kết hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của địa phương.

Trần Phú vốn là xã khó khăn nhất huyện Chương Mỹ khi thu nhập của người dân phụ thuộc lớn vào sản xuất nông nghiệp. Đổi mới tư duy, nhạy bén với thị trường, nhiều nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi gà sạch cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm.

Ông Trịnh Văn Đa (xã Trần Phú) cho biết: Năm 2018, gia đình đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 2.200m2 chuồng nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, trong đó có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ăn uống tự động, xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm môi trường... Mỗi năm gia đình (4 người) nuôi được 4-5 lứa gà; trừ các khoản chi phí, thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng/lứa. Theo ông Đa, chăn nuôi gà gia công cho doanh nghiệp, nông dân không phải lo về con giống, thức ăn, vắc xin phòng dịch, thị trường tiêu thụ... Bên cạnh đó, nông dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp chế phẩm sinh học xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường chăn nuôi gà sạch... “Mỗi lứa gà, gia đình tôi thu nhập hơn 20 triệu đồng từ việc bán chất thải chăn nuôi cho người thu gom nguyên liệu làm phân bón vi sinh...” - ông Trịnh Văn Đa chia sẻ.

Mô hình liên kết chăn nuôi gà sạch của ông Trịnh Văn Đa đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài chăn nuôi gà gia công cho các doanh nghiệp chế biến, nhiều hộ dân ở xã Trần Phú đã chuyển diện tích đất trũng thấp trồng lúa một vụ sang nuôi cá hữu cơ. Điển hình là gia đình ông Đặng Đình Khanh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi cá hữu cơ, mỗi năm cho thu nhập 2-3 tỷ đồng trên 20ha ao nuôi...

Theo Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, trên địa bàn hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi có 158 chủ trang trại liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm theo hình thức chăn nuôi gia công... Trong lĩnh vực trồng trọt, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã liên kết với nông dân các xã, thị trấn: Chúc Sơn, Thụy Hương, Hồng Phong, Hữu Văn, Tân Tiến, Nam Phương Tiến... sản xuất các loại rau hữu cơ, an toàn cung cấp cho bếp ăn tập thể của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC, T-Mart... Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú liên kết với Công ty cổ phần Vũ Võ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ tại một số tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị, cửa hàng của BigC, T-Mart, Vin-Mart, Sói Biển, Grove Fesh, Công ty Suất ăn công nghiệp Hà Nội, các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể...

Mô hình liên kết sản xuất của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn được lãnh đạo UBND huyện quan tâm, hỗ trợ phát triển.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết: Từ nay đến hết năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh phù hợp quy hoạch; chú trọng nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm...

Sang giai đoạn năm 2026-2030, huyện Chương Mỹ tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp nhu cầu thị trường; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện chủ trương mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như gieo cấy bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; hỗ trợ xây dựng, duy trì 20 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.../.

Lan Oanh

 

Trung bình (0 Bình chọn)