TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chương Mỹ: Số ca mắc sởi tăng 53 ca so với cùng kỳ 2024
Ngày đăng 28/04/2025 | 15:55  | Lượt xem: 32

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, trong tuần thứ 17, tính đến ngày 25/4 trên địa bàn huyện tiếp tục ghi nhận 11 ca mắc sởi ở 09 xã, thị trấn trong huyện. Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đã ghi nhận 54 ca mắc Sởi, ở 25/30 xã, thị trấn, tăng 53 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024.

Để chủ động phòng chống dịch sởi bùng phát trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, UBND huyện đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Sởi. Chỉ đạo các ngành y tế của huyện, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp chuyên môn trong phòng chống dịch. Trọng tâm là triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ trong độ tuổi từ 06 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi chưa tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng bệnh theo quy định. Để chủ động phòng chống dịch bệnh Sởi lây lan, song song với việc duy trì tiêm chủng vắc xin sởi vào ngày tiêm chủng hàng tuần, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo phải tiến hành rà soát kỹ số đối tượng chưa tiêm đủ mũi để tuyên truyền, người dân đưa trẻ đi tiêm vắc sin phòng bệnh sởi đủ mũi theo hướng dẫn của ngành Y tế, đồng thời rà soát, đăng ký đối tượng tiêm chiến dịch Sởi đợt 3 cho trẻ từ 6-8 tháng tuổi; 11-15 tuổi và từ 15 tuổi trở lên. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5.  Điều tra, giám sát các ca bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện và các cơ sở  y tế ngoài công lập trên địa bàn huyện để kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh, tham mưu UBND huyện chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Cùng đó phải tăng cường tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh và các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook của các đoàn thể, các hội nhóm về tình hình dịch bệnh và lợi ích của tiêm vắc xin trong phòng chống bệnh sởi để nhân dân nắm được, chủ động thực hiện góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Tổ chức tiêm sởi miễn phí cho trẻ tại trạm y tế Ngọc Hòa.

UBND huyện yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo phòng chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và không để xảy ra các ổ dịch trong cơ sở y tế; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Sẵn sàng thuốc, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở vật chất... phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi và sốt phát ban nghi mắc sởi theo quy định của Bộ Y tế. Căn cứ tình hình thực tế có thể nghiên cứu, đề xuất triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trong bệnh viện. Đảm bảo đủ vắc xin phòng bệnh sởi, cấp phát kịp thời cho các xã, thị trấn để triển khai chiến dịch tiêm chủng có hiệu quả. Chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của địa phương rà soát bổ sung tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi cho các đối tượng.

Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi gây ra, là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Bệnh rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn. Người mắc bệnh chủ yếu là trẻ em chưa tiêm chủng, hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Sởi.

Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các đồ vật mới bị nhiễm các dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... Người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh Sởi: ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi (MVVAC) ngay khi trẻ đủ 6 tháng tuổi tại Trạm Y tế phường nơi trẻ đang cư trú. Đến khi trẻ đủ 9 tháng tuổi sẽ tiếp tục được tiêm các mũi vắc xin có thành phần Sởi theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.

 Thường xuyên vệ sinh các nhân, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến Trạm Y tế xã, phường; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.

Minh Thân

 

 

 

                                                                

Trung bình (0 Bình chọn)