TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng thị sát kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại xã Nam Phương Tiến
Publish date 06/09/2024 | 19:26  | Lượt xem: 129

Chiều 6/9, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ đã đi thị sát kiểm tra công tác phòng, chống, chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3 tại xã Nam Phương Tiến – Nơi được coi là rốn lũ của huyện hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Trường Năng, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy và đồng chí Vũ Ngọc Hòa, Huyện ủy viên, Chánh văn phòng Huyện ủy.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cùng Đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại xã Nam Phương Tiến

Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2024 vừa qua, xã Nam Phương Tiến là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Chương Mỹ. Toàn xã có gần 500 hộ với trên 2.400 nhân khẩu bị ngập và cô lập; Hơn 220 ha lúa, rau màu các loại, cây ăn quả và thủy sản bị ngập, trên 20.400 con gia súc, gia cầm bị chết trôi theo lũ; Hơn 110.000 con gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng..........

Báo cáo tại buổi kiểm tra, đồng chí Trần Thị Thu Hằng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiên cho biết: Để ứng phó với cơn bão số 3 được dự báo có mưa to đến rất to và dông, cấp độ rủi ro thiên tai do bão đạt cấp 3, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”  xã đã kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thiên tai.

Xã đã họp triển khai công tác phòng, chống lụt bão úng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo PCTT&TKCN; sẵn sàng cho các phương án: Phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; Phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của Nhân dân; Phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; Phương án di dời, hỗ trợ đảm bảo đời sống Nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra… Xã cũng đã liên tục cập nhật, đăng tải Công điện chỉ đạo của Thành phố, của huyện và thông tin về diễn biến của cơn bão trên hệ thống loa truyền thanh của xã để tuyên truyền, cảnh bảo người dân phòng, tránh bão …..

Sau khi đi kiểm tra thực tế hệ thống đê điều, kênh mương tiêu thoát nước và đến thăm hỏi, động viên một số hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo xã Nam Phương Tiến thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thành phố, của Huyện ủy, UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.

Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với cơn bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, xã cần chủ động thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ, mực nước trên các sông, hồ chứa để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai có thể xảy ra; đề phòng mưa lớn, sạt lở đất, lũ rừng ngang có thể xảy ra.

Căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động rà soát, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp tình hình địa bàn. Chú trọng phương án phòng, chống ngập úng tại các địa bàn trũng thấp, đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.

Sẵn sàng di chuyển nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực sạt lở, ngập úng; có phương án đảm bảo an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất, khu vực chịu tác động của lũ rừng ngang và các khu vực nguy hiểm khác). Đặc biệt lưu ý tổ chức lực lượng trực và thực hiện tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều theo đúng quy định, xử lý kịp thời ngay từ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi; Phân công cán bộ trực 24h/24h; theo dõi chặt chẽ diễn biến bất thường của thời tiết, mưa bão, lũ, úng ngập, thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến xảy ra; duy trì nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định./.

 

Lan Oanh - Đặng Sáng

 

Average (0 Votes)