GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Phi Thường - Người nhạc sĩ của quê hương Chương Mỹ anh hùng
Ngày đăng 06/08/2024 | 16:55  | Lượt xem: 1913

Sinh ra và lớn lên ở miền quê xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ – Nơi gắn liền với những chiến công hiển hách qua trận “Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động” (1426 – 1427) thời ông cha ta dựng nước và giữ nước, anh Phi Thường đã sớm bộc lộ năng khiếu về ca hát. Giờ đây anh đã có “gia tài” hàng trăm bài hát ca ngợi về quê hương, đất nước, về con người Việt Nam. Trong đó, riêng về huyện Chương Mỹ - nơi anh sinh ra và lớn lên, anh đã sáng tác trên 20 bài hát về quê hương mình và được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận.

 

Anh Phi Thường khi thể hiện các tác phẩm của mình.

Bộc lộ năng khiếu từ thuở nhỏ                            

Sinh năm 1979, tại Thôn Leo xã Tốt Động, từ nhỏ anh Phi Thường đã luôn say mê với những giai điệu của những bài hát gắn liền tuổi thơ. Những người cao tuổi trong xóm chắc hẳn vẫn nhớ hình ảnh cậu bé Phi Thường ngồi trên đống rơm đầu ngõ véo von hát hết bài này sang bài khác mà không biết chán, đợi mẹ đi chợ về là có quà, anh có thể hát từ sáng tới tối được. Anh kể lại thuở nhỏ: Khi anh hát ở bất cứ đâu, dù trên đường đi học hay khi vui chơi, có khi vừa thổi cơm cũng vừa hát. Sẵn cái que bời để đun bếp rơm, anh Phi Thường vừa đun bếp vừa gõ vào vung xoong và gõ vào các thanh củi làm nhịp phách. Chả thế mà hầu như cái vung xoong nào cũng lỗ chỗ lồi lõm dấu vết gõ phách của anh. Bị mẹ mắng nhiều lần nhưng gần như anh không bỏ được thói quen đó.

Ở trường lúc nào anh cũng xung phong vào đội văn nghệ của trường, của lớp và tham gia đi thi văn nghệ ở huyện, nhiều lần tham gia vào đội văn nghệ của huyện đi thi ở Tỉnh Hà Tây…. Từ các cuộc thi, các dịp biểu diễn ở thôn xóm, ở trường đã khiến anh ngày càng tích lũy được kinh nghiệm trong biểu diễn và ngày càng đam mê với ca hát. Trong các hội thi, hội diễn văn nghệ mà không được tham gia là anh cảm thấy rất buồn, chính vì vậy anh mong muốn sau này được sáng tác âm nhạc, được viết các ca khúc, lưu lại những giai điệu riêng của mình.

Năm 1999, khi mới tròn 20 tuổi anh đã tham gia cuộc thi giọng hát hay của Tỉnh Hà Tây và vinh dự đạt giải Khuyến khích. Từ đây càng thôi thúc anh, càng giúp anh có thêm niềm tin, động lực để anh theo đuổi đam mê sáng tác âm nhạc.

Người Nhạc sĩ của quê hương

Sau khi tốt nghiệp THPT anh Phi Thường thi và đồng thời đỗ vào 2 trường là Đại học Văn Hóa Hà Nội và Cao Đẳng Nhạc họa Trung ương. Mặc dù rất thích trường Nhạc họa nhưng theo nguyện vọng của gia đình anh theo học tại trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. Dù vậy trong thời gian học Đại học anh vẫn không ngừng với niềm đam mê của mình, anh đã đăng ký học thêm lớp về âm nhạc, được học cơ bản về sáng tác, đồng thời anh đã đăng ký học thêm tại Nhạc Viện Hà Nội để nâng cao kiến thức chuyên môn nghệ thuật.

Nhạc sỹ Phi Thường (Thứ 5 bên phải) nhận giấy khen của Hội âm nhạc Hà Nội.

 

Đam mê âm nhạc và thường xuyên biểu diễn, thậm chí có thời gian tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn về ca hát tại Nhà thiếu nhi Tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng để viết lên những nốt nhạc, những giai điệu thì phải đến năm 2010 anh mới có tác phẩm đầu tiên của mình.

Anh tâm sự: Thời gian anh chuyển về công tác tại Phòng Văn hóa thông tin và Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Chương Mỹ, được tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất và con người quê hương, chính vì thế những giai điệu về nơi mình sinh ra cứ quanh quẩn trong đầu và những ca từ cứ nhảy múa cùng với những nốt nhạc quen thuộc.

Anh vẫn nhớ mãi bài hát đầu tiên của anh được ra mắt đông đảo cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ là vào năm 2011. Tại Lễ giao nhận quân của huyện, lần đầu tiên bài “Chương Mỹ quê hương anh hùng” được cất lên bởi giọng ca của NSƯT Việt Hoàn đã được mọi người đón nhận. Với ca từ gần gũi, với những địa danh nổi tiếng gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của huyện như: Trận đại thắng Tốt Động – Chúc Động, Chùa Trăm Gian, Hang Tử Trầm Sơn, Khu đô thị Xuân Mai, Khu công nghiệp, làng nghề Phú Nghĩa … đã đi ngay vào lòng người và được nhiều người dân Chương Mỹ yêu thích và thể hiện.

Nhạc sỹ Phi Thường trong vai trò là Ban giám khảo một số Hội thi văn nghệ ở huyện Chương Mỹ.

Anh Phi Thường cho biết: câu chuyện vui vui mà cũng chính là động lực để anh có thêm nhiều sáng tác về quê hương là khi những câu hát trong bài “Chương Mỹ quê hương anh hùng” đã nhiều lần được đồng chí Nguyên Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nhắc tới tại một số Hội nghị của huyện và nhấn mạnh: Phải làm như thế nào để huyện Chương Mỹ được phát triển mạnh mẽ, được đẹp như trong lời bài hát của nhạc sĩ Phi Thường…

Bài đầu tiên ra mắt là “Chương Mỹ quê hương anh hùng” giờ đã trở thành bài hát đặc trưng riêng của huyện, nhưng theo anh Phi Thường, tác phẩm đầu tay của anh lại là bài “Quê hương giữ trọn lời thề”. Anh cho biết, năm 2010 trong khi thủ đô Hà Nội đang tưng bừng tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, những lời ca: “Quê hương chúng tôi tự hào truyền thống anh hùng, quê hương chúng tôi tự hào tiếp bước cha ông. Quê hương chúng tôi chung tay dựng xây đời mới…” Rồi “Chương Mỹ xưa kia oai hùng kiên trung bất khất. Chương Mỹ hôm nay vẫn là dáng đứng hiên ngang…” đã thôi thúc anh ghép thành những nốt nhạc. Và cứ thế bài hát “Quê hương giữ trọn lời thề” đã lên hình hài. Nhưng phải đến năm 2014, khi tham gia vào Hội âm nhạc Hà Nội, được tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn với các nhạc sĩ của Thủ đô anh mới tự tin đưa bài hát đến với bạn bè, đồng nghiệp và đông đảo cán bộ và nhân dân trong huyện.

Rồi tiếp sau đó, bài hát “Chương Mỹ muôn ngàn lời ca” ra đời và trở thành bộ ba bài hát về quê hương được hầu hết người dân Chương Mỹ biết đến. Một bài được công nhận là bài hát đặc trưng riêng của huyện, một bài hào hùng thường được sử dụng trong các kỳ cuộc lớn, hoặc các buổi đồng diễn, một bài mang âm hưởng tươi vui trẻ trung phù hợp với công tác tuyên truyền….

Cùng với 3 bài hát về huyện, đến nay anh cũng đã sáng tác trên 20 bài hát về các xã, các địa danh, các trường học từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Anh tâm sự, nhiều bài được Hội đồng thẩm định nghệ thuật của Hội âm nhạc đánh giá rất cao cả về lời ca và âm nhạc như bài: Tiếng lòng mẹ ru, Vì sự nghiệp trồng người, Tự hào quê hương Trung Hòa, Tốt Động tạc nên trang sử vàng; Hoàng Diệu quê hương tôi, Trường Tốt Động yêu thương, Tình yêu dưới mái trường (Chương Mỹ A), Chúc Động nâng cánh ước mơ, Tự hào Xuân Mai A…

Anh tâm sự: Khi viết những bài hát về các địa phương, đơn vị vừa để giới thiệu những nét đặc trưng vừa mang tính chất tuyên truyền nên anh thường không đặt nặng tính nghệ thuật sâu sắc. Nhưng để lên được bài thì anh phải tìm hiểu sâu về địa phương đơn vị, nắm được về truyền thống, giá trị lịch sử, mảnh đất con người, về quá khứ, hiện tại và cả dự báo tương lai thì mới được công chúng đón nhận. Việc anh đi “lang thang” tìm chất liệu là điều thường thấy, những ý tưởng sẽ nhen nhóm và theo anh trong suốt quá trình thai nghén ra tác phẩm của riêng mình. “Làm sao để cảm xúc chạm đến trái tim người nghe mới là thành công” – Anh Phi Thường tâm sự.

Nhạc sỹ Phi Thường trong một buổi đi thu âm bài hát mới.

 

Nhạc sĩ của những bản tình ca.

Anh chia sẻ, trong tuyển tập trên 200 bài hát của anh sáng tác thì mới có gần 100 bài đã “thành phẩm”. Trong đó ngoài những bài viết riêng về quê hương, thì những bài hát về tình yêu, tình cảm gia đình, về những ngành nghề, công việc đã tạo cảm hứng cho anh sáng tác, được đón nhận và lan tỏa. Đặc biệt là nghành Giáo dục và Đào tạo. Anh còn nhớ năm 2015 bài hát Chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam của anh lần đầu tiên được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam do nhóm Dòng thời gian thể hiện. Cũng năm đó, bài “Mùa hạ của ước mơ” được đưa vào chương trình tuyên truyền ca khúc mới của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội là động lực giúp anh theo đuổi đam mê của mình.

Rồi bài “Tiếng lòng mẹ ru” phát trên truyền hình ANTV nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2020 và bài “Lính chữa cháy mà em” cũng được đông đảo công chúng đón nhận và làm rung động bao trái tim người nghe nhạc. Anh tâm sự: Bài hát “Tiếng lòng mẹ ru” có lẽ là bài anh viết nhanh nhất, chỉ ngẫu hứng chừng 20 phút đã hoàn thành. Đây cũng là bài anh rất tâm huyết để hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh. Anh kể: nhiều lúc viết xong không có kinh phí để hòa âm phối khí, anh đã phải bán cả chiếc xe máy lấy tiền hoàn thành tác phẩm.

Anh Phi Thường tâm sự, để viết lên một tác phẩm thì người nhạc sĩ có thể làm được, nhưng để thành một sản phẩm hoàn chỉnh, như hòa âm phối khí, ca sĩ, thuê phòng thu thì việc đầu tư tâm huyết và cả kinh phí là điều không thể thiếu và rất tốn kém. Chính vì thế có những thời điểm sáng tác của anh chỉ được nằm trên giấy.

Nói về ước mơ của mình anh cho biết luôn ấp ủ muốn viết bài hát riêng cho tất cả 32 xã thị trấn trong huyện Chương Mỹ. Được đi khắp huyện, thấy mỗi miền quê đều có những nét riêng, đều có những đặc trưng để đưa vào lời ca, nốt nhạc, chính vì thế anh luôn muốn lưu giữ những nét riêng ấy qua các giai điệu của riêng mình.

Chia tay anh Phi Thường khi nắng đã lên cao, cái nắng mùa hè rực rỡ như hòa vào từng giai điệu trong các sáng tác của anh. “Dù làm công việc gì cũng phải yêu thích và đam mê, riêng với âm nhạc trong tôi vẫn luôn cháy bỏng. Tôi sẽ mãi giữ ngọn lửa đam mê ấy để trong công việc bộn bề vẫn luôn có một góc nhỏ của thơ mộng, của những giai điệu, của tình yêu ngọt ngào, lắng đọng mà khi ngân vang lên khiến ta tan biến hết mọi mệt nhọc, phiền não” – Nhạc sĩ Phi Thường tâm sự./.

Hoàng Tình

 

Trung bình (0 Bình chọn)