DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Tràng An
Ngày đăng 05/02/2024 | 15:05  | Lượt xem: 3217

Đình Tràng An hiện tại ở Tổ dân phố Tràng An, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Nhân dân địa phương thường gọi đình theo tên thôn từ xưa đến nay là đình Tràng An, ngoài ra đình không có tên gọi nào khác.

 

Di tích Đình Tràng An

Căn cứ vào thần phả và một số tư liệu thành văn còn lưu giữ ở đình Tràng An cũng như các truyền thuyết, hồi ức của nhân dân địa phương đã ghi nhận sự có mặt của các vị thần là: Bạch Hạc, Càn Tuy, Ngọc Trì, Tá Bộ được sử sách ghi chép khá nhiều. Có thể tóm tắt ngắn gọn về sự tích của các thần như sau: Vào thời vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương, ở châu Cửu Giang, huyện An Lão, phủ Kinh Môn có ông Đào Công là một vị quan văn võ toàn tài, làm Bộ trưởng Hoan Châu, rồi đến Hình tào Thượng thư, nhân có công đánh được giặc Đông Hải đã được lấy bà họ Nguyễn, người huyện Kim Bảng (tức đức thánh mẫu đã sinh ra thần). Bấy giờ đất nước bình yên, hai ông bà ngồi trên gác cao của thành Đông Hải xem nước biển tràn vào thì có 5 quả trứng trắng tinh như ngọc trôi đến trước mặt phu nhân. Bà vớt lấy để vào vạt áo, không ngờ trứng vỡ phát ra tiếng nổ lớn và toả mùi thơm ngát. Từ đó phu nhân có thai rồi sinh ra một bọc 5 người con trai khôi ngô tuấn tú. Lúc 7 tuổi, 5 anh em đã thông minh trí dũng khác người thường, đặc biệt là về sông nước, trong đó tài giỏi hơn cả là Bạch Hạc (người con thứ ba của Đỗ Công). 5 anh em vào kinh dự kỳ thi tuyển chọn người tài năng giúp vua trị nước. Nhà vua thấy 5 người thể diện đường đường thì vô cùng mừng rỡ liền mở tiệc lớn, phong cho Bạch Hạc chức Nam Long trưởng lệnh quyền xung hoa - Trung tế quốc thổ lệnh hầu, quản lý 50 thuỷ thần, 4 người còn lại làm Long tướng, phân nhau cai trị các phương. Hùng Duệ Vương đã cao tuổi nhưng không có con trai nối ngôi, người con rể là Tản Viên Sơn Thánh phụ chính đã hơn 10 năm đất nước thái bình, thịnh vượng. Khi nghe tin vua Hùng muốn nhường ngôi cho con rể, bọn giặc phương Bắc đem 30 vạn quân sang xâm lược nước ta. Duệ Vương bèn phong cho Tản Viên làm Nhạc phủ thống lĩnh 50 vị sơn thần đánh đạo quân bộ ở mặt trận Hưng - Tuyên - Cao Bình. Bạch Hạc làm Tào chỉ huy 50 thuỷ thần chặn đánh thuỷ bình giặc trên các sông lớn. Trận ấy hai người đã lập công lớn, phá tan quân Bắc xâm lược. Khi tiếp viện được cử sang, Tản Viên và Bạch Hạc lại thống lĩnh quân dân cả nước đánh đuổi ngoại bang ra khỏi bờ cõi. Một tháng sau, ở Hồng Châu có giặc cướp nổi lên, vua Hùng lại cử Bạch Hạc cầm quân đánh dẹp, bắt được tướng giặc Trương Dũng. Từ đó đất nước bình yên vô sự. Sau khi dẹp yên ngoại xâm, Bạch Hạc được vua phong làm Thổ lệnh khâm sai, Thống quốc trung thành Đại vương, cho trấn thủ đất Phong Châu. Nhận chức xong, Ngài xin được cùng các em đi thăm cảnh đẹp non sông đất nước, tìm nơi thắng địa để lập hành cung. Chính cung ở Bạch Hạc (ngã ba sông), Sơn Nam là hành cung thứ hai, vùng Tam Hiệp là hành cung thứ ba cộng tất cả là 182 nơi. Sau khi các Ngài mất, Bạch Hạc được nhà vua ban sắc phong làm Tam Giang Bạch Hạc Thượng đẳng phúc thần, các em Ngài tùy theo công trạng từng người mà ban phong mỹ tự và cho phép nhân dân ở 182 hành cung lớn nhỏ lập đền thờ, hương lửa muôn đời không dứt.

Ngôi đình tọa lạc trên một thế đất cao đẹp ở làng Tràng An. Phía trước là sân, giếng đình và cánh đồng lúa - ngô xanh bát ngát trải dài, sau lưng là đường quốc lộ 6 nối liền Hà Nội với vùng Tây Bắc rộng lớn. Cách đình không xa là dòng sông Đáy hiền hoà chảy.

Từ đường vào, qua một sân lát gạch rộng ta tới toà Đại bái của đình. Nhìn bên ngoài, toà Đại bái được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, tay ngai với hai mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, bên dưới xây giật cấp đơn giản. Vào bên trong, lòng nhà Đại bái được chia làm năm gian không đều nhau. Năm 1996, khi tu sửa đình dân làng đã nới thêm mái hiên cho rộng bằng những kèo kẻ đơn giản và xây thêm hàng cột hiên. Ở hàng cột quân tiền có mở hệ thống cửa bức bàn ở gian giữa, hai gian bên là cửa pano hai cánh tạo sự thuận tiện khi sử dụng. Tòa Hậu cung gồm ba gian nhà dọc được nối liền với gian giữa toà Đại bái kéo dài ra phía sau tạo chuôi vỗ (chữ đinh). Trong cung, từ gian thứ ba vào có làm một bệ thờ lớn xây bằng gạch, trát vôi vữa với các đường gờ chỉ nổi trang trí, trên đó đặt các cỗ long ngai bài vị thờ Thành hoàng cùng các đồ thờ tự khác.

Đình Tràng An là di tích còn bảo lưu được nhiều di vật thuộc loại quý hiếm với nhiều chất liệu khác nhau như: 3 bức hoành phi sơn son thếp vàng, 01 cỗ kiệu bát cống chạm rồng, sơn son thếp vàng rực rỡ, 04 cỗ long ngai bài vị, 01 quyển thần tích thôn Tràng An và nhiều đồ thờ khác.

Trong những năm trước cách mạng tháng Tám đình Tràng An là địa điểm hội họp bí mật. Trong Tổng khởi nghĩa đình là trụ sở chỉ huy khởi nghĩa ở thôn. Trong kháng chiến chống Pháp là nơi hội họp bí mật của du kích địa phương để triển khai các công việc như: vận động nhân dân đóng thuế quốc phòng cho kháng chiến, theo dõi nắm tình hình địch ở bốt Mai Lĩnh, rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, chôn mìn và đào hố chữ chỉ ở đường 6 để ngăn chặn bước tiến của giặc. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đình là nơi mở lớp học bình dân học vụ, hội họp của dân làng, bộ đội, sinh hoạt thanh thiếu niên, làm kho quân nhu cho Cục phòng không, không quân...

Đình Tràng An là một ngôi đình không đồ sộ nhưng nằm ở vị thế trung tâm của làng trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng hợp phong thuỷ truyền thống. Trong kiến trúc này đã hội tụ đầy đủ mọi giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và nghệ thuật của một thiết chế tín ngưỡng làng xã cổ truyền. Những giá trị tiêu biểu này đã đưa ngôi đình vượt khỏi không gian hạn hẹp của làng xã để hoà nhập vào kho tàng di sản văn hoá vô giá của cả nước. Ngôi đình đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu tiến trình lịch sử của kiến trúc nghệ thuật đình làng Việt Nam. Năm 2002, Đình Tràng An đã được xếp hạng di tích cấp thành phố.

 

Nguyễn Huế

Trung bình (0 Bình chọn)