DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Di tích Đền Yên Lạc, xã Đồng Lạc
Ngày đăng 30/11/2023 | 12:01  | Lượt xem: 1972

Làng Yên Lạc thuộc xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ còn bảo lưu được cụm công trình kiến trúc văn hóa truyền thống, gồm ngôi đình, chùa, đền. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân thôn Yên Lạc. Đền làng Yên Lạc thờ Quế Hoa Công Chúa.

Căn cứ vào cuốn "Thần phả" làng Yên Lạc phụng sao theo bản của Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn và các tư liệu điền đã có tại di tích thì sự tích của Quế Hoa Công Chúa có thể tóm tắt như sau: Mẹ của bà là Trần Thị Yên, vốn ở trang Bảo Ngũ, nơi đây đã có tiếng là đất danh hương. Bà là người có sắc đẹp theo Lý Phật Tử, sinh được một người con gái là Quế Hoa vào ngày 04 tháng 02, tên danh là Ngọc Nhan, tên chữ là Quế Hoa Công Chúa. Đến tuổi trưởng thành, nàng rất đẹp, mắt phượng mày ngài như sóng nước mùa thu, da trắng như tuyết, tóc dài mượt mà, quả là người có vẻ đẹp lạ thường sánh với tiên nữ, thật khác với những người con gái khác.

Nàng theo cha đi đánh giặc Tùy, bị Lưu Phương truy sát. Quế Hoa chạy đến trang Yên Lạc, bọn giặc đuổi theo rất gấp, chúng muốn lấy tình chồng vợ để thuyết phục công chúa nhưng công chúa nói rằng: thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm phi đất Bắc, không làm giặc. Ngày 6 tháng 3 bà hoá, về sau nhân địa phương thấy bà anh linh nên lập miếu thờ, đắp tượng nguy nga, hương hoa cúng lễ mong bà phù cho dân khang vật thịnh, giải hạn trừ tai, đời đời ngưỡng trông, nổi đời truyền lại cho con cháu kính thờ bà không bao giờ dứt.

Di tích Đền Yên Lạc

Đền Yên Lạc quay về hướng Tây - Nam, xa xa có dòng sông Bùi luôn bù đắp phù sa cho mùa màng quê hương thêm phần xanh tốt. Đền tọa lạc trên khoảnh đất cao ráo bên ngoài làng, một bên giáp đường liên thôn và xung quanh là đồng lúa. Đền có kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm: Đại bái, Hậu cung. Qua một khoảng sân là Đại bái, Đại bái đền Yên Lạc làm theo kiểu ba gian nhà ngang, tường xây hồi bít đốc, hai mái lợp ngói ri. Nối từ gian giữa toà đại bái vào là hậu cung, hậu cung Đền Yên Lạc là ba gian nhà dọc.

Trải qua thời gian, hiện nay đền làng Yên Lạc lưu giữ được nhiều hiện vật như: 01 tượng Thánh, 1 bộ long ngai, 02 đạo sắc phong, 01 bức hoành phi, 10 đĩa sứ thờ Nguyễn...vv Ngoài ra, đền Yên Lạc còn lưu giữ được 05 đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đền và ca ngợi Công chúa Quế Hoa.

Đền Yên Lạc là nơi kết nạp Đảng viên Cộng Sản lần thứ nhất của xã Đồng Lạc trong tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, là nơi mít tinh cướp chính quyền cơ sở, trong kháng chiến chống Pháp là nơi in báo Lao Động cách mạng, là trường tiểu học... Nhiều thế hệ học sinh đều học ở đình, đền, nhiều thế hệ tòng quân lên đường để giải phóng quê hương cũng được tiễn đưa tại đây. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, thôn Yên Lạc đã có 42 người con ưu tú nằm lại trên các chiến trường, 12 người con để lại một phần máu thịt ở lại khắp các nẻo đường tổ quốc. Với những đóng góp lớn lao đó, nhân dân thôn Yên Lạc đã được Đảng, Chính phủ, Nhà nước tặng 120 huân huy chương cao quý các loại, có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, một gia đình có bằng có công với nước.

Tuy là một công trình tín ngưỡng tôn giáo không đồ sộ, nhưng ngôi đền Yên Lạc vẫn mang trong mình giá trị nhiều mặt về lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, góp phần bảo lưu và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống... Đền Yên Lạc được UBND tỉnh Hà Tây nay là UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2006.

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)