TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chương Mỹ hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 09/11
Ngày đăng 08/11/2024 | 11:31  | Lượt xem: 28

Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Quốc hội lựa chọn ngày 09/11 là ngày pháp luật vì là Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Hiến pháp năm 1946

 

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 09/11 là ngày pháp luật vì là Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Ngày pháp luật Việt Nam có mục đích và ý nghĩa đó là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân và hài hòa lợi ích trong xã hội. Qua việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hoá. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi ngư­ời. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh. Hướng tới xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội, văn hóa pháp lý được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người.

Xã Thụy Hương ra mắt mô hình truyền thanh với pháp luật

 

Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11, trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Chương Mỹ luôn đổi mới, sáng tạo, triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực công tác; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay tiếp tục là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của sở, ngành, đoàn thể, địa phương để triển khai thi hành Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, xây dựng huyện Chương Mỹ an toàn, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật với mục đích theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị  thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Căn cứ vào các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ- CP và Kế hoạch công tác năm của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ đã nghiêm túc triển khai các nội dung công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn. UBND huyện xây dựng và triển khai về công tác Tư pháp trên địa bàn huyện năm 2024, thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn huyện Chương Mỹ, trong đó chủ động, bám sát chỉ đạo của ngành dọc cấp trên để kịp thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm có hiệu quả, với lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã thị trấn xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật và triển khai thực hiện ở địa phương mình dựa trên cơ sở Kế hoạch của UBND thành phố và UBND huyện.

Trên cơ sở Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 09/01/2024 tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024, từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã tổ chức triển khai công tác tuyên truyền phổ biến giáo phục pháp luật năm 2024 phù hợp với thực tiễn của địa phương, xác định vai trò của từng tổ chức, đoàn thể, các cán bộ, công chức... trong phối hợp thực hiện và tổ chức triển khai thực hiện theo các kế hoạch. Tổ chức họp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đã phân công nhiệm vụ các thành viên để theo dõi, rà soát đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định. Thực hiện đánh giá thẩm định việc tự đánh giá các xã, thị trấn. Kết quả Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của huyện đề nghị UBND huyện công nhận 29/32xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 theo đúng thời gian quy định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như: trên trang thông tin điện tử của huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở, trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật”... tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện. Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về Luật tiếp cận thông tin cho các đối tượng là lãnh đạo, chuyên viên phụ trách lĩnh vực cung cấp thông tin của các phòng, ban, ngành chuyên môn thuộc huyện; Lãnh đạo, công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức phụ trách lĩnh vực cung cấp thông tin các xã, thị trấn.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn củng cố kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở, toàn huyện có 225 tổ hòa giải tổng số 1379 hòa giải viên. Tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”. Phối hợp phát hành miễn phí báo Pháp luật và xã hội cho 225 tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức lớp tập huấn về hòa giải ở cơ sở.  Kinh phí dành cho công tác Phổ biến giáo dục pháp luật tại cấp huyện là hơn 100 triệu đồng;  tại cấp xã là hơn 115 triệu đồng. Hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở tại cấp xã gần 50 triệu đồng. UBND huyệnChương Mỹ đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đã phân công nhiệm vụ các thành viên để theo dõi, rà soát đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định. Thực hiện đánh giá thẩm định việc tự đánh giá các xã, thị trấn. Kết quả Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của huyện đề nghị UBND huyện công nhận 29/32xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023theo đúng thời gian quy định.

Báo cáo viên Trung tâm trợ giúp pháp lý số 9 tuyên truyền pháp luật đến người dân

Người dân huyện Chương Mỹ lắng nghe tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Để tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu, UBND huyện Chương Mỹ đã thường xuyên chỉ đạo việc chấp hành pháp luật phải thấm sâu trong nếp sống của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội, công tác tuyên truyền cần tạo hiệu ứng rộng rãi, thiết thực. Công tác tuyên truyền, phổ biến cần tránh mang tính hình thức, nhằm mang đến cho người dân những nguồn kiến thức pháp luật một cách dễ nhớ, dễ hiểu, kịp thời để các tầng lớp Nhân dân cũng như toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. 

Trong thời gian tiếp theo, UBND huyện Chương Mỹ tiếp tục triển khai và thực hiện thật tốt việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định các cấp quản lý; chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật để các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo.

 

                                                                                                           Lê Hân

Trung bình (0 Bình chọn)