LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG
Yên Nhân là làng Việt cổ nằm gần đê sông Đáy thuộc xã Hòa Chính. Đình làng Yên Nhân thờ 4 vị thần là: Đệ nhất vị Dương Phương Lan, Đệ nhị vị Đỗ Lang Vương, Đệ tam vị Mai Gia Minh, Đệ tứ vị Hồ Thông. Trong năm có lễ vào các ngày tuần tiết như: Lễ Thượng điền, Hạ điền mở đầu và kết thúc vụ cày cấy. Ngoài ra còn Tế xuống đồng, lễ cơm xôi mới. Vào các ngày tết trong năm như: Tết nguyên đán, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trung nguyên, tết Trùng thập ... cũng có lễ ở đình - chùa làng.
Một số hình ảnh Lễ hội làng Yên Nhân năm 2023
Đặc biệt, Lễ hội truyền thống của làng Yên Nhân được mở vào ngày mùng 04 đến mùng 06 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày chính hội có sự tham gia của 2 làng Yên Nhân và Lý Nhân, trong đó làng Yên Nhân là anh cả, Lý Nhân là em.
Trước ngày vào hội, làng cử một cụ cao tuổi nhất và hai cụ nữa khỏe mạnh, quần áo khăn mũ chỉnh tề ra đình làm lễ “mộc dục”. Nước dùng trong lễ này là nước mưa hứng ở giữa trời và được pha ngũ vị cho thơm. Nước này phải lấy từ trước, đề phòng thời điểm ấy không có mưa. Ngày hôm sau làng vào hội. Lễ vật gồm có: thịt lợn, bánh giầy, chè kho, oản đường, bánh chưng và các loại hoa quả khác.
Tới ngày 04/3 làng tổ chức tế tại đình gọi là cáo tế. Sáng ngày 05/3 tổ chức rước kiệu. 4 cỗ kiệu làng Yên Nhân xuất phát từ đình xuống cuối làng đón kiệu làng Lý Nhân rước lên, rồi cả hai làng về đình Yên Nhân để làm lễ khai mạc. Bây giờ, lễ khai mạc được bắt đầu bằng đọc diễn văn rồi đến quy ước làng. Xong lễ khai mạc hai làng rước kiệu về miếu, rồi về đình. Hai làng tế ở đây buổi trưa 05/3; đến nửa đêm có một lễ tế nữa gọi là tế bán dạ. Sáng ngày 06/3, dân hai làng lại tập trung để rước kiệu về đình Yên Nhân tế lễ, buổi chiều làng Yên Nhân rước kiệu tiễn kiệu làng Lý Nhân về.
Tham gia đoàn khênh kiệu rước là các nam thanh nữ tú (nam từ 25 - 30 tuổi, nữ từ 18 - 20 tuổi) và các cụ ông, cụ bà gia đình có uy tín trong làng. Kiệu nam mặc trang phục quần trắng áo the, thắt lưng nhiễu đỏ, đầu đội khăn xếp. Kiệu nữ mặc quần đen, áo dài the màu sẫm, thắt lưng xanh. Riêng kiệu rước sắc bà Dương Phương Lan có thêm hai cụ bà mặc áo dài màu sẫm quần đen, thắt lưng xanh, bên phải bỏ mũi phải, bên trái bỏ mái trái. Các cụ ông mặc trang phục áo the, quần trắng, thắt lưng đỏ rước gươm trường, bát bửu. Các cụ bà mặc áo dài gụ, quần thâm, thắt lưng đỏ rước cờ và gươm. Ngoài ra còn có từ 4 đến 6 cụ hai giới ăn mặc như rước kiệu để đón tiếp khách.
Phần lễ được tổ chức tương đối cầu kỳ và trang nghiêm. Lệ làng quy định: Văn tế chọn cụ nào chữ đẹp, có trình độ hiểu biết về lịch sử, phong tục viết; Chủ tế trước kia là cụ Tiên chỉ hay Lý trưởng, Phó lý, nay chọn cụ nào khoẻ mạnh, có uy tín trong làng; gia đình nào có tang không được tham gia rước kiệu mà phải quét dọn đường cho đoàn rước kiệu đi... Tuy vậy, phần hội lại được tổ chức vui vẻ, thu hút được đông đảo dân chúng hai làng tham gia. Các trò chơi như: đấu vật, đấu roi ... để biểu dương tinh thần thượng võ, ôn lại công trạng của các vị thành hoàng làng trong cuộc chống ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước.
Lễ hội làng Yên Nhân ngày nay đã có những đổi thay nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống. Lễ hội làng có ý nghĩa thiêng liêng, là một sinh hoạt văn hoá tâm linh cần thiết, nó nhắc nhở dân làng nhớ về cội nguồn, tổ tiên và cũng là hình thức liên kết cộng đồng, vui chơi giải trí sau những ngày làm ăn vất vả khó nhọc.
Nguyễn Huế