DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Chương Mỹ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về chùa Trầm – chùa Trăm Gian
Ngày đăng 06/09/2024 | 15:58  | Lượt xem: 220

Sáng 06/9, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian”.

Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Lượng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ; đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ.

Dự hội thảo có đồng chí Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các cơ quan tổ chức gồm: Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Viện nghiên cứu tôn giáo; Viện nghiên cứu Hán Nôm; Viện nghiên cứu Văn hóa; Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn. Các đồng chí đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của thành phố Hà Nội; đại diện Hội Sử học Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đại diện lãnh đạo và phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Về phía huyện Chương Mỹ, dự Hội thảo có đồng chí Trịnh Tiến Tường, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, đại diện Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội huyện; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Lãnh đạo xã Tiên Phương, xã Phụng Châu; đại diện Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam huyện và trụ trì chùa Trầm – chùa Trăm Gian.

Toàn cảnh Hội thảo

Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian là những di tích có lịch sử lâu đời, được dân gian ca tụng là hai trong "Tứ đại danh thắng của xứ Đoài" (chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương). Các ngôi chùa trong khu vực được khởi dựng từ sớm và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên một sức hấp dẫn và giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc.

Chùa Trầm (Long Tiên Tự), được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669), chùa có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như: Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, chùa Trầm còn là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc; đặc biệt trong những ngày tháng ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp, mơi đây Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã vang lên trong đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946. Đến đầu năm 1947, Chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh.

Chùa Trăm gian (Quảng Nghiêm tự), theo truyền thuyết chùa có từ thời Lý Cao Tông (1185), trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo với những dấu ấn kiến trúc của các triều đại khác nhau - Đến nay chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê, Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần. Dù là một ngôi chùa của làng, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa vẫn luôn giữ được sự tôn nghiêm, sự linh thiêng, được các triều đình phong kiến ghi nhận, sắc phong. Bên cạnh những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, chùa Trăm Giam là nơi tu hành và thờ tự đức Thánh Bối Nguyễn Bình An. Đây là ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh giống như nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng phát biểu chào mừng.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Nhận thức rõ các giá trị tiêu biểu của cụm di tích Quốc gia Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian đối với huyện Chương Mỹ nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung, Huyện Chương Mỹ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian nhằm đánh giá toàn diện, làm rõ, sáng tỏ hơn về nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, cách mạng kháng chiến của cụm di tích; tạo cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý; bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới. đồng thời giải quyết các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý di tích; đề xuất, định hướng các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch của huyện để nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Thành phố; kết nối, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng của Thủ đô tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện về giữ gìn, phát huy giá trị của di tích nói riêng, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người Chương Mỹ nói chung.

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu phát biểu tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo đã có 15 bài tham luận với gần 20 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đi sâu đánh giá về các giá trị văn hóa lịch sử của cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm đặt trong mối quan hệ với không gian văn hóa xứ Đoài xưa và không gian văn hóa Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Nêu rõ các giá trị văn hóa lịch sử của thời kỳ đương đại có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số cơ quan của Đảng, nhà nước, là nơi tản cư của Đài Tiếng nói Việt Nam… Nêu rõ hiện trạng các di tích của cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm với những giá trị còn được bảo tồn cho đến ngày nay trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và những bất cập, những sự xuống cấp của 2 di tích. Nêu lên một số biện pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian….

Tại Hội thảo, giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan đề nghị: Khẩn trương tiến hành khắc phục những tồn tại, hạn chế để diện mạo và quy hoạch của 2 di tích “xứng đáng và xứng tầm”, sẵn sàng từ những khu di tích quốc gia tiến lên thành quốc gia đặc biệt. Song song đó là tiến hành khẩn trương, kỹ lưỡng với chất lượng cao việc làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt… Ngoài ra còn có một số bài tham luận đáng chú ý như: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chùa Trầm – chùa Trăm Gian trong xu thế công nghiệp văn hóa” của tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội. “Bảo tồn cụm di tích chùa Trăm Gian – chùa Trầm gắn với phát triển du lịch ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội” của phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia. “Những báu vật trong hai cổ tự” của Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia và Nguyễn Đình Trà, chuyên viên phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. “Dấu ấn chùa Trầm trên hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh….

Nguyễn Huế - Đặng Sáng

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)