TIN VĂN HÓA - XÃ HỘI
Sáng 2/2 (tức ngày 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), xã Quảng Bị long trọng tổ chức lễ khai hội truyền thống đình làng Quảng Bị năm 2025.
Các đại biểu dự lễ khai hội.
Các đại biểu tặng hoa chúc mừng.
Tới dự dâng hương có đồng chí Nguyễn Anh Viên - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế xã hội HĐND huyện, đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các ngành đoàn thể các xã cụm Miền Đáy, các cụ cao niên hai giới cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn xã và du khách thập phương.
Đồng chí Trịnh Đăng Vinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã đánh trống khai hội.
Đồng chí Trịnh Đăng Vinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã khai mạc lễ hội và nhấn mạnh: Toàn xã Quảng Bị có 1 ngôi đình chung, đình của xã gắn với những hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân, cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thôn, của xã. Dựa vào các tư liệu Đình làng Quảng Bị được xây dựng vào năm 1660; đến năm 2004, ngôi đình đã được xây dựng lại trên nền đất cũ. Đình xã Quảng Bị thờ Lục vị Thần hoàng: Đại vương trí tín, Phương Chung ý đức, Phương Anh phu nhân và 3 vị Đương cảnh thành hoàng. Tính từ khi Đình làng được xây dựng cho đến nay là 365 năm. Trước đây, Lễ hội Đình làng Quảng Bị vẫn còn theo phong tục truyền thống và là lễ hội vùng, cứ 3 năm tổ chức lễ hội 1 lần. Lễ hội mở 3 ngày từ ngày mùng 5 đến hết ngày mùng 7 Tết (hội kiệu vào ngày mùng 5 Tết, hội chợ Vậy ngày mùng 6 Tết, lễ an vị cầu bình an vào ngày mùng 7 Tết). Nghi thức lễ hội là tế lễ và rước kiệu, ngoài ra có các trò chơi dân gian và bán mở hàng phiên chợ đầu năm.
Sau kỳ Lễ hội năm 2015, được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, Đảng ủy - HĐND – UBND xã, Ban quản lý đình làng đã thống nhất thay đổi thời gian tổ chức Lễ hội truyền thống là 5 năm 1 lần. Thời gian tổ chức Lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 6 tết âm lịch với 2 phần đó là: phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm có rước kiệu dâng hương, tế Thần, cầu phúc, cầu lộc, cầu cho mùa màng tốt tươi, buôn bán kinh doanh thuận lợi, con cháu học hành tấn tới, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Một số tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Phần Hội gồm những trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, hát quan họ, cờ tướng, tổ tôm, giao lưu văn nghệ …
Việc tổ chức Lễ hội truyền thống làng nhằm nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn. Qua các hoạt động và sự kiện trong lễ hội, mọi người có cơ hội giao lưu gắn kết với nhau. Đồng thời bảo tồn và truyền dạy các giá trị, phong tục và lịch sử của cộng đồng. Những hoạt động truyền thống trong lễ hội giúp lưu truyền di sản văn hóa qua nhiều thế hệ giáo dục thế hệ trẻ của làng về niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Thu Hiền
DANH MỤC TIN TỨC
- Tin tức - Sự kiện nổi bật
- Tin hoạt động Thành phố, trong nước
- Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể
- Tin hoạt động HĐND
- Tin Kinh tế
- Tin Văn hóa - Xã hội
- Tin An ninh - Quốc phòng
- Tin cải cách hành chính, chuyển đổi số
- Sắp xếp đơn vị hành chính
- Thông tin Giải phóng mặt bằng
- Tin hoạt động người tốt, việc tốt
- Tin hoạt động các Xã, Thị trấn